Welcome
Từ ngách hẹp ra đường lớn
Trong kinh doanh luôn luôn có những doanh nghiệp (DN) ra sau, những thương hiệu chưa mạnh tồn tại song song với những DN “đi trước”, mạnh hơn về tiềm lực kinh tế, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh... Nhưng trong điều kiện yếu hơn về nhiều mặt, DN “đi sau” vẫn có thể phát triển tốt nếu biết “tìm lối đi riêng”.

Bỏ đường quang, chọn “bụi rậm”

Cạnh tranh là yếu tố không thể thiếu trong kinh doanh, đặc biệt là trong điều kiện thị trường mở. Và trên thực tế, các DN Việt Nam đa phần là DN nhỏ và vừa nên tiềm lực kinh tế, tài chính cũng như khả năng sản xuất, kinh doanh không bằng DN nước ngoài.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, DN trong nước vẫn có thể phát triển tốt nếu biết tìm hướng đi riêng. Điều này đã và đang được các DN Việt Nam áp dụng một cách triệt để, như các công ty Nutifood, TCL Việt Nam, Robot, Tài Ký, Bidrico...

Ông Nguyễn Bá Tài, Giám đốc Kinh doanh và Marketing Công ty Điện tử TCL Việt Nam, cho biết, chọn và khai thác "thị trường ngách" là kế hoạch thành công nhất của công ty cho đến thời điểm này.

Từ nhiều năm nay, thị trường hàng điện tử Việt Nam nhộn nhịp với những thương hiệu nổi tiếng như Samsung, Toshiba, Sony, LG..., nên các thương hiệu của Việt Nam và Trung Quốc rất ít chỗ đứng.

“Biết mình biết ta” nên nhiều năm nay, TCL Việt Nam không cạnh tranh trực diện với những hãng này mà chọn hướng đi riêng. Thay vì đưa hàng vào các thành phố như cách mà các hãng điện tử lớn áp dụng, TCL Việt Nam chọn thị trường nông thôn, đặc biệt là thị trường miền Tây Nam Bộ làm điểm đến.

Dù là thị trường ngách nhưng để thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng không phải là điều dễ dàng. Nhiều tháng trời, đội ngũ nhân viên TCL phải bám trụ, kết bạn với người tiêu dùng, nhà phân phối nơi đây để tìm hiểu nguyên nhân vì sao sản phẩm TCL bị từ chối.

Khi đã biết được người dân nông thôn lo ngại tivi TCL dễ bị sét đánh, TCL kết hợp với Công ty Thomson (Pháp) cho ra đời loại tivi chống sét với cam kết sẽ đổi tivi mới nếu tivi đang dùng bị sét đánh.

Nutifood cũng đã bỏ ra 5 năm để kiên trì bám trụ thị trường miền Bắc. Song song đó, Công ty triển khai nhiều hoạt động giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu ở các vùng nông thôn đồng bằng sông Cửu Long.

Không nhắm vào những người có thu nhập cao, Nutifood đến với những người nghèo, người có thu nhập thấp bằng sản phẩm chất lượng cao nhưng có giá bán phù hợp với họ. Không những thế, Công ty còn chấp nhận giảm lãi để giảm giá bán nhằm đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng càng nhiều càng tốt.

Trong khi đó, Công ty Robot lại dành nhiều thời gian để nghiên cứu văn hóa tiêu dùng từng vùng miền để đưa ra những sản phẩm thích hợp. Ông Đỗ Hữu Dũng, Giám đốc Công ty Robot, chia sẻ:

“Người tiêu dùng miền Bắc ưa chuộng mẫu mã, kiểu dáng đẹp và đẳng cấp cao của sản phẩm. Người tiêu dùng miền Trung thì rất kỹ lưỡng và gần như khó tính trong việc lựa chọn sản phẩm, vì vậy cần phải có những nhân viên bán hàng thật am hiểu về sản phẩm để có thể tư vấn tường tận...”.

Sáng tạo sẽ mở đường

Với cách thâm nhập thị trường độc đáo cộng với sự sáng tạo trong việc đưa ra sản phẩm mới, TCL đã dần chiếm được lòng tin của người tiêu dùng nông thôn. Trong hai năm liên tiếp 2009 - 2010, doanh thu của Công ty đã tăng 30%.

Tương tự, ông Trần Hữu Đức, Giám đốc Đối ngoại Nutifood, cho biết, hiện thị phần của Nutifood đã được mở rộng, các sản phẩm của Nutifood đều được người dân nông thôn tin dùng.

Cũng như thế, sau 5 năm tiếp cận thị trường nông thôn, đặc biệt là những vùng sâu, vùng xa, các loại nước giải khát của Bidrico đã được tiêu thụ mạnh. Thậm chí, ở nhiều vùng sâu, vùng xa, nói đến Bidrico nhiều khi người ta còn nhớ hơn là Pepsi hay Coca - Cola...

Trong cuộc gặp gỡ với các DN vào cuối tuần qua, GS. Adel Fawzi Dimian, Giám đốc Đào tạo Chương trình Thạc sĩ sáng tạo và quản trị DN thuộc Trường Đại học Quản trị Singapore (SMU), cho rằng, sáng tạo là con đường chắc chắn nhất để nâng cao năng lực cạnh tranh. Cách thức mà các DN Việt Nam vừa kể trên đang áp dụng là một trong những sáng tạo đáng quan tâm.

Theo GS. Adel Fawzi Dimian, người châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng có kỹ năng cá nhân cao, linh hoạt trong việc thích nghi với môi trường, điều kiện xung quanh. Khi gặp hoàn cảnh bất lợi, họ dũng cảm chấp nhận và xem đó như một cơ hội thử thách...

Nhưng, để sự sáng tạo thành công, cần có vai trò của một nhà quản lý giỏi. Họ phải biết thúc đẩy sự sáng tạo, tạo nên sự bền vững của sáng tạo trong hệ thống kinh doanh của mình, biến sáng tạo thành lực lượng nòng cốt của tổ chức.

Và một khi đã thẩm định và công nhận giá trị của sáng tạo, nhà quản lý phải có trách nhiệm chuyển hóa ý tưởng sáng tạo thành ứng dụng hữu ích cho công ty mình

DNSG
21/04/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Nhập siêu từ Trung Quốc : Ba giải pháp kiềm chế
      Tiêu dùng và đầu tư
      Phân phối ngoại hết "bắt nạt" doanh nghiệp nội
      Đưa khuyến mãi vào quảng cáo: hạ thấp thương hiệu?
      Thêm nhiều trách nhiệm khi bán hàng
      Phần lớn ngân hàng Châu Âu vượt qua cuộc “sát hạch sức khỏe”
      Google TV - Kênh truyền hình trực tuyến tại nhà