Welcome
Nhập siêu từ Trung Quốc : Ba giải pháp kiềm chế
Bằng đủ con đường, hàng Trung Quốc đang cắm rễ trong từng ngõ ngách trên thị trường VN. Chúng ta đang nhập quá nhiều hàng hóa mà DN trong nước hoàn toàn sản xuất được. Vậy chúng ta phải có giải pháp gì để giảm sự phụ thuộc “tự nhiên” như hiện nay

Ngoài nguyên liệu, nhóm hàng tiêu dùng của VN cũng góp phần không nhỏ
trong tỉ lệ nhập siêu của VN với Trung Quốc

Năm 2010, nhập siêu của VN có hai điều không bình thường: Thứ nhất, VN nhập khoảng 10 tỉ USD hàng tiêu dùng và xa xỉ, thuộc diện hạn chế và không khuyến khích nhập khẩu, hoặc trong nước có thể sản xuất được; Thứ hai, đặc biệt, nhập siêu từ Trung Quốc bằng 12,6 tỉ USD, trong khi tổng nhập siêu của VN là 12 tỉ USD, tức bằng tới 106% tổng nhập siêu của cả nước. Nghĩa là, VN xuất siêu với hàng trăm nước bạn hàng, nhưng lại nhập siêu duy nhất từ 1 nước, với số nhập lớn hơn tổng nhập siêu của cả nước. Nói cách khác, nếu không “dính vào” Trung Quốc, thì VN đã thực sự xuất siêu từ năm 2010, tức đạt được trọn vẹn cả hai mục tiêu của phát triển thương mại VN là: Cân bằng cán cân thương mại vào năm 2010 và tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2001 - 2010 phải gấp đôi tăng trưởng GDP (thực tế, trong giai đoạn này, VN tăng trưởng GDP xấp xỉ 8% và tăng trưởng xuất khẩu đạt gần 19%). Có thể nói, giảm nhập siêu từ Trung Quốc là bài toán cần giải để tiến tới cân bằng xuất-nhập khẩu VN trong giai đoạn tới.

Nguyên nhân từ nội tại

Nguyên nhân cơ bản của nhập siêu với Trung Quốc là các công ty của họ thắng phần lớn các hợp đồng EPC (Engineering, procurement and construction - Thiết kế, mua sắm và xây dựng) tại VN. Loại hợp đồng này thường được dùng trong xây dựng các nhà máy điện và các nhà máy cũng như công trình khác. Và trong lĩnh vực xây cất các nhà máy điện (của EVN và TKV), mỏ (như bauxit Tân Rai, Nhân Cơ, đồng của TKV), hóa chất (phân đạm Hà Bắc), giao thông (như xây, cải tạo đường sá ở TP Hồ Chí Minh, đường sắt trên cao ở Hà Nội) các hợp đồng đều do các công ty Trung Quốc thắng. Thắng thầu, họ nhập máy móc, thiết bị, vật liệu, sắt thép..., thậm chí cả nhân công (các số liệu trên chỉ là về xuất nhập khẩu hàng hóa, chưa nói đến dịch vụ, nếu tính cả dịch vụ, nhập siêu của VN còn cao hơn). Và đấy là nguyên nhân chính của nhập siêu. Và vai trò của các tập đoàn kinh tế nhà nước của VN trong thành tích xấu này là rất nổi bật.

Phần nhập khẩu nguyên liệu, bán thành phẩm để tiêu thụ hay sản xuất các mặt hàng tiêu thụ trong nước (thay hàng nhập khẩu) cũng chiếm tỉ lệ đáng kể (điện tử, máy tính, xăng, phân bón, thuốc trừ sâu). Và phần này cũng đóng góp vào thành tích xấu về nhập siêu với Trung Quốc.

Một nguyên nhân quan trọng nữa của tình hình nhập siêu với Trung Quốc là nhập các mặt hàng chế biến phân theo nguyên liệu (vải, sợi, nguyên liệu da giày) để chế biến hàng xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Các loại mặt hàng may mặc, da giày, thủy sản VN xuất nhiều hơn nhập. Như vậy nhập siêu các nguyên liệu này từ Trung Quốc được bù lại với xuất siêu các thành phẩm sang các thị trường khác (như Mỹ, EU). Một phần của nhập khẩu điện tử, máy tính cũng có thể liệt kê vào đây. Tuy nhiên giá trị gia tăng do các doanh nghiệp VN tạo ra thấp, nên thực chất là “xuất khẩu hộ” các doanh nghiệp Trung Quốc (mà một phần là các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc).

Có thể thấy nguyên nhân sâu xa của căn bệnh nhập siêu lớn với Trung Quốc là từ chính sách phát triển và cơ cấu nền kinh tế, do chưa sử dụng tốt các rào cản kỹ thuật. Và như thế việc giảm nhập siêu với Trung Quốc là vấn đề nan giải và chủ yếu vẫn là thay đổi cơ cấu nền kinh tế, cải tổ các DN nhà nước, nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp VN.

Giải pháp tổng thể

Thứ nhất, thúc đẩy quá trình tái cấu trúc toàn diện nền kinh tế theo hướng từ “lượng” sang “chất”, kể cả tốc độ và cơ cấu xuất nhập khẩu.

Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu. Theo đó, tăng trưởng kinh tế trung bình từ 7,5- 8% GDP/năm, nhưng tăng trưởng xuất khẩu sẽ chỉ gấp 1,5 lần, khoảng 12%/năm. Điều này là cần thiết để cải thiện cơ cấu thương mại VN theo hướng giảm xuất khẩu hàng khoáng sản, nông sản thô, tập trung xuất hàng công nghiệp chế tạo và nông sản chế biến. Đồng thời, giảm nhập khẩu những nguyên vật liệu đầu vào của những ngành có hàm lượng gia công cao, mức độ chế biến thấp, giá trị gia tăng thấp (ví dụ, những ngành như dệt may, giày dép, đồ gỗ có tới 80 - 85% nguyên liệu sản xuất đầu vào đều phải nhập của nước ngoài). Trung Quốc cung ứng những thiết bị, công nghệ rẻ tiền và đến trên 60% nguyên liệu cho VN hoạt động sản xuất xuất khẩu. Vì vậy, việc giảm mạnh xuất khẩu những mặt hàng phụ thuộc Trung Quốc sẽ giúp VN giảm nhập khẩu từ nước này. Đồng thời, cán cân thương mại với Trung Quốc cũng sẽ được cải thiện nếu VN chủ động nhập nguyên liệu từ Trung Quốc sản xuất để xuất khẩu sang chính Trung Quốc.

Ngoài ra, chính sách ưu đãi thu hút FDI của VN cũng cần có sự điều chỉnh theo hướng bình đẳng hơn với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và chọn lọc hơn để cộng đồng doanh nghiệp này tạo động lực mạnh hơn vào việc đầu tư sản xuất dài hạn, gia tăng xuất khẩu và chuyển giao công nghệ hiện đại.

Đặc biệt, cần sớm xây dựng và triển khai một chiến lược phát triển công nghiệp phụ trợ phù hợp, giúp tiết kiệm được một nguồn ngoại tệ lớn và tránh những cú sốc về giá nhập khẩu nguyên vật liệu khi thị trường thế giới tăng mạnh. Trong 5 tháng đầu năm 2011, giá hàng hóa nhập khẩu tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2010, bình quân khoảng 24%, trong đó giá nhiều mặt hàng tăng rất cao như xăng dầu tăng 41,5%, cao su các loại tăng 25,5%, bông tăng 110%, sợi tăng 39,4%, kim loại thường khác tăng 110%...Theo ước tính sơ bộ, giá và lượng hàng hóa tăng đã góp phần đưa kim ngạch nhập khẩu tăng thêm 9,4 tỉ USD, trong đó tăng do lượng khoảng 1,9 tỉ USD (chiếm 20%) và tăng do giá khoảng 7,5 tỉ USD (chiếm 80% kim ngạch tăng thêm). Nhập siêu 5 tháng đầu năm 2011 ước khoảng 6,5 tỉ USD, bằng 18,8% kim ngạch xuất khẩu. Chỉ tính do yếu tố tăng giá đã làm nhập siêu tăng thêm 1,5 tỉ USD.

Thứ hai, tăng cường kiểm soát chất lượng hàng nhập khẩu, hạn chế nhập khẩu các hàng xa xỉ và hàng tiêu dùng trong nước có thể sản xuất được.

Việc tuyên truyền rộng rãi, chính xác, kịp thời cho người tiêu dùng trong nước biết rõ về nguồn gốc, chất lượng và nguy cơ tác hại đến sức khỏe và độ bền sản phẩm của các hàng tiêu dùng và máy móc, thiết bị, công nghệ ngoại nhập rẻ tiền, mau hỏng do chất lượng thấp, nhất là từ Trung Quốc, là điều kiện quan trọng để người tiêu dùng VN trở thành người tiêu dùng thông thái, chủ động và tỉnh táo hơn, biết tự bảo vệ mình trước những “chiêu” sử dụng công nghệ độc hại nhằm giảm giá thành, quảng cáo và khuyến mãi bán hàng của các chủ sản xuất và kinh doanh hàng Trung Quốc, từ đó giúp giảm tổng cầu về hàng nhập từ Trung Quốc.

Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần chủ động  xây dựng và sử dụng linh hoạt các hàng rào kỹ thuật (như kiểu Thông tư 20 siết nhập ôtô và Thông tư 197 về siết ba mặt hàng điện thoại di động, rượu, mỹ phẩm...), phù hợp với cam kết WTO về quyền sử dụng các biện pháp khẩn cấp để đảm bảo cho cán cân thương mại,  cán cân thanh toán khi xảy ra mất cân đối nghiêm trọng, cũng như đáp ứng yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ môi trường. Hơn nữa, cũng cần rà soát bãi bỏ tất cả những ưu đãi thuế quan bất hợp lý, không cần thiết cho việc nhập khẩu các hàng tiêu dùng và xa xỉ, nhất là đối với các khu thương mại vùng biên và kinh tế mở, nhằm giảm thiểu tình trạng lạm dụng, gây thất thoát NSNN và tăng nhập siêu.

Thứ ba, tăng hỗ trợ sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của hàng VN phục vụ cả nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Bên cạnh việc mở rộng tuyên truyền chủ trương: “Người VN ưu tiên dùng hàng VN”, Chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và các cơ quan hữu quan cần có chiến lược dài hạn và giải pháp đồng bộ, nhất quán tập trung đẩy mạnh sản xuất và nâng cao sức cạnh tranh toàn diện (chất lượng, mẫu mã, bao bì, giá cả, công năng và tiện ích, cùng các dịch vụ hậu mãi...), cũng như tăng cường quảng bá các thông tin hữu ích có liên quan của hàng VN. Đặc biệt, phát triển hệ thống phân phối, bán lẻ hàng Việt, tăng cường sự gắn kết giữa các nhà sản xuất, phân phối và người tiêu dùng có ý nghĩa quan trọng để người tiêu dùng thuận lợi trong tiếp cận và ưu tiên sử dụng hàng Việt, giảm tâm lý chuộng hàng ngoại.

Cuối cùng, cần thấy rằng, về khách quan, trước mắt VN chưa thể nhanh chóng giảm ngay nhập siêu từ Trung Quốc do tính bổ sung cơ cấu trong nền kinh tế hai nước trong mô thức phát triển hiện hành. Nhóm hàng cần nhập khẩu  từ Trung Quốc (gồm máy móc thiết bị, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất, kể cả sản xuất hàng xuất khẩu) hiện chiếm tỉ trọng khoảng 85% tổng nhập khẩu của VN, nếu nhập từ nguồn ở nước khác có thể đắt hơn tới 20% và làm giảm tính cạnh tranh của hàng VN.

 Nói cách khác, nhập siêu của VN chỉ có thể giải quyết căn bản trong bối cảnh thay đổi mô thức phát triển hiện hành, trên cơ sở đột phá thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, chuyển mạnh sang phát triển theo chiều sâu, hiện đại và bền vững, coi trọng chất lượng phát triển như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã chỉ ra...

TS Đinh Văn Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu thương mại, Bộ Công Thương :
"Hãm phanh xuất khẩu mới có cơ giảm nhập siêu Trung Quốc"

Trung Quốc cung ứng trên 60% nguyên liệu cho chúng ta phát triển xuất khẩu, đồng thời, Trung Quốc cũng là nước cung ứng cho chúng ta những thiết bị, công nghệ rẻ tiền để chúng ta gia tăng xuất khẩu trong giai đoạn vừa qua. Nếu chúng ta không có chủ trương gia tăng mạnh xuất khẩu những mặt hàng phụ thuộc Trung Quốc thì tất nhiên chúng ta sẽ có điều kiện để giảm nhập khẩu từ nước này. Tuy nhiên, có một thông tin đáng chú ý là Trung Quốc đang chuyển động lực tăng trưởng kinh tế là đầu tư, là xuất khẩu trước đây sang việc lấy kích cầu đầu tư trong nước, thị trường trong nước là động lực tăng trưởng. Nếu Trung Quốc chuyển thật sự chiến lược của họ như vậy thì đó cũng là điều kiện để chúng ta có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu trở lại sang nước bạn. Nghĩa là, nếu ta vẫn phải nhập nguyên liệu từ Trung Quốc và ta sản xuất để xuất khẩu sang chính Trung Quốc thì cũng sẽ giúp ta tiến tới cân bằng cán cân thương mại với nước này.

Trong chính sách thu hút FDI cũng như chính sách xuất nhập khẩu, một yếu tố đặc biệt là chúng ta lại mở rộng điều kiện ưu đãi tối đa để cho các DN FDI được vào VN. Vì lẽ đó, tôi cho rằng, chính sách thu hút FDI cũng phải thay đổi. Ta phải quy định những hàm lượng công nghệ ở mức độ nào thì cho vào VN. Việc này có thể thông qua các quy định những tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với WTO

TS Nguyễn Minh Phong
23/06/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Cà phê và nghịch lý mua cao, bán thấp
      Hàng hiệu nhiễm độc chất, hại ra sao?
      Vén màn bí mật Apple mua lại thương hiệu iPad từ Fujitsu
      Điện thoại thương hiệu Việt: Ồn ào ra đời, lặng lẽ khai tử?
      Năm bí quyết kinh doanh B2B cho công ty nhỏ
      Vedan phải hoàn thành việc bồi thường trước ngày 13/8
      Vietnam Airlines thâu tóm thị trường, người tiêu dùng hoàn toàn bất lợi?