Welcome
Thêm nhiều trách nhiệm khi bán hàng
Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, được Quốc hội thông qua vào 17-11-2010 và có hiệu lực từ 1-7-2011, quy định nhiều trách nhiệm mới của doanh nghiệp khi cung ứng hàng hóa dịch vụ theo hướng khắt khe và chặt chẽ hơn

Tại hội thảo: “Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng - công cụ pháp luật hữu hiệu bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam" do Dự án hỗ trợ thương mại đa biên gian đoạn 3 (EU – Việt Nam Mutrap III) tổ chức tại TPHCM sáng 24-6, bà Vũ Thị Bạch Nga, Trưởng ban bảo vệ người tiêu dùng, Cục quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương cho biết, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có nhiều điểm hoàn toàn mới so với pháp lệnh bảo vệ người tiêu dùng trước đây, đặc biệt là quy định thêm nhiều trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh khi bán hàng.

Một số điểm mới của luật là người kinh doanh phải cung cấp thông tin về khả năng cung ứng kinh kiện, phụ tùng thay thế của loại hàng hóa thiết bị khi hỏng hóc để người tiêu dùng cân nhắc trước khi mua, tránh tình trạng thiết không có linh kiện thay thế hoặc giá quá cao như đang xảy ra hiện nay; hợp đồng giao kết với người tiêu dùng phải rõ ràng, minh bạch, trong trường hợp có cách hiểu khác nhau giữa hai bên thì cơ quan giải quyết tranh chấp sẽ ưu tiên theo hướng có lợi cho người tiêu dùng; cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch cho người tiêu dùng…

Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng luật hóa nhiều trách nhiệm cụ thể của người kinh doanh trong việc bảo hành hàng hóa, dịch vụ, theo đó, trong trường hợp sản phẩm thực hiện bảo hành thì thời gian này sẽ không được tính vào thời hạn bảo hành chung, tránh tình trạng người cung cấp hàng hóa, dịch vụ “ăn gian” thời hạn bảo hành bằng cách kéo dài thời gian khắc phục sự cố của mỗi lần thực hiện; thiết bị, linh kiện trong trường hợp thay mới hoặc đổi sẽ được tính thời hạn bảo hành từ thời điểm trên.

Người cung ứng hàng phải đổi hàng hóa mới tương tự hoặc thu hồi hàng và trà lại tiền nếu hết thời gian thực hiện bảo hành như thỏa thuận với khách hàng mà không khắc phục được lỗi; hoặc việc bảo hành lặp đi lặp lại tới 3 lần mà vẫn không khắc phục được lỗi. Các chi phí vận chuyển hàng hóa bảo hành cũng được quy định cho người kinh doanh chịu. Đặc biệt, trong thời gian bảo hành, người kinh doanh phải cung cấp cho người tiêu dùng loại hàng hóa, linh kiện tương tự để sử dụng hoặc một hình thức khác được chấp nhận…

Bà Nga cho biết, một số doanh nghiệp cho rằng những quy định mới về bảo hành như ở trên là quá nặng, quá ngặt nghèo và khó thực hiện. Ví dụ, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) từng phản ứng về quy định cung cấp sản phẩm thay thế trong thời gian bảo hành vì sản phẩm bảo hành có giá trị quá lớn… Tuy nhiên, theo bà Nga, một khi đã thành luật thì doanh nghiệp phải thực thi.

Cũng theo bà Nga, hiện cộng đồng doanh nghiệp đang rất quan tâm đến những điểm mới của Luật và nhiều công ty đã mời các cơ quan chức năng thực hiện tập huấn cho các bộ phận bán hàng…

Bên lề hội thảo, đại diện nhiều doanh nghiệp cũng đề nghị cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương cần sớm triển khai tập huấn các nội dung về Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để họ có thể hiểu đúng, hiểu đủ các quy định.

Theo đại diện Bộ Công Thương, cho đến thời điểm này, dự thảo nghị định, thông tư hướng dẫn việc thi hành Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được trình Thủ tướng Chính phủ, chờ phê duyệt. Sau khi các văn bản trên được chính thức ban hành, các cơ quan chức năng sẽ thực hiện tập huấn, hướng dẫn cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Trong khi đó, luật sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 1-7 tới.

Vi phạm quyền lợi người tiêu dùng dưới nhiều hình thức

Theo bà Nga, việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ với nhiều hình thức khác nhau, từ thấp đến cao, từ đơn giản đến tinh vi. Thời sự nhất hiện nay là câu chuyện về các loại thực phẩm chứa chất DEHP gây rối loạn nội tiết… Tuy nhiên, người tiêu dùng Việt Nam lại sẵn sàng bỏ qua, nếu có phản ánh thì rất ít.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, ủy viên thường vụ Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) thừa nhận, cho đến nay chưa có bất kỳ vụ kiện nào được người tiêu dùng đưa ra tòa án khi bị xâm phạm quyền lợi. Nguyên nhân là do thủ tục rườm rà và tâm lý e ngại của người tiêu dùng.

Minh Tâm
28/06/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Dân Đông Nam Á bị ảnh hưởng nhiều bởi quảng cáo trực tuyến
      Bỏ trần lãi suất: Quả bóng trong chân ai?
      Duracell - Thương hiệu pin hàng đầu của Anh Quốc
      Gia tăng giá trị cho thương hiệu
      Bất ngờ từ quảng cáo gây sốc
      Hiện tại, theo công ty Chứng khoán Dầu khí, ROA trung bình nhóm ngành này là 5,26% và ROE trung bình là 14,3%.
      Doanh nghiệp nhỏ và chiến lược dùng “kéo” để “đẩy”