Welcome
Khi Microsoft đi bán quảng cáo
Phần lớn mọi người vẫn nhìn nhận Microsoft trước hết là một hãng sản xuất phần mềm. Tuy nhiên, vào ngày 2/10 vừa qua, tại một sự kiện truyền thông ở Paris, Giám đốc điều hành Microsoft Steve Ballmer đã vẽ ra một bức tranh khác tới mức đáng ngạc nhiên về tương lai của tập đoàn này: Trong vòng 4 đến 10 năm tới, 25% doanh thu của Microsoft có khả năng sẽ là từ lĩnh vực quảng cáo.

Kế hoạch lớn…

Microsoft là một công ty truyền thông ư? Đúng thế. Do sự tăng trưởng đã chậm lại trong cách lĩnh vực hoạt động chủ chốt của Microsoft như hệ điều hành và ứng dụng desktop, cùng với những mối đe dọa ngày càng gia tăng từ các phần mềm và ứng dụng miễn phí mà các đối thủ khác như Google cung cấp trên mạng, ông trùm phần mềm đang tìm kiếm cho mình những nguồn doanh thu và tăng trưởng mới.

Mục đích của Microsoft là kết hợp các sản phầm phần mềm, sản phẩm phục vụ quảng cáo và sản phẩm truyền thông của mình để trở thành một đối thủ đáng gờm trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến, với nhiều sản phẩm mà các công ty sẽ phải tìm tới khi bắt tay vào các chiến dịch quảng cáo trên Internet. “Có thể, 10 năm tới, tất cả các hoạt động marketing sẽ được số hóa”, Giám đốc điều hành Ballmer dự báo.

Microsoft đặt mục tiêu là đạt tới thành công rực rỡ trong lĩnh vực này. Tháng 5 vừa qua, tập đoàn tiến hành vụ mua lại lớn nhất của mình, bỏ ra 6 tỷ USD để có trong tay công ty quảng cáo trực tuyến aQuantive. Thỏa thuận này mang lại cho Microsoft cơ sở cho hoạt động quảng cáo trực tuyến để bán quảng cáo, đặt quảng cáo và cung cấp cho các khách hàng các công cụ để tính toán độ hiệu quả của quảng cáo.

Cũng trong tháng 5, Microsoft cũng mua lại ScreenTonic, một liên doanh quảng cáo trên điện thoại di động của Pháp. Tuy nhiên, giá trị của thỏa thuận này không được công bố. Đầu năm nay, Microsoft còn “thôn tính” một công ty khác của Pháp là MotionBridge chuyên về tìm kiếm trên điện thoại di động.

Việc nhảy sang lĩnh vực quảng cáo là chiến lược quan trọng đối với Microsft, vì theo Giám đốc điều hành Ballmer, ông nhận thấy các lĩnh vực tăng trưởng nhanh nhất của Microsoft sẽ là quảng cáo và điện thoại di động, và giờ đây, tập đoàn có khả năng kết hợp cả hai lĩnh vực này. Hội nghị tổ chức hôm 2/10 ở Paris là một cơ hội để công bố chiến lược quảng cáo số của Microsoft đến hơn 500 khách hàng quảng cáo từ 17 nước châu Âu. Mặc dù Microsoft cũng đã tổ chức những hội nghị tương tự tại Seattles, Mỹ, đây là lần đầu tiên tập đoàn này tổ chức một hội nghị như vậy ở châu Âu.

Nên nhớ, ở châu Âu, quảng cáo trực tuyến vẫn còn đi sau những loại hình quảng cáo khác. Công ty tư vấn công nghệ JupiterResearch tính toán rằng, doanh thu quảng cáo trực tuyến tại châu Âu trong năm nay sẽ đạt con số 8,4 tỷ USD, so với con số 19,9 tỷ USD tại thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, thị trường quảng cáo trực tuyến của châu Âu đang phát triển nhanh. Theo Chris Dobson, Phó chủ tịch phụ trách bán hàng toàn cầu của bộ phận giải pháp quảng cáo số của Microsoft, đây là một cơ hội tuyệt vời cho Microsoft nếu như tập đoàn này muốn trở thành một người chơi thực sự trên thị trường quảng cáo toàn cầu – một thị trường với doanh thu 550 tỷ USD mỗi năm.

Thông điệp của Microsoft tới những người tham gia hội nghị ở Paris ngày 2/10 là, hiện nay, Microsoft đã có thể cung cấp dịch vụ quảng cáo mới như quảng cáo trong game, quảng cáo trên điện thoại di động.

Marc-Henri Madelenag, Giám đốc marketing và cũng là người đồng sáng lập của ScreenTonic đã nói về một số chiến dịch quảng cáo trên điện thoại di động thành công tại 4 nước châu Âu mà hiện nay công ty này đang cung cấp dịch vụ. Trong đó có một chiến dịch quảng cáo ở Anh mà người tiêu dùng có thể lái thử một chiếc xe hơi nào đó trên điện thoại di động của họ. Theo Dobson, Microsoft đang có kế hoạch mở rộng hoạt động của ScreenTonic trên phạm vi toàn cầu.

Khách hàng quảng cáo trong số những người tham dự hội nghị ở Paris cho biết, họ rất quan tâm đến những lĩnh vực quảng cáo mới – như quảng cáo trên điện thoại di động - mà Microsoft giới thiệu nhưng họ vẫn chưa quyết định sẽ chi bao nhiêu vào những loại hình quảng cáo này.

Thomas Egede Kragh, phụ trách quảng cáo trên Internet cho Nykredit một công ty dịch vụ tài chính của Thụy Điển cho biết, công ty của ông “chưa thực sự sẵn sàng đầu tư nhiều vào quảng cáo trên điện thoại di động. Dobson thừa nhận rằng, hiện vẫn còn là giai đoạn đầu của những loại hình quảng cáo như thế này. Ông nói: “Chúng tôi có tất cả những yếu tố cần thiết để tạo cơ sở cho những loại hình quảng cáo mới này, nhưng sẽ phải mất nhiều năm để phát triển”.

Một khi đã đạt được điều này, Microsoft cho rằng, tập đoàn này có thể quảng cáo tới khách hàng ở mọi lúc, mọi nơi. Ballmer kể lại, khi ông đi dạo trên đường phố Parist trước lúc diễn ra hội nghị và nảy ra ý tưởng về một tin nhắn xuất hiện trên đồng hồ đeo tay của ông với nội dung: “Xin chào, bạn đã ăn sáng chưa?” và gợi ý những nơi mà ông có thể đến để dùng bữa sáng.

“Các phương tiện kỹ thuật số ở bên chúng ta từ 16 đến 17 tiếng mỗi ngày và đó cũng là điểm đến cho các loại tin nhắn cũng như quảng cáo”, Ballmer nói. Ông hứa, Microsoft “sẽ sớm biết được về bạn, bạn đang ở đâu, đang làm gì và sẽ phục vụ bạn thật phù hợp.”

… và những thử thách lớn

Tuy nhiên, Microsoft còn phải vượt qua không ít thử thách lớn trên con đường đạt được những mục tiêu mà tập đoàn này mới đặt ra. “Microsoft bây giờ đã hiện diện mạnh mẽ trong các lĩnh vực game, điện thoại di động, phục vụ quảng cáo và truyền thông. Nhưng Google đã cung cấp các dịch vụ ở hầu hết các lĩnh vực này. Yahoo cũng thế. Và các dịch vụ của cả Google và Yahoo cũng có nhiều tính năng nổi trội như những dịch vụ mà Microsoft đang có dự định tung ra”, Nate Elliot, một chuyên gia phân tích cao cấp của JupiterResearch, nói.

Vào ngày 1/10, Yahoo đã công bố một thỏa thuận toàn cầu với Telefònica để mở rộng dịch vụ Internet trên điện thoại di động của Yahoo tới hơn 100 triệu người đăng ký sử dụng ở Anh, Ireland và Mỹ Latin. Đây là một động thái mà Yahoo coi là sẽ giúp thúc đẩy bước tiến của tập đoàn này vào lĩnh vực quảng cáo trên điện thoại di động.

Hãng sản xuất điện thoại di động Nokia của Phần Lan lại là một đối thủ nữa. Tháng 8 vừa qua, Nokia tuyên bố dự định nhảy vào lĩnh vực dịch vụ Internet và quảng cáo trên điện thoại di động. Vào ngày 1/10, tập đoàn này cũng tuyên bố đã đồng ý mua lại hãng sản xuất bản đồ số Navteq của Mỹ với giá 8,1 tỷ USD. Đây là một phần trong bước tiến của Nokia vào lĩnh vực quảng cáo trên điện thoại di động.

Nếu Nokia và các hãng sản xuất điện thoại di động khác có thể xây dựng một mô hình kinh doanh tốt trong lĩnh vực quảng cáo trên điện thoại di động, lĩnh vực này sẽ chiếm một vị trí rất quan trọng trong tương lai, khi mà mọi người sử dụng điện thoại di động của họ để tìm đường đi hoặc lấy thông tin về các cửa hàng và dịch vụ khi đang đi trên đường.

“Thật thú vị khi được chứng kiến xem bên nào sẽ quan trọng hơn – kinh nghiệm của Nokia trong lĩnh vực điện thoại di động hay sức mạnh của Microsoft trong lĩnh vực truyền thông và quảng cáo,” nhà phân tích Elliot của JupiterResearch nói.

Các công ty truyền thông cũng có thể là những đối thủ đáng sợ. Ivan Pollard, một chuyên gia tại công ty quảng cáo Naked Communications của Anh, cho biết, ông nhận thấy Rupert Murdoch là một đối thủ cạnh tranh lớn của Microsoft vì ông trùm truyền thông này đã thành công trong việc kết hợp các bộ phận truyền thông trong tập đoàn của mình. Ngoài ra, còn có một nhóm các đối thủ nhỏ hơn khác trong các bộ phận của lĩnh vực quảng cáo kỹ thuật số mà Microsoft đang nhắm vào.

Tuy nhiên, Google rõ ràng là đối thủ mà Microsoft đang cố gắng đuổi kịp. Ballmer nói: “Hiện nay, chúng tôi là số 2 và đây chính là nhân tố thúc đẩy chúng tôi, làm cho chúng tôi năng động hơn, cởi mở hơn.”

Còn đối với lĩnh vực tìm kiếm, Ballmer thẳng thắn thừa nhận rằng Microsoft đang chậm chân hơn Google, và rằng tập đoàn của ông sẽ phải chi hàng tỷ USD chỉ để trụ lại trong cuộc chơi này.

Tuy nhiên, chỉ công nghệ thôi có lẽ là chưa đủ để cạnh tranh với các đối thủ khác. Trong một cuộc điều tra xếp hạng thương hiệu do công ty tư vấn công nghệ Forrester Research của Hà Lan công bố mới đây, Microsoft có số điểm thua xa so với các đối thủ khác. Với thang điểm 100, điểm số của Nokia là 86, của Google là 57, còn của Microsoft là 4.

Bởi thế, việc lấy lại niềm tin của khách hàng là một nhiệm vụ sống còn nếu Microsoft muổn trở thành một “ông lớn” trong lĩnh vực quảng cáo.

Theo VnEconomy
06/02/2009
  CÁC TIN KHÁC
      Tìm lời giải cho tín dụng nông thôn
      Trung Nam Group ứng dụng thành công Online Office
      Mobile marketing tại Việt Nam: Vẫn chỉ là tiềm năng!
      De Macross GT1: Siêu xe đặc biệt đến từ Canada
      Porsche khéo “lấy lòng” khách hàng Mỹ nhất
      HP sẽ cắt giảm 9.000 việc làm trong 3 năm tới
      Tạo dựng nhân cách cho thương hiệu