Welcome
Tìm lời giải cho tín dụng nông thôn
Để thực sự phát triển nông nghiệp nông thôn theo đúng đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước cần rất nhiều giải pháp, cả ở tầm vĩ mô và vi mô trong một chiến lược tổng thể có tầm nhìn khả thi, khoa học và hợp lý. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi chỉ đề cập đến khía cạnh đẩy mạnh tín dụng phục vụ sự nghiệp phát triển nông nghiệp nông thôn VN trong những năm tới.

Tỷ trọng tín dụng cho nông nghiệp trong tổng tín dụng từ 1999 – 2009 (ĐVT: %)

Trong tổng số 86 triệu người dân VN (2009) thì vẫn có tới 60,6 triệu người sống ở khu vực nông thôn, chiếm 70,4% tổng dân số. Trong tổng diện tích cả nước 331.051 km2 thì đất nông nghiệp là 251.273 km2 (chiếm tới 75,9%) bao gồm đất sản xuất nông nghiệp là 95.988 km2, đất lâm nghiệp là 147.578 km2, đất nuôi trồng thuỷ sản là 7.384 km2 và đất ở tại nông thôn là 5.151 km2 (chiếm 81% tổng diện tích đất ở của cả nước).

Đầu tư chưa tương xứng

Rõ ràng, mặc dù sở hữu một bộ phận quan trọng của lực lượng sản xuất là đất đai và người lao động song đóng góp của khu vực nông nghiệp nông thôn vào tăng trưởng kinh tế vẫn chưa tương xứng với tỷ trọng khu vực nông lâm thủy sản trong GDP giảm từ trên 40%GDP trước khi đổi mới xuống dao động quanh mức 20%GDP trong những năm gần đây. Trong cơ cấu ngành nông nghiệp, trồng trọt vẫn chiếm tới gần 80%, ngành chăn nuôi cho dù đã có nhiều nỗ lực cũng chiếm chưa tới 20% giá trị sản xuất nông nghiệp, còn tỷ trọng tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ chiếm chưa tới 2,5%.

Nguyên nhân có nhiều song cơ bản là do khu vực nông nghiệp nông thôn chưa được đầu tư tương xứng trong khi chuyển dịch cơ cấu lao động không theo kịp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Hơn nữa, trong các yếu tố tăng trưởng hàng đầu là lao động, đất đai, vốn, công nghệ và năng suất lao động thì nông nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào hai yếu tố đầu tiên.

Sau gần ¼ thế kỷ đổi mới, nông nghiệp nông thôn VN vẫn dừng lại ở phương thức sản xuất nhỏ, phân tán, manh mún với công nghệ lạc hậu. Bên cạnh đó, mặc dù mỗi năm chúng ta xuất khẩu hơn 10 tỷ USD nông lâm thuỷ sản, đứng hàng đầu thế giới về xuất khẩu các mặt hàng nông sản quan trọng như gạo, cà phê, tôm, cá, chè, cao su, hạt điều,… song chủ yếu vẫn là xuất khẩu nguyên liệu thô, hàm lượng chế biến thấp, số lượng và chất lượng đều thiếu ổn định trong khi lại phải nhập khẩu nhiều sản phẩm là đầu vào cho sản xuất nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi,… thậm chí một số nông sản vốn là ưu thế của VN vẫn bị hàng ngoại nhập lấn sân ngay trên “sân nhà”.

Theo báo cáo chính thức, tỷ lệ vốn đầu tư hàng năm cho nông nghiệp chiếm khoảng 7% tổng vốn đầu tư toàn xã hội nên mặc dù tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng liên tục trên 40% GDP những năm gần đây song phần vốn đầu tư cho nông nghiệp nông thôn còn khoảng cách rất xa so với nhu cầu và lại càng giãn rộng nếu so sánh với phần vốn đầu tư dành cho khu vực công nghiệp xây dựng và dịch vụ. Vấn đề này thể hiện trong cả vốn đầu tư nhà nước, vốn đầu trực tiếp nước ngoài cũng như vốn đầu tư ngoài nhà nước và trong chừng mực nào đó cả trong ưu đãi đầu tư.

Khát vốn

Khu vực nông nghiệp nông thôn đang “khát” cả vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh và vốn đầu tư cho tiêu dùng của hàng chục triệu hộ gia đình nông dân. Nông nghiệp nông thôn có nhu cầu lớn về vốn, trong đó có vốn tín dụng để mua sắm những tư liệu sản xuất quan trọng như máy móc thiết bị nông nghiệp phục vụ tưới tiêu, làm đất, chăm sóc cây trồng vật nuôi, thu hoạch, bảo quản, chế biến,… như phương tiện vận tải (ôtô, máy kéo, máy cày, xe thô sơ, tàu thuyền,… như giống, phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi,… như điện, xăng dầu,…

Bên cạnh đó, nông nghiệp nông thôn còn có nhu cầu rất lớn về vốn đầu tư nói chung, vay vốn tín dụng nói riêng nhằm cung ứng các tư liệu tiêu dùng như lương thực thực phẩm, hàng công nghiệp (may mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân và gia đình,…), vật liệu xây dựng, nội thất, phương tiện đi lại (xe đạp, xe máy, ôtô, thuyền, xuồng,…) cũng như thụ hưởng các loại hình dịch vụ cho sản xuất nông nghiệp (thuỷ lợi, điện, nước sinh hoạt, khoa học kỹ thuật,…), dịch vụ môi trường, dịch vụ tiêu dùng cá nhân – hộ gia đình, dịch vụ văn hoá – giáo dục đào tạo – y tế – xã hội,… Tất cả những nhu cầu tất yếu khách quan đó của hàng chục triệu hộ nông dân VN đang bị hạn chế bởi nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau song nguyên nhân cơ bản nhất là hạn chế về thu nhập. Mặc dù đến cuối năm 2009 VN đã gia nhập những nước có mức thu nhập trung bình với bình quân thu nhập đầu người trên 1.000 USD/năm song tỷ lệ hộ nghèo của VN vẫn còn cao. Hơn nữa đại đa số số hộ nghèo đó lại ở khu vực nông nghiệp nông thôn.   

Bên cạnh đó, thu nhập của các hộ nông dân VN không chỉ thấp mà còn ngày càng cách xa so với thu nhập của khu vực thành thị phi nông nghiệp. Báo cáo của TCTK cho thấy, nếu thu nhập bình quân đầu người năm 2008 là 995.000 VND/tháng thì của khu vực nông thôn chỉ có 762.000 VND/tháng còn của khu vực thành thị tới 1,6 triệu VND/tháng.

Theo đó, chi tiêu của khu vực nông nghiệp nông thôn bị hạn chế rất nhiều với chi tiêu bình quân đầu người năm 2008 chỉ có 619.000 VND/tháng trong khi con số này ở khu vực đô thị là gần 1,25 triệu VND/tháng còn của cả nước là 792.000 VND/tháng.

Rõ ràng, khu vực nông nghiệp nông thôn đang rất khát các nguồn vốn để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, mức sống và khả năng chi tiêu, cải thiện các điều kiện văn hoá – xã hội,… nhưng vẫn đang tồn tại một khoảng cách khá xa giữa nhu cầu về vốn và thực tế đáp ứng. Chỉ lấy riêng trường hợp vốn tín dụng dành cho nông nghiệp nông thôn làm ví dụ.

Cần tháo “vòng kim cô”

Các hộ nông dân VN ngày càng khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng mặc dù chúng ta có không ít định chế tín dụng hướng vào phục vụ cho người nông dân.

Tỷ trọng tín dụng cho nông nghiệp trong tổng tín dụng hàng năm đã giảm từ mức xấp xỉ 30% giai đoạn 2002-2008 xuống còn khoảng 18% năm 2009. Các hộ nông dân VN ngày càng khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng mặc dù chúng ta có không ít định chế tín dụng hướng vào phục vụ cho nông dân như Ngân hàng NN-PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển VN và hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân,… với các chương trình cho vay ưu đãi từ 50 triệu VND, thậm chí tới 500 triệu VND mà không cần thế chấp, đi đôi với việc phát triển tài chính vi mô với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền và cả các tổ chức nước ngoài. Kết quả là nông nghiệp nông thôn VN thiếu cả vốn dành cho sản xuất kinh doanh cũng như vốn dành cho đời sống sinh hoạt, thị trường tín dụng đen vẫn còn nhiều đất sống, đặc biệt ở khu vực nông thôn, các vụ vi phạm pháp luật liên quan tới tín dụng nông nghiệp nông thôn hầu như không giảm, thậm chí còn tăng,… Rủi ro của các hộ nông dân rất cao mỗi khi gặp thiên tai, mất mùa, dịch bệnh,… do thu nhập quá thấp nên không ít người trong số họ buộc phải tìm cách vay nợ khắp nơi, thậm chí là “vay nóng” với “lãi suất cắt cổ” để mua sắm tư liệu sản xuất, hay chỉ là đóng tiền cho con đi học, đi chữa bệnh, đi lao động ở nước ngoài,…

Có rất nhiều lý do khác nhau để giải thích cho những bức xúc về tiếp cận tín dụng nói riêng, có vốn để sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống sinh hoạt nói chung. Song tựu trung là những hạn chế nằm trong phương thức sản xuất nông nghiệp của VN hiện nay gắn với cái “vòng kim cô” là thu nhập thấp, nghèo nên thiếu vốn để phát triển sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu, đầu tư vào máy móc công nghệ để tăng năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, phát triển tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, đầu tư vào con người để nâng cao trình độ,… Cũng vì nghèo nên thiếu tài sản có giá trị để thế chấp cầm cố vay vốn ngân hàng,… nên khó có thể thoát nghèo, khó có cơ hội nâng cao thu nhập và nông nghiệp VN vẫn giẫm chân tại chỗ, khó có thể tạo ra và thu hút các nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển nông nghiệp nông thôn.

Chừng nào chúng ta chưa phá được cái “vòng kim cô” đó thì nông nghiệp nông thôn cũng như các hộ nông dân VN còn khó có thể phát triển và khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, giữa nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ càng khó thu hẹp.

Bên cạnh những chiến lược chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn, cơ cấu lại nền kinh tế nông nghiệp và cơ cấu lao động,… thì biện pháp trước mắt có thể thực hiện ngay để giải quyết vấn đề vốn cho nông nghiệp nông thôn và nông dân chính là tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho khu vực này thông qua xác lập cơ chế thực thi đơn giản và rõ ràng để rút ngắn khoảng cách giữa chính sách với thực tế triển khai. Đồng thời, rất quan trọng là cần xây dựng ngay một cơ chế bảo lãnh tín dụng cho nông nghiệp nông thôn và nông dân thay vì phải cầm cố hay “nộp” giấy sử dụng đất – tài sản gần như duy nhất đáng giá của các hộ nông dân – như hiện nay.

16/08/2010
  CÁC TIN KHÁC
      Habeco: Tiếp tục phát triển bền vững
      Nhân lực quản trị doanh nghiệp: Tìm ở đâu?
      Ra mắt kênh truyền hình mua sắm hàng Việt
      Đau đầu với hàng giả - hàng nhái
      Định vị hàng Việt ở chợ
      BMW 740i 2011: Đẳng cấp là mãi mãi
      PepsiCo đang dần thoát khỏi kiểu marketing "thương hiệu lớn"