Welcome
Sản phẩm công nghệ thông tin Việt: chật vật đường ra
Trong khi nhu cầu thị trường nội địa hàng năm rất lớn thì các sản phẩm công nghệ thông tin do công ty trong nước sản xuất vẫn chật vật tìm chỗ đứng. Doanh nghiệp kêu gọi các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư dài hạn

Thống kê của các tập đoàn quốc tế cho thấy các ứng dụng phần mềm cho điện thoại di động được phát triển tại Việt Nam đang cung cấp cho hàng tỉ người dùng dịch vụ 3G trên thế giới. Đến năm 2015, cứ 12 con chip của Intel bán ra thị trường thì có một được sản xuất tại Việt Nam. Nhưng để phát triển được sản phẩm thương hiệu Việt thật sự có chỗ đứng ở thị trường trong nước vẫn là bài toán hóc búa.

Sản phẩm phần cứng bán trên thị trường, gần 100% có nguồn gốc ngoại, giá trị gia tăng trong nước rất thấp. Ảnh: Lê Quang Nhật

Rào cản cả bốn hướng

Theo ông Phạm Tấn Công, tổng thư ký hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam, thì sản phẩm công nghệ thông tin (CNTT) thương hiệu Việt cho đến nay vẫn chỉ đếm được trên đầu ngón tay trong khi nhu cầu thị trường nội địa là rất lớn. Về phần cứng một số sản phẩm cơ bản được lắp ráp trong nước có được chỗ đứng ở thị trường nội địa nhưng gần 100% nguồn gốc ngoại, tỷ lệ gia tăng thấp. Về phần mềm, cũng chỉ một số ít do doanh nghiệp Việt Nam phát triển và đứng được trên thị trường. Nguyên nhân thì nhiều nhưng chủ yếu doanh nghiệp CNTT vốn còn non trẻ, các khu vực thị trường đều rất khó khăn, lại thiếu các chính sách và cơ hội tạo điều kiện để có những đầu tư dài hạn.

Ở khu vực Nhà nước cần các giải pháp chuyên biệt với nhiều dự án, lĩnh vực đa dạng, ít cạnh tranh nhưng lại nhiều rào cản, quy định mà doanh nghiệp không dễ tiếp cận. Khối doanh nghiệp là thị trường lớn nhưng cạnh tranh lớn, phần mềm Việt còn nhiều hạn chế về ngành công nghiệp. Ở thị trường tiêu dùng cá nhân là tiềm năng lớn cho cả phần cứng và dịch vụ nhưng việc vi phạm bản quyền cao trở thành điểm chết của sản phẩm ứng dụng. Tăng trưởng thị trường nhờ vào ứng dụng di động và trò chơi trực tuyến, trò chơi trực tuyến có doanh thu lớn nhưng vẫn chưa có sản phẩm Việt. Ở thị trường nước ngoài, gia công phần mềm cho các thị trường chính là Bắc Mỹ, Nhật và châu Âu thì gặp rào cản về nhân lực và thương hiệu.

Doanh nghiệp lao đao

Chuyện sản phẩm CNTT Việt lao đao ngay trên sân nhà không chỉ phản ánh năng lực của chính doanh nghiệp mà còn bởi thiếu lộ trình của nhà nước về phát triển ngành công nghiệp này trong 20 năm qua. Theo ông Nguyễn Phước Hải, phó chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, người Việt Nam có tâm lý là sản phẩm phần cứng dựa vào nhân lực giá rẻ và không có tương lai. Hiện tại doanh nghiệp đang vay với lãi suất cao trong khi thuế nhập khẩu linh kiện cho sản xuất cao hơn giá nhập máy tính trọn bộ. Một doanh nghiệp khác cho biết, nếu không có chính sách phát triển ngành, doanh nghiệp không đủ niềm tin đầu tư dài hạn cho nghiên cứu sản xuất và thương hiệu vì không biết tương lai sẽ đến đâu.

Theo ông Bùi Việt Hà, tổng giám đốc công ty School@Net, một doanh nghiệp chuyên phát triển phần mềm cho ngành giáo dục, ngành phần mềm trong nước đã tụt hậu nhiều năm, sản phẩm chưa tích luỹ được nhiều giá trị, trong khi nhiều dự án nhà nước đầu tư kém hiệu quả hoặc thất bại kéo theo sự thất bại của cả ngành. Tương tự, ông Võ Thanh Tùng, tổng giám đốc công ty Hài Hoà, cho biết từ năm 1995 đến nay nhiều module phần mềm do Hài Hoà phát triển cung cấp cho các đối tác nước ngoài được đánh giá cao về chất lượng. Tuy nhiên các sản phẩm nghiên cứu và phát triển, thương hiệu Việt thật sự, thì không dễ dàng phát triển ở thị trường trong nước.

Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT và bộ Thông tin và truyền thông năm nay khởi động triển lãm thường niên về sản phẩm và dịch vụ CNTT thương hiệu Việt nhằm mục đích tạo thị trường, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, dịch vụ và tạo cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp CNTT trong nước. Ở triển lãm lần thứ nhất diễn ra tuần rồi tại TP.HCM, 35 doanh nghiệp trưng bày khoảng 100 sản phẩm, dịch vụ về phần cứng, dịch vụ nội dung số, các phần mềm y tế, giáo dục, quản lý điều hành ở cơ quan nhà nước.

Còn ông Bùi Sỹ Tĩnh, giám đốc tiếp thị công ty máy tính CMS cho biết, máy tính thương hiệu Việt hiện chiếm khoảng 15 – 20% thị phần. Các doanh nghiệp vẫn chưa có một chiến lược phát triển đủ mạnh lại bị cạnh tranh quyết liệt bởi các nhãn hiệu máy tính ngoại nhập. Ông Vương Thanh Tâm, giám đốc sản phẩm của Viết Sơn, một doanh nghiệp sản xuất máy tính để bàn All in One gần đây nhắm xu thế của thị trường là thiết kế nhỏ gọn và tiết kiệm năng lượng, kiến nghị Chính phủ đưa sản phẩm này vào danh mục mua sắm trang thiết bị để các nhà sản xuất trong nước được hưởng thuế suất 0%.

Dự án công cũng chê

Theo bà Tô Thị Thu Hương, vụ Công nghệ thông tin, bộ Thông tin và truyền thông, từ năm 2009 Chính phủ đã có những quy định chi tiết về ưu tiên đầu tư, mua sắm sản phẩm CNTT sản xuất trong nước bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Thống kê của vụ trong năm nay, đến 30.11.2011, tổng kinh phí mua sắm sản phẩm CNTT tại 18 bộ, ngành và 55 tỉnh thành hơn 856 tỉ đồng, trong đó phần cứng hơn 50%. Các đơn vị cho biết thường mua sản phẩm của nước ngoài, sản phẩm trong nước chủ yếu là máy tính PC, cáp quang, cáp đồng… Những thiết bị có cấu hình cao, công nghệ cao thì trong nước chưa sản xuất được dẫn đến việc người mua không có nhiều sự lựa chọn và cũng chưa tin dùng cho các hệ thống thông tin quan trọng.

Theo vụ này, chỗ đứng chính của sản phẩm CNTT thương hiệu Việt vẫn là các dự án mua sắm công của Chính phủ, tuy nhiên do chưa đa dạng về chủng loại thiết bị, tiêu chuẩn chất lượng còn thấp lại chưa hội nhập được về mặt công nghệ trong khi thị trường vẫn chưa được Chính phủ hỗ trợ nhiều bằng chính sách bảo hộ. Theo bà Hương, tập trung nghiên cứu và phát triển đa dạng sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ sau bán hàng cũng như có chiến lược xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm dịch vụ thì mới có thể cạnh tranh được

Tuyết Ân
SGTT
07/12/2011
  CÁC TIN KHÁC
      775 suất học bổng cho trẻ em khó khăn ở ĐBSCL
      Khuyến khích hình thành DN cho thuê nhà ở
      Vội xây dựng thương hiệu, lợi bất cập hại
      Aria Cosmetics và bài học xây dựng thương hiệu thời khủng hoảng
      Tạo ấn tượng khi thiết kế thương hiệu
      Doanh nghiệp FDI: Tiêu thụ tại chỗ bao nhiêu, nội địa hóa thế nào?
      Xây dựng thương hiệu quốc gia là vấn đề đang được chú ý trong thời gian gần đây