Welcome
Tìm thương hiệu cho làng nghề
Nghề làm sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ sừng, xương, móng động vật tại xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn, TP.HCM được biết đến từ nhiều năm nay. Nhiều cơ sở đã tìm được hướng xuất khẩu, có người ăn nên làm ra nhưng thương hiệu làng nghề vẫn còn bỏ ngỏ.

Và giờ đây, những người làm nghề trẻ đang tìm kiếm tên tuổi cho làng nghề của mình.

Làng nghề mỹ nghệ ở đây giải quyết việc làm cho nhiều
lao động nông thôn - Ảnh: TTO

Giải quyết việc làm

Theo những người làm nghề lâu năm, nghề này có mặt ở đây từ trước năm 1975 do người nhập cư từ miền Bắc mang vào. Anh Võ Chí Hiếu (ấp Trung Mỹ Tây) cho biết: “Mình làm nghề này được ba năm, thu nhập mỗi tháng gần 4 triệu đồng”.

Anh Nguyễn Văn Tính (ấp Mới 2) sau vài năm đi làm thợ tích góp được ít vốn đã mở cơ sở tại nhà, tạo công ăn việc làm cho ba người nữa trong gia đình mình. Cơ sở nhỏ nên hướng làm chính của Tính là gia công nguyên liệu bán cho các cơ sở khác lớn hơn. 

Nghề tài hoa

Ông Nguyễn Trường Sinh theo nghề này từ mấy chục năm nay. Ông Sinh xem việc tạo hình các sản phẩm con vật như đại bàng, hổ, đồ trang trí như là niềm vui trong cuộc sống của mình. “Nghề này đòi hỏi sự khéo léo, tính kiên trì, tỉ mỉ. Cũng nhờ nó mà tôi nuôi được hai đứa con trai vào đại học, ráng chờ con gái út đang học phổ thông thành tài nữa là xong”, ông cho biết.

Nhiều người làm nghề lâu năm khác như ông Sinh cũng xem việc làm ra các sản phẩm mỹ nghệ này là “nửa nghề nửa chơi”, làm xong cái nào thì chuyển cho thương lái đến thu mua và cũng không đặt nặng chuyện lời lãi. Cuộc sống tàm tạm đủ nuôi gia đình, giữ được niềm vui trong nghề với họ thế là hạnh phúc.

Ông Nguyễn Văn Tiểu, chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Chánh, cho hay hiện nay trong xã có khoảng 30 cơ sở làm sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ xương, sừng, móng động vật. Các cơ sở không được hưởng chương trình hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp vì đây là nghề thủ công mỹ nghệ. Vốn vay để phát triển ngành nghề này cũng chưa được quan tâm. “Nếu vay vốn thì các cơ sở có thể vay được 20 triệu đồng theo chương trình giải quyết việc làm” - anh Nguyễn Hùng, cán bộ Hội Nông dân xã Trung Chánh, cho hay.

Nghề dạy nghề, cứ làm thợ, học nghề trưởng thành rồi ra lập cơ sở riêng, mở rộng làm ăn. Có vẻ khấm khá nhưng điều những người thợ ở đây trăn trở là thương hiệu, thị trường lớn. Hiện các sản phẩm mỹ nghệ phần lớn vẫn chỉ bán nhỏ lẻ trên thị trường.

Muốn làm thương hiệu

Những ngày mới lập xưởng từ năm 1993, anh Kim Văn Tư ở ấp Mới 1 hằng ngày đạp xe chở những sản phẩm mình làm ra chào bán tại các khu chợ trong trung tâm thành phố và ký gửi hàng ở các điểm bán đồ lưu niệm cho khách du lịch. Khách du lịch đến từ các nước Đông Á như Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc) rất chuộng các tượng được chế tác thủ công hình dạng con rồng, đại bàng nên lượng hàng bán ra khá ổn định.

Dần dần có mối làm ăn nhiều, anh Tư kêu thêm thợ để mở rộng sản xuất. Nghe đâu có triển lãm hàng gốm sứ, đồ thủ công mỹ nghệ anh đều tìm đến giới thiệu đồ mỹ nghệ của xưởng mình. Anh Tư còn lập một trang web mang tên mynghetuduy.com.vn để quảng bá sản phẩm. Đến năm 2008, Công ty thủ công mỹ nghệ Tư Duy được anh lập để tính chuyện làm ăn lớn.

Hiện nay công ty của anh Tư “nhà quê” có 10 lao động làm việc ổn định. Để phù hợp thị hiếu tiêu dùng, từ các sản phẩm truyền thống hình con vật ra, anh Tư nghiên cứu mẫu mã làm thêm các sản phẩm đũa, đồ trang trí nội thất, trang sức... từ xương, sừng, móng động vật. Cũng như nhiều cơ sở lớn khác tại xã Trung Chánh, khi có đơn đặt hàng lớn và gấp, anh Tư “chia lửa” đơn hàng cho anh em cùng nghề trong vùng làm mới có thể giao hàng đúng thời hạn.

Theo anh Tư, khó khăn trong việc mở rộng sản xuất hiện nay của các cơ sở tại địa phương là khó tiếp cận các nguồn vốn vay. Bên cạnh đó, tuy đã tìm được hướng xuất khẩu hàng ra nước ngoài, nhưng phải qua các công ty trung gian hoặc gửi bán cho các công ty sản xuất đồ gỗ lớn để họ kèm vào hàng gỗ xuất đi, vì thế lợi nhuận cũng giảm.
23/08/2010
  CÁC TIN KHÁC
      Cà phê Việt Nam: Nội công ngoại kích
      Sáng ngời một tấm lòng nhân ái
      Lãi suất qua đêm chỉ còn từ 6,6% - 7,6%/năm
      Khi nhà mạng cho khách hàng làm tỉ phú
      Bí quyết ngăn ngừa nhân viên nhận tiền hoa hồng
      Cái khó đang dồn lên doanh nghiệp nhỏ
      Niềm tin người tiêu dùng suy giảm