Welcome
Dưới hay trên 65%?
Để tiến đến sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp, TBKTSG sẽ lần lượt đăng tải những trường hợp vướng mắc của doanh nghiệp do những điều khoản trong luật hiện hành. Mong các doanh nghiệp tham gia chia sẻ kinh nghiệm của mình

Hoạt động của công ty bị tê liệt chỉ bởi một tranh chấp nội bộ liên quan đến việc bầu bổ sung chức danh chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) và trưởng ban kiểm soát. Vụ tranh chấp cho thấy những tình huống muôn màu muôn vẻ phát sinh trên thực tế mà Luật Doanh nghiệp có vẻ như vẫn chưa tiên liệu hết.

Khi nội bộ lục đục

Bicico nguyên là một doanh nghiệp nhà nước thuộc tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Đến năm 2003, Bicico chuyển đổi thành công ty cổ phần, trong đó tập đoàn Hóa chất Việt Nam chi phối 51% vốn điều lệ; phần vốn còn lại do người lao động và cá nhân bên ngoài nắm giữ. Năm 2007, khi Bicico chuyển nhượng phần vốn trong một liên doanh và thu về một khoản tiền lớn trên 74 tỉ đồng thì nội bộ bắt đầu xào xáo do các cổ đông không thống nhất được việc sử dụng khoản tiền này. Một bên thì muốn giữ lại để đầu tư phát triển, còn bên kia thì yêu cầu chia cho các cổ đông.

Tình hình trở nên trầm trọng khi bất ngờ xảy ra sự cố chủ tịch HĐQT và trưởng ban kiểm soát của công ty lần lượt xin từ chức. HĐQT từ chỗ năm thành viên chỉ còn lại bốn, trong đó có hai người đại diện cho phần vốn nhà nước của tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Thiếu những vị trí chủ chốt này, hoạt động sản xuất kinh doanh của Bicico gần như rơi vào tê liệt vì nhiều chủ trương ban điều hành công ty không thể tự quyết được.

Trước tình hình trên, hai thành viên của HĐQT đại diện cho phần vốn nhà nước tại công ty đã yêu cầu triệu tập đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường để bầu bổ sung thành viên HĐQT và ban kiểm soát. Tuy nhiên, ngay bản thân nội bộ HĐQT cũng lục đục nên yêu cầu trên đã không thể thực hiện được do các  thành viên còn lại không tham dự họp.

Cuối cùng, tập đoàn Hóa chất đã phải dùng quyền cổ đông của mình đứng ra triệu tập ĐHĐCĐ bất thường. Tuy nhiên, lần triệu tập thứ nhất vẫn bất thành do tỷ lệ tham dự không đủ theo quy định vì một nhóm cổ đông cá nhân không tham dự họp. Phải chờ đến lần triệu tập thứ hai, khi tỷ lệ cổ đông tham dự đạt 97,98% cổ phần có quyền biểu quyết, đại hội mới triển khai được. ĐHĐCĐ bất thường đã ra nghị quyết về bầu bổ sung thành viên cho HĐQT và ban kiểm soát.

Thế nhưng, rắc rối mới lại tiếp tục phát sinh khi một số cổ đông cá nhân sau đó đã đâm đơn khởi kiện yêu cầu tòa án hủy bỏ nghị quyết của ĐHĐCĐ bất thường nói trên.

Một điều luật, nhiều cách hiểu

Theo đơn khởi kiện, quá trình ĐHĐCĐ bất thường đã có một số vi phạm về thủ tục. Trong đó, vi phạm chủ yếu là do việc bầu ban kiểm phiếu; thông qua nội dung chương trình đại hội, quy chế làm việc của đại hội, quy chế bầu bổ sung thành viên HĐQT và ban kiểm soát không đảm bảo đủ tỷ lệ được 65% số phiếu biểu quyết dự họp chấp thuận theo quy định tại điểm a, khoản 3, điều 104 Luật Doanh nghiệp. Tỷ lệ này trên thực tế chỉ đạt 62,83%.

Nhưng, vấn đề tranh cãi nằm ở chỗ điểm a, khoản 3, điều 104 Luật Doanh nghiệp lại chỉ quy định hết sức chung chung rằng “quyết định của Đại hội đồng cổ đông được thông qua tại cuộc họp khi... được số cổ đông đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận”. Vậy, thế nào gọi là quyết định của ĐHĐCĐ? Có phải bất kỳ quyết định nào của ĐHĐCĐ, kể cả những quyết định về mặt thủ tục nhằm tiến hành ĐHĐCĐ như trên hay chỉ một số loại quyết định cụ thể nào đó thì mới phải đảm bảo tỷ lệ thông qua tối thiểu 65%?

Vấn đề tưởng đơn giản nhưng hóa ra lại có nhiều cách nhìn nhận khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng tất cả những vấn đề gì được đại hội đồng cổ đông thông qua thì đó là một loại quyết định của cơ quan này và do đó phải đáp ứng tỷ lệ tối thiểu 65% mà luật quy định.

Đồng tình với ý kiến trên, theo TS. Phan Huy Hồng, Đại học Luật TPHCM, điều này cũng phù hợp với quy định tại khoản 3, điều 103 Luật Doanh nghiệp “chương trình và nội dung họp phải được đại hội đồng cổ đông thông qua ngay trong phiên khai mạc”. Một thẩm phán không muốn nêu tên cũng đặt vấn đề: “Nếu việc triệu tập và tổ chức ĐHĐCĐ không đảm bảo tuân thủ những điều kiện khắt khe thì bất cứ nhóm cổ đông nào cũng có thể tổ chức đại hội đồng cổ đông rồi “xách” cái nghị quyết ấy ra bắt công ty phải thực hiện?”.

Trong khi đó, quan điểm thứ hai lại cho rằng Luật Doanh nghiệp không hề có bất cứ một điều khoản cụ thể nào yêu cầu về việc bầu ban kiểm phiếu; thông qua nội dung chương trình ĐHĐCĐ... phải đảm bảo đủ tỷ lệ 65% thì không cần phải thực hiện. Riêng về tỷ lệ 65%, quy định này chỉ là một điều khoản nhỏ của điều 104 Luật Doanh nghiệp.

Trong đó, ngay tại khoản 2 điều 104 đã quy định cụ thể rằng “trường hợp điều lệ công ty không quy định thì quyết định của ĐHĐCĐ về các vấn đề sau đây phải được thông qua bằng hình thức biểu quyết tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông: a) sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty; b) thông qua định hướng phát triển công ty; c) quyết định loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại được quyền chào bán; d) bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên HĐQT và ban kiểm soát...”.

Như vậy, điểm a, khoản 3, điều 104 Luật Doanh nghiệp, về bản chất chỉ là một điều khoản quy định nối tiếp của khoản 2 điều 104. Hay nói cách khác, chỉ một số vấn đề được quy định cụ thể tại khoản 2 điều 104 (như sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty; thông qua định hướng phát triển công ty...) thì mới phải đảm bảo yêu cầu đủ tỷ lệ 65%.

Nghiêng về quan điểm thứ hai, TS. Nguyễn Quốc Vinh, Công ty Luật Tilleke & Gibbins, cho rằng sở dĩ luật liệt kê ra một số trường hợp bắt buộc phải đảm bảo tỷ lệ thông qua như trên là nhằm để bảo vệ cổ đông thiểu số.

Những trường hợp khác còn lại không được liệt kê như chương trình họp, bầu ban kiểm phiếu... có thể nhà làm luật không thấy nhất thiết phải bảo vệ cổ đông thiểu số hay cũng chẳng có cơ sở để bảo vệ cổ đông thiểu số. Vì vậy, khi không có quy định của pháp luật thì tỷ lệ biểu quyết đối với những trường hợp trên phải do điều lệ quy định. Nếu điều lệ không quy định thì tỷ lệ quá bán (trên 50%) là phù hợp thông lệ.

Mặc dù có ý kiến trái chiều, TS. Phan Huy Hồng cũng đề nghị nếu sửa Luật Doanh nghiệp, tỷ lệ yêu cầu nên được hạ xuống với mức như trên (quá bán) là đủ.

Mặt khác, theo luật gia Cao Bá Khoát, Giám đốc Công ty Tư vấn KAC, khoản 2, điều 79 Luật Doanh nghiệp cho phép trong một số trường hợp cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông nắm giữ liên tục sáu tháng có quyền tự mình triệu tập ĐHĐCĐ. Vì vậy, nếu bắt buộc phải đáp ứng tỷ lệ tối thiểu 65% thì quyền triệu tập ĐHĐCĐ sẽ không bao giờ có thể thực hiện được khi chỉ cần 36% cổ phần biểu quyết còn lại không đồng ý thông qua.

“Điều này là hoàn toàn mâu thuẫn với mục tiêu bảo vệ cổ đông thiểu số của Luật Doanh nghiệp”, ông Khoát nói. Theo ông, những rắc rối xung quanh vụ việc của Bicico cho thấy Luật Doanh nghiệp thiếu một quy định rõ ràng về cơ chế triệu tập ĐHĐCĐ bất thường. “Triệu tập ĐHĐCĐ bất thường chắc chắn phải khác với ĐHĐCĐ thường niên. Do vậy, theo tôi luật nên có quy định cụ thể về cơ chế để quyền triệu tập này có thể thực thi nhằm giải quyết những tình huống phát sinh bất ngờ trong quá trình kinh doanh của doanh nghiệp, nếu không thì quyền này chỉ là khẩu hiệu, hình thức cho vui mà thôi”.

Nên sửa Điều 104 như thế nào?

Điều 104 Luật Doanh nghiệp rõ ràng đã tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau thực chất là do kỹ thuật thể hiện. Cách thể hiện như trên dẫn đến có hai cách hiểu.

Một, là tất cả các quyết định của ĐHĐCĐ được thông qua tại cuộc họp đều phải đảm bảo tỷ lệ số phiếu biểu quyết 65%. Trong trường hợp này, điều luật nên được bổ sung lại là “Tất cả (hoặc “mọi”) quyết định của đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) được thông qua tại cuộc họp khi... được số cổ đông đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận”.

Mặt khác, để tránh hiểu nhầm khoản 2 điều 104 nên được tách ra thành một điều luật độc lập với ý nghĩa chỉ đề cập đến những trường hợp cụ thể phải được thông qua bằng hình thức biểu quyết tại cuộc họp ĐHĐCĐ. Như thế thì khoản 3 điều 103 cũng phải được “gom” vào đây vì nếu không sẽ lại tiếp tục gây ra nhiều cách hiểu khác nhau khi có những quy định rải rác về cùng một ý nghĩa như trên.

Hai, là chỉ những trường hợp quy định tại khoản 2 điều 104 mới phải bị buộc đảm bảo tỷ lệ 65%. Nếu hiểu theo cách này thì điểm a, khoản 3, điều 104 phải được sửa đổi như sau: “Các quyết định của ĐHĐCĐ quy định tại khoản 2 điều này được thông qua tại cuộc họp khi... được số cổ đông đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận”.

Kinh nghiệm một số nước

TS. Nguyễn Quốc Vinh, Công ty Luật Tilleke&Gibbins, cho biết ở Anh, các trường hợp biểu quyết thông thường của ĐHĐCĐ luật chỉ quy định phải đảm bảo tỷ lệ 51%. Một số trường hợp đặc biệt như thay đổi điều lệ, thay đổi quyền của cổ đông hay giải thể công ty thì tỷ lệ là 75%. Tỷ lệ % ở đây được tính trên số cổ đông dự họp (hội đủ thành phần hợp lệ cho cuộc họp). Những vấn đề về thủ tục như chương trình họp (nếu có) hay bầu ban kiểm phiếu không nằm trong tỷ lệ 75%.

Ở Mỹ, tỷ lệ biểu quyết được quy định là 51% trên cổ đông dự họp (hoặc tỷ lệ cao hơn theo Điều lệ) ngoại trừ một số trường hợp hãn hữu (như bầu thành viên HĐQT theo phương thức dồn phiếu).

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online
27/09/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Doanh nghiệp nhập khẩu ô tô nhỏ đứng trước nguy cơ đóng cửa
      Richard Branson luận bàn thương hiệu
      Những người thắng cuộc
      Khi nhà nhà làm điện thoại di động
      Cách quảng cáo hiệu quả trên các phương tiện thông tin đại chúng
      Doanh nghiệp đồng thanh kêu gọi giảm thuế
      Thị trường hàng điện tử gia dụng: “Bánh ngon” sẽ thuộc về ai?