Welcome
Doanh nghiệp đồng thanh kêu gọi giảm thuế
Chính phủ nên xem xét đẩy nhanh lộ trình giảm thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) xuống còn 20%, cũng như giảm một số mức thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) là ý kiến chung của nhiều đại biểu tham dự hội thảo đóng góp ý kiến cho hai luật thuế nói trên, do vụ Chính sách thuế, bộ Tài chính tổ chức hôm qua (8.11) tại Hà Nội

Chưa rõ ràng, thiếu nhất quán

Đã bốn năm nay, công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) bị cục Thuế TP.HCM “treo” khoản thuế thu nhập doanh nghiệp 19,4 tỉ đồng cùng với 4,1 tỉ đồng tiền phạt nộp chậm thuế. Hai năm 2007, 2008 HSC trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán chưa niêm yết tổng cộng số tiền 115,4 tỉ đồng. Tuy nhiên, cục Thuế TP.HCM không chấp thuận khoản trích lập dự phòng này tính vào chi phí hợp lý và yêu cầu doanh nghiệp nộp thuế phát sinh trong hai năm là 19,4 tỉ đồng, đồng thời xử phạt chậm nộp khoản thuế này số tiền 4,1 tỉ đồng.

Không đồng tình với cách xử lý này (mặc dù vậy, HSC vẫn nộp đủ khoản tiền theo yêu cầu của cơ quan thuế), HSC đã lần lượt gửi đơn khiếu nại đến cục Thuế TP.HCM (ngày 20.8.2009) và tổng cục Thuế (3.2.2010) nhưng cả hai cơ quan đều quyết định “y án” (sau năm tháng và bảy tháng doanh nghiệp gửi đơn). Tháng 3.2010, HSC tiếp tục gửi công văn khiếu nại đến bộ Tài chính và chỉ sau hơn một tháng, ngày 5.11.2010, vụ trưởng vụ Chính sách thuế đã thừa lệnh bộ trưởng bộ Tài chính có công văn cho phép doanh nghiệp được trích lập dự phòng. Chưa kịp thực hiện thủ tục hoàn thuế, ngày 7.9.2011, doanh nghiệp bất ngờ nhận được công văn cũng do vụ trưởng vụ Chính sách thuế, thừa lệnh bộ trưởng bộ Tài chính ký, yêu cầu thực hiện đúng quyết định truy thu thuế TNDN của cơ quan thuế, với lý do chưa có quy định cho phép các công ty kinh doanh chứng khoán được trích lập dự phòng giảm giá đối với chứng khoán chưa niêm yết.

Câu chuyện HSC là ví dụ điển hình về việc chính sách thuế chưa rõ ràng và sự thiếu nhất quán trong quá trình áp dụng tại Việt Nam được tổng thư ký hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam Nguyễn Thanh Kỳ dẫn chứng khi đóng góp ý kiến tại hội thảo.

Tương tự, chủ tịch hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Ngô Bá Lịch cũng kể trường hợp một doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi nhập lúa mì và bị cơ quan hải quan áp thuế suất 10% và truy thu thuế 4 tỉ đồng (theo quy định, cũng sản phẩm này, tuỳ mục đích sử dụng cho người hay cho thức ăn chăn nuôi thì sẽ có hai mức thuế suất nhập khẩu là 10% và 5%). “Mặc dù doanh nghiệp có nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn ở Đồng Nai, nhưng phải mất hơn một năm kèm không ít chi phí chạy vạy mới được hoàn thuế”, ông Lịch nói.

PGS.TS Nguyễn Thị Liên, khoa thuế và hải quan, học viện Tài chính, nhận xét, do nhiều quy định chưa rõ ràng, nên phương án tính thuế (thu hay không thu, mức thuế suất cao hay thấp…) phụ thuộc vào năng lực, trách nhiệm, thiện chí của đội ngũ cán bộ thực thi chính sách và trong nhiều trường hợp dễ thành kẽ hở phát sinh tiêu cực, để những cán bộ này phiền hà, sách nhiễu hoặc doanh nghiệp “né” thuế.

“Do nhiều quy định chưa rõ ràng, nên phương án tính thuế phụ thuộc vào năng lực, trách nhiệm, thiện chí của đội ngũ cán bộ thực thi chính sách và trong nhiều trường hợp dễ thành kẽ hở phát sinh tiêu cực”.

Phải nhanh giảm thuế suất

Luật sư Trương Thanh Đức, chủ tịch công ty luật Basico, cho rằng luật Thuế TNCN, khung thuế giữa các bậc còn quá hẹp (từ 4 triệu đến 5 triệu đồng/tháng; từ 5 – 10 triệu đồng/tháng; từ 10 – 18 triệu đồng…) Đặc biệt, mức thuế suất từ 20% (thu nhập từ 18 – 32 triệu đồng/tháng) đến 35% (thu nhập trên 80 triệu đồng/tháng) là quá cao, có phần tận thu.

Đồng tình với đa số các ý kiến cho rằng, Chính phủ nên đẩy nhanh lộ trình giảm thuế TNDN xuống còn 20%, ông Đức nhấn mạnh: nếu những chi phí hợp lý, hợp lệ không được xem xét phù hợp với thực tế, thì mức thuế suất 20% vẫn cao. Một trong những quy định bất hợp lý hiện nay là giới hạn khoản chi cho quảng cáo, tiếp thị mức tối đa 10% tổng chi phí của doanh nghiệp. Hay khoản chi cho ăn trưa không được tính là chi phí hợp lý, trong khi ăn ca thì lại được. “Chúng tôi chi cho quảng cáo, tiếp thị cao, thì cơ quan thuế lại thu được thuế nhiều ở các đối tác như cơ quan truyền thông chẳng hạn, Nhà nước không mất đi đâu cả”, ông Đức lập luận.

Trưởng phòng kế toán kiểm toán, tập đoàn Viettel Vũ Xuân Cự nói thẳng, với lĩnh vực kinh doanh của tập đoàn này, mức chi 10% cho quảng cáo, tiếp thị chẳng thấm tháp gì. “Chính vì quy định này mà chúng tôi năm nào cũng chết với kiểm toán, thanh tra. Để không bị bẻ, bị phạt, chúng tôi buộc phải tìm cách hợp thức hoá các khoản chi này”, ông Cự chia sẻ và kiến nghị, cơ quan thuế nên nghiên cứu, điều chỉnh tỷ lệ này theo lĩnh vực hoạt động doanh nghiệp, thay vì cào bằng như hiện nay. Tương tự như vậy, thuế TNDN cũng nên được tính toán, phân loại theo loại hình, lĩnh vực, tiềm năng, hiệu quả… của doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Liên cho rằng, Chính phủ nên xem xét miễn, giảm thuế cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bởi theo thống kê từ các địa phương, 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa không nộp thuế, một số nơi tỷ lệ tới 100%. Việc miễn thuế cho các doanh nghiệp này, nhất là giai đoạn hiện nay giúp các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí, đồng thời cơ quan thuế cũng tiết kiệm được khoản chi phí quản lý không nhỏ

Thảo Nguyễn
SGTT
09/11/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Quan niệm sai về marketing của doanh nghiệp nhỏ
      Câu chuyện thiết kế thương hiệu ở apple: quả táo khuyết làm cả thế giới thèm muốn
      Thông tin thị trường
      “Phiêu” như mua hàng từ Trung Quốc
      Năm xu hướng marketing online
      O2 - Bạn là trung tâm của thế giới
      Doanh nghiệp lo mắc kẹt vì “trên chưa thông”