Welcome
Phát triển phía Tây Hà Nội: Phải xóa đô thị hóa dọc đường
Trao đổi với DĐDN tại hội nghị “Bất động sản vùng thủ đô, cơ hội đầu tư từ các dự án phía Tây Hà Nội” được tổ chức vào sáng 28/8, tại Hà Nội, ông Phạm Sỹ Liêm – Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Hội Xây dựng Việt Nam khẳng định: “Hà Nội muốn phát triển ở phía Tây phải xóa đô thị hoá dọc các đường, nếu không, 5 đô thị phía Tây sẽ khốn khổ”.
Phải xóa đô thị hóa dọc đường
 

Ông Phạm Sỹ Liêm Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Hội Xây dựng Việt Nam

Theo ông, yếu tố nào quan trọng khi kết nối Hà Nội với các đô thị phía Tây?

 
Qua những nghiên cứu kỹ lưỡng, tôi thấy phía Tây là nơi có điều kiện rất tốt. Do đó, phía Tây muốn phát triển nhanh thì phải kết nối được với lõi – tức thủ đô Hà Nội.
 
Hiện nay, phía Tây nối với Hà Nội chỉ có đường Láng – Hoà Lạc và đường 32, tuy nhiên, đường Láng – Hòa Lạc đã tương đối ổn định nhưng các đường khác thì chưa. Theo tôi, đường 32 muốn làm hiệu quả thì phải xoá bỏ đô thị 2 bên đường bởi nó đang bị đô thị hoá dọc đường một cách vô tổ chức. Việc quan trọng là chúng ta cần tập trung vào 5 đô thị chứ không nằm rải rác ở dọc các đường bởi mục đích của con đường là kết nối đô thị với Hà Nội chứ không phải cho dân ở đấy.
 
Theo tôi, Hà Nội muốn phát triển ở phía Tây phải xóa đô thị hoá dọc các đường, nếu không, các đô thị phía Tây sẽ khốn khổ.
 
- Vậy, bài toán vốn để phát triển vào phía Tây được được giải quyết như thế nào, thưa ông?
 
Nếu chúng ta có dự án tốt, chúng ta phải thuyết minh được tính khả thi của dự án và tính khả thi đó phải được ngân hàng chấp nhận. Các nhà kinh doanh bất động sản nào cũng vậy, làm dự án bất động sản cũng phải đi vay vốn ngân hàng, phải thuyết minh để ngân hàng đó thấy tính khả thi và cho vay.
 
Đã đi vay thì phải làm thật nhanh, chứ không phải ề à hết cấp này đến cấp khác, bởi vì chúng ta phải trả lãi cao. Phải làm nhanh thì mới đẩy nhanh tốc độ phát triển của đất nước, chứ cứ trông mong vào vốn ngân sách để nhanh cũng được, không nhanh cũng được thì rất nguy hiểm cho đất nước.
Phía Tây muốn phát triển nhanh thì phải kết nối được với lõi – tức thủ đô Hà Nội
 
- Vốn đã có, vậy làm thế nào để đẩy nhanh được tiến độ các dự án, thưa ông?
 
Muốn đẩy nhanh tiến độ các dự án, việc đầu tiên phải nói đến là đất sạch. Nếu mà có đất sạch rồi thì công việc còn lại làm rất nhanh. Ví dụ như KCN Thăng Long ở Đông Anh, Hà Nội do Nhật Bản đầu tư, người ta có đất sạch rất nhanh, sau này các dự án vào đó rất thuận lợi.
 
- Việc đẩy nhanh tiến độ giao đất sạch cho nhà đầu tư thì phụ thuộc vào yếu tố nào là chính?
 
Thứ nhất, đất sạch ấy đã có quy hoạch rồi. Sau đó, ta tiến hành phân ô này là khu nhà ở, ô kia là khu thương mại… rồi mang ra đấu giá. Nếu đấu giá lên được bao nhiêu tiền, mức chênh lệch đó sẽ và túi nhà nước. Tiền có trong túi nhà nước rồi thì nhà nước mang đi trả nợ bởi nhà nước không những chỉ làm đất sạch mà còn mang tiền ra để làm đường xá, cống rãnh.
 
Nên có một công ty đất quốc gia
 
- Việc dự trữ đất đô thị sẽ có tác dụng gì thưa ông?
 
Thị trường bất động sản đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện quy hoạch đô thị. Thế nhưng hiện nay, tại Hà Nội cũng như nhiều đô thị khác, các dự án khu đô thị mới phân tán khắp nơi trên địa bàn tùy theo đề xuất của các nhà kinh doanh bất động sản và đều được chính quyền đô thị chấp nhận. Tình trạng đó khiến cho việc kết nối các khu đô thị mới với hệ thống hạ tầng cấp 1 của đô thị rất khó khăn và tốn kém, một số nơi phải tự khoan giếng để cấp nước, phải tự tìm nơi thoát nước tạm thời, thiếu hạ tầng xã hội như chợ, trường cấp 3… Hơn thế nữa, công trường xây dựng mở ra khắp nơi dang dở từ năm này qua năm khác  khiến cuộc sống của người dân không được thoả mái, xây dựng tuy nhiều nhưng ít nơi tạo được khu vực đô thị hoàn chỉnh và hiện đại.
 
Theo đó, việc dự trữ đất đô thị cho phép tập trung các dự án bất động sản vào một vài khu vực phát triển đô thị rộng lớn, không chỉ theo quy hoạch mà còn theo kế hoạch từng giai đoạn phát triển, xây đâu được đấy, xong khu vực này rồi mới chuyển sang khu vực khác. Các dự án bất động sản nhờ có sẵn “đất sạch” nên có thể khởi công và kết thúc đúng hạn mà không bị cản trở bởi công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chậm trễ và khiếu kiện kéo dài.
Khu công nghiệp Bắc Thăng Long là nơi dự trữ đất sạch rất hiệu quả
 
- Theo ông! chúng ta phải quản lý và vận hành việc dự trữ đất như thế nào để có hiệu quả?
 
Thứ nhất phải có quy chế rành mạch, rõ ràng. Lúc đã có cơ chế rồi thì phải có tổ chức. Tôi nghĩ, nước ta nên học tập kinh nghiệm của các nước phát triển khác là có một công ty đất quốc gia, nhưng công ty này phải là bậc trên của các công ty đất các tỉnh hiện nay. Các tỉnh nào có dự án thì các tỉnh đó tự lo nhưng công ty này sẽ đi vay vốn hộ các tỉnh, hướng dẫn các tỉnh làm thế nào vay được vốn, tiêu được vốn… do đó, cần phải có công ty cấp quốc gia này thì mới đủ nguồn nhân lực, kinh nghiệm để làm việc đó.
 
Điển hình như muốn vay ngân hàng lớn vài tỷ USD thì mấy công ty địa phương không làm được, muốn vay được phải có chính quyền địa phương đứng ra bảo lãnh. Nhưng đối với công ty đất quốc gia lại khác. Họ có sẵn nguồn đất để thế chấp vay ngân hàng nên việc huy động vốn sẽ dễ dàng hơn.
 
- Vâng! Xin cảm ơn ông.
31/08/2010
  CÁC TIN KHÁC
      Johnnie Walker – Thương hiệu rượu hàng đầu trên toàn thế giới
      10 thảm họa thương hiệu năm 2010
      Tập đoàn đa quốc gia đang tháo chạy khỏi nhóm nước chi phí lao động thấp?
      Thất bại trong kinh doanh: cần nhìn thẳng vào sự thật!
      TP.HCM triển khai tháng giảm giá 4% - 49%
      Trẻ hóa thương hiệu
      PVN tổ chức Lễ tưởng niệm và cầu siêu tại Nghĩa trang Quốc gia Đường 9