Welcome
Tập đoàn đa quốc gia đang tháo chạy khỏi nhóm nước chi phí lao động thấp?
Các thị trường lao động tại châu Á, điển hình Trung Quốc, từng nổi tiếng với chi phí lao động thấp đang mất đi tính hấp dẫn này

Ông Hal Sirkin, chuyên gia kinh tế tại tổ chức tư vấn Boston Consulting Group (BCG), cho biết: “Khi khách hàng cân nhắc mở nhà máy tại Trung Quốc, tôi đã khuyên họ nên cân nhắc đến một số địa điểm khác. Tôi hỏi họ liệu họ đã nghĩ đến Việt Nam chưa, hoặc nếu họ sản xuất hàng để phục vụ cho người Mỹ, tại sao không làm ngay tại Mỹ?

Khi các công ty Mỹ muốn xây dựng nhà máy để cung cấp hàng hóa cho nước Mỹ, chuyên gia Sirkin đang gợi ý họ nghĩ đến việc sản xuất tại Mỹ, không phải bởi lý do yêu nước mà bởi yếu tố kinh tế của toàn cầu hóa đang thay đổi nhanh chóng.

Việc chuyển công việc sản xuất ra nước ngoài để tận dụng lương nhân công giá rẻ, đặc biệt tại các nước nghèo cho đến nay chưa phải yếu tố duy nhất quyết định việc các tập đoàn đa quốc gia vươn ra khỏi biên giới nước họ, thế nhưng nó đóng vai trò khá quan trọng.

Theo nghiên cứu của BCG, lương lao động tại Trung Quốc, trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến năm 2010, tăng khoảng 69%. Vì thế lợi ích thu được từ việc chuyển sản xuất ra nước ngoài ngày càng ít đi, trong nhiều trường hợp đã trở nên không còn hợp lý nữa.

Ông Sirkin dự báo: “Đến khoảng năm 2015, các công ty sản xuất cũng sẽ chẳng thấy sự khác biệt nào giữa việc sản xuất tại Mỹ hay tại Trung Quốc để phục vụ cho tiêu dùng tại Mỹ.”

Tính toán từ BCG cho thấy lương tại Trung Quốc tăng trưởng khoảng 17%/năm thế nhưng tăng trưởng lương tại Mỹ khá thấp, tăng trưởng năng suất lao động tại 2 nước vẫn duy trì ở mức hiện tại. Nghiên cứu cũng tính đến việc đồng nhân dân tệ lên giá nhẹ so với đồng USD.

Năm 2015 không còn xa nữa. Các công ty sản xuất cần thời gian xây dựng và tính toán cho phí cho nhiều năm. Vì thế các công ty lập kế hoạch kinh doanh hiện nay đang tìm kiếm các địa điểm gần nước Mỹ hơn.

Có thể kể đến một số công ty đã mang nhà máy và việc làm trở lại Mỹ. Caterpillar, công ty sản xuất máy xây dựng, đang chuyển sản xuất từ nước ngoài về bang Texas.

Công ty sản xuất đồ nội thất Sauder chuyển sản xuất về Mỹ từ nước có mức lương thấp. NCR di dời nhà máy sản xuất máy đếm tiền về bang Georgia.

BCG dự báo về thời kỳ sản xuất tại Mỹ hồi sinh. Thế nhưng có lý do để hoài nghi về điều này. Việc sản xuất hồi phục trong thời gian qua chủ yếu do sự khôi phục trong thời kỳ kinh tế đi xuống. Hơn thế nữa, chương trình trợ cấp đối với một số nhà máy mới tại Mỹ sẽ sớm chấm dứt.

Chuyên gia Gary Pisano của trường kinh doanh Harvard Business School cho rằng thay cho việc ồ ạt trở về Mỹ mở nhà máy, lương lao động tại Trung Quốc cao có thể khiến một số nhà máy từng có ý định thu hẹp sản xuất tại Mỹ sẽ thay đổi quan điểm, họ tiếp tục duy trì nhà máy tại Mỹ.

Thông báo đầu tư 2 tỷ USD tuyển dụng thêm 4.000 lao động của General Motors mới đây ủng hộ cho quan điểm của ông Pisano. GM chắc chắn không phải đang tạo ra việc làm mới mà thực chất duy trì việc làm mà lẽ ra GM đã chuyển ra nước ngoài.

Ông Pisano khẳng định ngay cả nếu lương lao động tại Trung Quốc tăng quá cao, nhiều tập đoàn đa quốc gia sẽ cảm thấy khó khăn nếu muốn mang việc làm trở lại Mỹ.

Nguyên nhân bởi trong nhiều lĩnh vực ví như điện tử tiêu dùng, nước Mỹ không còn đảm bảo được nguồn cung linh kiện hay hạ tầng. Ông chỉ ra khi chuyển sản xuất sang các nước nghèo, một số công ty đã không nhận ra rằng có một số quyết định đã đưa ra sau này không thể thay đổi được.

Nhiều tập đoàn đa quốc gia sẽ tiếp tục xây dựng nhà máy mới của họ tại các thị trường mới nổi, không phải để xuất khẩu hàng về chính quốc mà để phục vụ cho nhóm khách hàng tại các thị trường đầy tiềm năng này.

Và nhóm công ty đến từ các nước giàu khác sẽ hưởng lợi từ việc thuê lao động giá rẻ lâu hơn so với Mỹ trừ khi đồng euro hạ thật sâu so với đồng nhân dân tệ.

Cơ hội đến từ việc chuyển sản xuất ra nước ngoài đang giảm dần trong lĩnh vực sản xuất cơ bản và tại Trung Quốc, nhóm lĩnh vực khác không chịu tác động nhiều như vậy.

Chuyên gia Pankaj Ghemawat, tác giả cuốn “Thế giới 3.0” chỉ ra bất chấp việc mức lương tại Ấn Độ tăng cao, ngành phần mềm và dịch vụ văn phòng của nước này sẽ vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh trong tương lai gần, không phải chỉ bởi tăng trưởng năng suất lao động cao.

Tuy nhiên, ngày một nhiều tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt từ nhóm nước giàu, đang thấy lợi ích lớn từ việc duy trì hoạt động gần chính quốc. Đối với nhiều sản phẩm, chi phí lao động chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng chi phí. Quá trình sản xuất dài, phức tạp tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn tính toán của các công ty. Khi giá dầu cao, chi phí sản xuất trở nên tốn kém hơn nhiều.

Khi dịch bệnh hay thiên tại xảy ra tại một số châu Á như dịch SARS năm 2003 hay động đất, sóng thần Nhật, chuỗi cung ứng sản phẩm bị gián đoạn.

Các công ty cũng đang cố gắng giảm chi phí lưu kho. Nếu nhập hàng từ Trung Quốc vào Mỹ, công ty đó có thể phải lưu hàng ở kho đến 100 ngày. Gánh nặng này sẽ giảm đi nhiều nếu sản xuất sản phẩm gần chính quốc.

Các công ty đang nghĩ nhiều hơn về chuỗi cung ứng sản phẩm. Các ông chủ bao lâu nay tin rằng họ không nên sản xuất sản phẩm tại một nước có mức lương thấp nhất. Thay vào đó, nên sản xuất tại nhiều nước, trong đó có Mỹ.

Cafef
18/05/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Thuần hóa rau rừng
      Giá vàng, dầu diễn biến trái chiều
      Xe sang Đức đắt hàng ở Trung Quốc
      Mỹ: Tỷ lệ thất nghiệp giảm nhờ chương trình kích thích kinh tế
      CEO và gót chân “Asin” của doanh nghiệp
      Thị trường hàng điện tử gia dụng: “Bánh ngon” sẽ thuộc về ai?
      Tinh thần Luật Doanh nghiệp còn không?