Welcome
Ngành dệt may 2010: Đi xa để trở về
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận xét thế mạnh của ngành dệt may trong 6 tháng đầu năm không chỉ ở kết quả XK mà cả những nỗ lực của các DN khi quay về chinh phục thị trường nội địa.

 

Số lượng các đơn đặt hàng tại các DN ngành dệt may đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái
 
Bộ Công Thương cho biết, ngay từ những tháng đầu năm, số lượng các đơn đặt hàng tại các DN ngành dệt may đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, nhiều DN đã đủ đơn hàng sản xuất đến hết quý 3 và cả năm 2010. Nhiều đơn hàng đã có giá XK tăng khoảng 10 -15% so với cùng kỳ năm 2009.

Những tín hiệu khả quan

Ông Vũ Đức Giang – Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may VN cho biết, nếu như những tháng đầu năm kim ngạch XK toàn ngành chỉ đạt khoảng 300-400 triệu USD/tháng, thì tháng 6 kim ngạch này đã vượt 900 triệu USD. Với đà tiệm cận 1 tỷ USD kim ngạch XK mỗi tháng, việc thực hiện mục tiêu tổng kim ngạch cả năm là 10,5 tỷ USD không phải là việc khó khăn.

Theo ông Vũ Đức Giang, bên cạnh thị trường XK rất khả quan thì trong 6 tháng đầu năm thị trường nội địa cũng tăng mức cao 28% (doanh thu là 6.000 tỷ đồng). Mạng lưới bán hàng của các DN trên cả nước đã có đông đảo ở tất cả các tỉnh, thành phố với trên 15.000 cửa hàng và đại lý với nhiều cách phục vụ khách hàng. Đây là hậu phương vững chắc, là một chân tạo thế cân bằng để ngành dệt may có động lực phát triển bền vững, toàn diện.

Chỉ tính riêng hệ thống siêu thị của Tập đoàn Dệt may VN, với hàng chục ngàn mặt hàng do các DN trong nước sản xuất đã thu hút từ vài trăm đến cả ngàn lượt người đến mua hàng mỗi ngày/một siêu thị, doanh thu bình quân một số siêu thị lớn đạt khoảng 300 triệu/ngày.

Nhiều DN như May 10, Nhà Bè, Việt Tiến, Thăng Long… đã mở thêm các cửa hàng bán sản phẩm, may đo theo nhu cầu khách hàng, đầu tư các cửa hàng bán sản phẩm cao cấp cho người Việt; liên kết với các DN phân phối để thực hiện chuỗi cửa hàng dệt may VN với cách bài trí nổi bật, bắt mắt. Bên cạnh đó, Tập đoàn Dệt may VN đang thực hiện nhiều chương trình đầu tư nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa cho các sản phẩm xuất khẩu bằng việc đầu tư sản xuất bông ở trang trại và dự tính sẽ xây thêm 2 khu công nghiệp dệt nhuộm tại Trà Vinh và Thái Bình.

Trong khi đó, kim ngạch XK toàn ngành 6 tháng qua đã đạt mức 4,8 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Ba thị trường XK trọng yếu của nhóm hàng đã có sự tăng trưởng khả quan: Mỹ tăng 15%, Nhật Bản tăng 10%, EU tăng nhẹ. Bên cạnh các thị trường truyền thống, hàng dệt may VN đã thâm nhập và mở rộng hơn ở các thị trường mới như Đài Loan, Hàn Quốc, các nước ASEAN… với mức tăng trưởng khá. Một điểm mới là đến nay VN không chỉ XK mặt hàng dệt may gia công mà những mặt hàng phụ liệu dệt may có lợi thế cũng được các DN đẩy mạnh XK. Đó là mặt hàng sợi đã tiếp cận được thị trường mới Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil… Hiện sản phẩm dệt may VN chiếm khoảng 2,69% thị phần toàn thế giới. Thị phần của VN tại Mỹ là 7,4% và Nhật Bản là 4%; cả hai thị trường này VN chỉ đứng sau Trung Quốc về thị phần.

Cần sự phát triển bền vững

Tình hình cắt điện với mật độ dày đã ảnh hưởng lớn đến năng suất lao động, tiến độ giao hàng của nhiều DN XK.

Theo Tập đoàn Dệt may VN, để đạt mục tiêu của năm và tận dụng hết khả năng cho XK, ngành dệt may đang phải đối mặt với nhiều khó khăn cả vấn đề từ lâu và mới phát sinh. Trong tháng 5 và 6 vừa qua, tình hình cắt điện với mật độ dày đã ảnh hưởng lớn đến năng suất lao động, tiến độ giao hàng của nhiều DN XK.

Một cán bộ của Tập đoàn Dệt may cho biết, nếu không bị thiếu điện cho DN dệt may, kết quả XK 6 tháng qua có thể cao hơn khoảng 300 – 500 triệu USD. Việc phụ thuộc nguồn nguyên phụ liệu (hiện khoảng 80% nguyên phụ liệu dệt may là NK, một số mặt hàng phải NK đến 95%) vẫn là những khó khăn trì trệ của toàn ngành. Nhất là, từ quý 2/2010, giá nguyên phụ liệu thế giới có chiều hướng ngày càng tăng (đặc biệt là nguyên liệu bông tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái đã làm chi phí đầu vào của hàng XK tăng nhiều). Để khắc phục điều này, Bộ Công Thương cho rằng, cần tiếp tục có kế hoạch, tiếp tục triển khai đầu tư phát triển nguồn nguyên liệu trong nước, trong đó chú trọng hàng đầu là phát triển vùng trồng bông đã được quy hoạch. Trong việc đầu tư, ông Vũ Đức Giang kiến nghị, cần tạo các ưu đãi cho DN dệt may trong việc xử lý ô nhiễm môi trường, đào tạo nguồn nhân lực…

Một khó khăn nữa là việc di dời các cơ sở dệt may về vùng nông thôn mà việc ổn định chưa thể có ngay. Các cơ sở này có tần suất cắt điện nhiều hơn, lượng công nhân lành nghề ở địa điểm cũ thuộc thành phố lớn không thể di chuyển theo, DN lại chưa thể có đủ lao động đáp ứng công việc ngay khi về các vùng nông thôn. Khó khăn là vậy, Bộ Công Thương, Hiệp hội Dệt may VN cũng khuyến nghị các DN cần tiếp tục thực hiện kế hoạch di dời cơ sở sản xuất của mình, từng bước và phối hợp với cơ quan chức năng để khắc phục. Đây chính là một bước đi cho sự phát triển bền vững của DN và toàn ngành dệt may VN.
 
17/07/2010
  CÁC TIN KHÁC
      Gian nan phân phối ở nước ngoài
      Standard Chartered: Việt Nam nên cẩn trọng với tái lạm phát
      WonderBuy tuyên bố phá sản
      DN ô tô xem lại chiến lược đầu tư vào Việt Nam
      Lilama 10: Lắp đặt thành công rô-to tổ máy số 1 thủy điện Sơn La
      “Cháy” vé máy bay dịp 2/9
      TP HCM: 5 biện pháp bình ổn giá