Vào những ngày giáp Tết, đâu đó chợt vang lên tiếng trống thùng thình làm cho lòng người chợt dâng lên cảm giác nôn nao về hình ảnh của những chú lân, rồng rực rỡ múa lượn và uy dũng trong ánh nắng mai.
Múa Trống Lân – Sư – Rồng là một môn nghệ thuật dân gian có nguồn gốc từ Trung Hoa. Theo dấu chân của những người Hoa lập nghiệp trên vùng đất mới trong đó có Việt Nam .
Nghệ thuật biểu diễn múa trống lân sư rồng thường xuất hiện trong những dịp lễ hội, đặc biệt là Tết Nguyên tiêu, tết Trung Thu và Tết Nguyên đán hàng năm. Vì theo quan niệm chung của người Á Đông, ba con vật này tượng trưng cho sự thịnh vượng, phát đạt, hạnh phúc và hanh thông.
Loại hình múa này vừa thể hiện nét đẹp của nghệ thuật dân gian vừa thể hiện tính mỹ thuật và đặc trưng văn hóa vùng. Tùy theo không gian rộng – hẹp và tính chất của từng lễ hội, múa trống lân – sư – rồng sẽ có những bài bản khác nhau. Đôi khi ba loại hình múa được thể hiện riêng rẽ, đôi khi cũng có sự phối hợp với nhau tạo thành bộ ba hoàn hảo, thu hút sự quan tâm đặc biệt của người xem bởi điệu bộ và cử chỉ, sự uy dũng và cái thần riêng của từng nhóm múa khác nhau
Lân có hai loại: loại có sừng và không sừng. Lân không sừng giống hổ, mới là biểu tượng của tháng giêng. Ðầu lân không sừng dùng để múa, thường dính vào sau gáy một miếng vải đỏ , viết chữ Vương lớn và đậm nét, mình lân có vòng đen. Lân có sừng chỉ có một sừng chính giữa nên còn gọi là kỳ lân, đầu tròn lớn, màu thân giống màu đầu lân, được sử dụng để múa nhiều nhất
Lân chỉ chế tạo cái đầu thật công phu, còn mình là vải thêu, viền rất khéo. Còn Sư thì phải chế tạo cả con. Có loại lân đặc biệt, nửa giống lân, nửa giống rồng, nhưng ít xuất hiện trong các buổi trình diễn. Rồng được chia thành ba loại: Rồng tơ được chế tạo bằng vải gắn chặt vào cây cứng để múa, rồng tròn được làm bằng giấy cứng, có bụng tròn và dài, rồng cứng chỉ dùng để rước, khiêng, chứ không để biểu diễn.
Múa lân hoặc Sư chỉ cần hai người, nhưng múa Rồng thì phải có nhiều người tập rất công phu để thể hiện được các động tác đồng bộ khi rồng uốn khúc, rồng phóng tới, rồng đảo lại. Ít nhất cũng có 6 người múa rồng, nhiều cũng độ 20 chục người, thậm chí 30 chục người, cùng điều khiển con rồng phô diễn thần oai. alt Dù có cách tân, cách điệu, Sư và Rồng vẫn không có màu sắc phong phú bằng lân. Lân mang nhiều sắc mặt: Trắng, vàng, đỏ, xanh, đen.
Ba đầu lân được ưa chuộng nhất là trắng, đỏ và đen. Ba đầu lân thường múa chung với nhau, tượng trưng cho “Ðào viên kết nghĩa” là Lân mặt vàng, râu trắng (Lưu Bị), Lân mặt đỏ râu đen (Quan Vân Trường) và lân mặt đen, râu đen (Trương Phi). Một con lân biểu diễn gọi là Ðộc Chiếm Ngao Ðầu, thể hiện tài tả xung hữu đột, tiến thoái nhịp nhàng, bộ pháp hùng dũng, nhảy cao, trèo giỏi, tượng trưng cho cái uy, cái dũng của một mãnh tướng, một hảo hán, một vị anh hùng. Hai con lân cùng biểu diễn gọi là Song Hỉ, thể hiện niềm hân hoan khoan khoái, tâm đầu ý hợp như loan với phụng, như vợ với chồng, như đất trời và âm dương tương hợp.