Từ chuyện công ty TNHH một thành viên DAP – Vinachem nói rằng sẽ nghiệm thu có điều kiện nhà máy DAP Đình Vũ - Hải Phòng, dù sản phẩm không đạt tiêu chuẩn so chỉ tiêu, SGTT trao đổi với các chuyên gia về vấn đề này.
Như Sài Gòn Tiếp Thị đã thông tin, nhà thầu Trung Quốc bị chủ đầu tư là tập đoàn Hóa chất Việt Nam phạt 6 triệu USD, trong đó có nguyên nhân do hàm lượng dinh dưỡng của sản phẩm phân bón DAP (nhà máy DAP Đình Vũ - Hải Phòng) không đạt so với cam kết khi nhận thầu (61% so với chỉ tiêu 64%).
Tuy nhiên, đại diện chủ đầu tư là công ty TNHH một thành viên DAP – Vinachem nói rằng sẽ nghiệm thu có điều kiện. Đồng thời cục Hóa chất cũng cho hay sẽ hạ tiêu chuẩn Việt Nam với phân bón DAP từ 64% xuống 61% khi sửa đổi thông tư tới đây để sản phẩm này được lưu thông trên thị trường.
Ngày 18.8, phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị trao đổi với các chuyên gia: TS Bùi Duy Hiền, nguyên viện trưởng viện Thổ nhưỡng nông hóa; GS Võ Tòng Xuân (nguyên hiệu trưởng đại học An Giang) và ông Nguyễn Đình Hạc Thúy (phó chủ tịch thường trực hiệp hội Phân bón Việt Nam) xung quanh câu chuyện này.
Phân DAP không đạt chỉ tiêu về hàm lượng dinh dưỡng như thế có ảnh hưởng gì đến chất lượng cây trồng và sẽ gây khó khăn gì cho người nông dân?
TS Bùi Duy Hiền: Tiêu chuẩn DAP 64% nghĩa là đạm và lân cộng lại phải đủ 64% (18 - 46). Nếu thấp hơn 3% tức là chỉ tiêu về đạm hoặc lân trong sản phẩm bị thấp hơn, có thể thiếu 1kg lân, 2kg đạm hoặc ngược lại, và như vậy thì chất lượng sẽ kém hơn, người dân phải bón nhiều phân hơn cho đủ định lượng. Điều đó đồng nghĩa với việc người dân phải mua nhiều phân hơn nên giá thành cao hơn.
Ngoài ra, điều quan trọng hơn cả là trên nhãn hàng hóa phải có hướng dẫn ghi rõ tổng lân và đạm là bao nhiêu, 61% hay 64%, để cán bộ khuyến nông tính cho nông dân hoặc người dân tự tính số lượng phân mà họ cần.
GS Võ Tòng Xuân: DAP 64% (18-46%) giờ nếu mà thiếu thì thiệt hại cho nông dân. Thiếu hụt tỷ lệ như vậy tất nhiên sẽ không tác dụng tốt như đủ tỷ lệ. Người ta tính lượng bón phân bón cho đất trên cơ sở 64%, nếu chỉ còn 61% thì phải bón lượng tăng lên mới đủ, nhưng không phải người nông dân nào cũng có thể biết tính.
Ông Nguyễn Đình Hạc Thúy: Tôi nghĩ ở đây có trục trặc về kỹ thuật chứ chất lượng giảm 3% thì không đáng kể. Còn về giá thành, họ đã bán giá hợp lý rồi chứ không bán giá của phân 64% nữa.
Vậy nhưng cơ quan quản lý nhà nước là cục Hóa chất nói sẽ hạ tiêu chuẩn Việt Nam xuống 61% để cho sản phẩm được lưu thông trên thị trường. Như thế có lo ngại tạo ra tiền lệ xấu, rằng chất lượng sản phẩm sẽ đi xuống?
GS Võ Tòng Xuân: Làm vậy là không đúng. Có tiêu chuẩn thì phải theo tiêu chuẩn, nếu không tạo ra tiền lệ xấu! Nếu sau này có một đơn vị nào không đáp ứng tiêu chuẩn, chẳng lẽ lại hạ tiếp?
Mình không thể “du di” được vì công thức Diamon Phosphate có tỷ lệ của nó, nếu tính ra không đúng tỉ lệ đó thì đó là chất khác rồi. Nghĩa là đây có thể không phải phân DAP thiệt nữa mà là phân NP pha.
TS. Bùi Duy Hiền: Tiêu chuẩn Việt Nam là 64%, tất nhiên có cộng trừ tùy theo công nghệ. Song vấn đề ở đây là sản phẩm phải đúng chỉ tiêu tương ứng với công nghệ đã đăng ký với bộ Công thương.
Nếu hạ tiêu chuẩn thì cái được là để thích ứng với sản phẩm sản xuất trong nước, nhưng như thế thì nhiều nhiều hãng nước ngoài sướng quá, vì hạ chuẩn thì họ đủ tiêu chuẩn để nhảy vào cạnh tranh với hàng trong nước, hiện nay mỗi năm nước ta đang phải nhập mấy trăm nghìn tấn.
Ông Nguyễn Đình Hạc Thúy: Không có gì là tiền lệ xấu cả. DAP cũng là một dạng lân, như hiện nay lân Lâm Thao hàm lượng này chỉ 18%, giảm mấy chục phần trăm thì bán giá thành thấp hơn.
Tôi nghĩ cùng với hạ tiêu chuẩn về hàm lượng dinh dưỡng đi kèm với hạ giá bán là hợp lý.
Nhưng tại sao ta không bắt nhà thầu làm đúng chỉ tiêu thiết kế, tức nâng hàm lượng lên, thay vì hạ chỉ tiêu?
TS Bùi Duy Hiền: Đó là sai lầm. Phải bám vào hợp đồng. Khi ký hợp đồng, công nghệ hoàn chỉnh thì phải ra chất lượng NP 64% chứ không phải 61%. Nếu 61% thì phạt. Nhà thầu chịu phạt là tốt, nhưng nên bắt họ khắc phục theo như thiết kế mới tốt. Không để ưu ái tạo ra tiền lệ xấu.
GS Võ Tòng Xuân: Mấy công ty sản xuất phân bón làm thế là phải khiển trách họ rất mạnh, nhà nước không nên “lơi tay”.