Tăng gấp 30 lần từ 79.000 thuê bao năm 2003 lên 2,5 triệu thuê bao hiện nay, truyền hình trả tiền đang thu hút cả người dùng lẫn nhà cung cấp
Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020. Theo đó, từ năm 2015 sẽ chấm dứt truyền hình analog tại các thành phố lớn. Thông tin này như mở lối cho các hãng hối hả đầu tư nhằm giành lấy miếng bánh lớn nhất trên thị trường.
Cạnh tranh giành thị phần
Thay vì sử dụng các kênh truyền hình truyền thống (truyền hình quảng bá), người xem hiện nay có rất nhiều lựa chọn khác từ các kênh truyền hình trả tiền. Tương tự như dịch vụ internet ADSL, khi dùng truyền hình trả tiền, người sử dụng sẽ trả tiền thuê bao theo tháng. Tùy theo gói dịch vụ, số tiền thuê bao sẽ khác nhau.
Rất nhiều doanh nghiệp lớn như VTC, HTVC, VSTV, SCTV, VNPT, FPT đã tham gia thị trường bên cạnh các kênh truyền hình cáp địa phương. Sự hấp dẫn của thị trường này đã thu hút thêm một đối thủ nước ngoài là Canal+ (Pháp). Hãng truyền hình nổi tiếng của Pháp đã hợp tác với VTV cho ra đời kênh K+. Đây là hãng nước ngoài đầu tiên tham gia cuộc đua giành miếng bánh tiềm năng này.
Thị phần truyền hình trả tiền năm 2010
Cạnh tranh chủ yếu của các kênh truyền hình trả tiền hiện nay vẫn là dựa vào những đợt khuyến mãi và những gói cước giá rẻ. Các hãng truyền hình cáp địa phương thường đánh vào tâm lý chuộng giá rẻ của người dân khi tung ra những gói cước giá chỉ 35.000- 40.000 đồng/tháng. Không đứng ngoài cuộc, các công ty như VTC cũng tung ra gói khuyến mãi tặng một năm thuê bao cho khách hàng mua bộ giải mã tín hiệu và khuyến mãi thẻ gia hạn cho các thuê bao cũ. VNPT (kênh MyTV) thì tham gia cuộc chiến này bằng cách giảm giá cước, giảm giá chi phí mua bộ giải mã và chiêu dụ thuê bao mới bằng chương trình “Lắp MyTV trúng LCD”. Luôn giữ quan điểm đứng ngoài cuộc chiến về giá nhưng mới đây, K+ cũng đã phải đưa ra 3 gói thuê bao mới với giá rẻ hơn. “Giá cao là trở ngại lớn cho khán giả tiếp cận dịch vụ truyền hình này, do đó chúng tôi nghĩ những điều chỉnh này là phù hợp”, ông Cao Văn Liết, Tổng Giám đốc Công ty Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (VSTV), cho biết.
Những động thái này khiến nhiều người mường tượng ra những đợt giảm giá mạnh hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Khương, Phó Tổng Giám đốc VTC, “việc giảm giá hay khuyến mãi chỉ là giải pháp nhất thời. Để có sự phát triển vững vàng về thị trường, tất cả các nhà cung cấp dịch vụ khác cần xác định đầu tư chiều sâu vào chất lượng dịch vụ kỹ thuật lẫn nội dung”.
Cuộc cạnh tranh thứ 2, không kém phần quyết liệt, là cạnh tranh tăng kênh. Ông Khương cho rằng việc tăng số lượng kênh cũng không cần thiết lắm và phải phụ thuộc vào 2 yếu tố. Thứ nhất, khả năng về hạ tầng của nhà cung cấp dịch vụ. Khác với truyền hình analog bị hạn chế về tần số nên không thể tăng mãi số kênh, truyền hình kỹ thuật số có lợi thế về khả năng truyền đa kênh trên một tần số. Tuy nhiên, việc tăng kênh đối với hạ tầng số cũng không phải là vô tận. Thứ 2 là về mặt pháp lý. Theo Quyết định số 20/2011/QĐ-TTg và các quy định trước đó, việc phát sóng trên hệ thống truyền hình trả tiền phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về nội dung, báo chí, kỹ thuật... chứ không phải muốn phát gì thì phát.
Dù vậy, các nhà cung cấp rõ ràng đang cạnh tranh nhau rất sát sao về kênh khi liên tục tăng kênh. Theo tính toán của Công ty Chứng khoán Âu Việt, tính cả tự sản xuất và mua bản quyền, VTC là hãng nắm số lượng kênh nhiều nhất, lên tới 100 kênh, SCTV nắm 97 kênh và K+ nắm 80 kênh. Cuộc cạnh tranh này làm nảy sinh nhiều vấn đề liên quan. Đó là việc vi phạm bản quyền các chương trình, thậm chí cả việc đầu cơ kênh khi nhà nước chưa có quy định về số lượng kênh tối đa của một nhà cung cấp.
Im lìm hơn cuộc cạnh tranh về giá và về số kênh nhưng cuộc cạnh tranh về chất lượng luôn nhận được sự quan tâm của người sử dụng. Kênh K+ cho biết, họ chú trọng vào chất lượng bằng cách sử dụng công nghệ DTH, truyền dẫn thông tin qua vệ tinh trực tiếp đến từng máy thu hình ở hộ gia đình, không qua thiết bị trung gian. Sau K+, nhiều hãng khác cũng tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao chất lượng phát sóng.
Theo ông Khương, VTC, xét về hạ tầng thì hiện các mạng cáp cũng bắt đầu triển khai công nghệ số như HTVC, SCTV, BTS. Trong đó, VTC và VSTV sẽ chiếm ưu thế hơn và có lợi thế cạnh tranh về số lượng và chất lượng kênh do đã xây dựng cơ sở hạ tầng từ cách đây vài năm.
Phát triển không đúng bản chất
2,5 triệu thuê bao vẫn còn là một con số khá khiêm tốn trong một thị trường có hơn 85 triệu người. Trước cơ hội đó, các hãng cứ mải miết kiếm thêm thuê bao mà quên mất bản chất của truyền hình trả tiền.
Trên thế giới đã có sự phân chia rõ ràng. Truyền hình quảng bá có nguồn thu chính từ quảng cáo, trong khi truyền hình trả tiền dựa vào phí thuê bao và cung cấp những kênh truyền hình không có quảng cáo. Đây cũng là xu hướng phát triển chung của thế giới. Nhiều nước đã chuyển đổi hoàn toàn sang truyền hình trả tiền như Hà Lan, Phần Lan, Mỹ, Đức, Thụy Sĩ, Thụy Điển.
Trong khi đó, cũng là truyền hình trả tiền, nhưng hiện nay người Việt vẫn đang phải xem những kênh chen đầy quảng cáo. Rất khó để tìm ra kênh hoàn toàn không có quảng cáo. Tuy nhiên, theo ông Liết, VSTV, truyền hình trả tiền ở các nước phát triển, các nhà cung cấp vẫn cho phép một số hình thức tài trợ đi cùng chương trình.
Ngoài việc phát triển không đúng bản chất, truyền hình trả tiền Việt Nam còn có thêm những vụ tranh chấp bản quyền, nổi trội là tranh chấp giữa HCTV (truyền hình cáp Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội) với K+ về gói cước Super Sunday (phát các giải đấu ngoại hạng Anh).
Để quản lý hoạt động của truyền hình trả tiền, cuối tháng 4 vừa qua, Hiệp hội Truyền hình trả tiền đã được thành lập. Ông Nguyễn Thành Lương, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, cho biết: “Kinh doanh truyền hình trả tiền rất phức tạp, từ việc mua bản quyền cho đến xây dựng cơ sở hạ tầng. Việc hiệp hội ra đời sẽ giúp kết nối các đơn vị kinh doanh với nhau, có thể chia sẻ bản quyền hay cơ sở hạ tầng, giúp giảm bớt thiệt hại về đường truyền, chi phí sản xuất, chi phí đầu vào. Từ đó có thể giảm giá cước thuê bao”.
Nhiều hãng khai thác trong một thị trường còn rất nhiều tiềm năng, rõ ràng cạnh tranh đang ngày càng khốc liệt. Nhưng khi phát triển không đúng với bản chất, liệu truyền hình trả tiền Việt Nam sẽ về đâu, nhất là khi các hãng nước ngoài hùng mạnh cũng đang nhòm ngó thị trường này?