Welcome
Người bán đã có vị thế đàm phán giá
Có thể nói từ nhiều năm xuất khẩu, đây là lần đầu các doanh nghiệp bán cá tra có thể tự tin ra giá

Ông Nguyễn Văn Ký, tổng giám đốc Agrifish An Giang kể: “Giữa tuần trước, một khách hàng châu Âu tới trực tiếp công ty, kiểm tra hàng và đề nghị mua năm container cá tra với giá mỗi ký là 3,2 USD. Tôi trả lời nếu chấp nhận giá 3,45 USD thì làm, không thì thôi!” Khách mua từ chối nhưng một ngày sau quay lại, chấp nhận trả thêm 0,25 USD so với giá đề nghị. Khách còn mong muốn trở thành đối tác nhập khẩu “ruột” của Agrifish An Giang.

“Không mua giá đó tôi không bán!”

Ông Trương Đình Hoè, là người theo dõi sát sao từng bước đi mà con cá tra thâm nhập thị trường thế giới suốt nhiều năm qua cũng thừa nhận rằng, có một thời kỳ doanh nghiệp chạy theo số lượng, sản lượng có khi dư thừa, dẫn tới tình trạng hàng kém chất lượng và hiện tượng đua nhau giảm giá. Vì vậy, doanh nghiệp không có vị thế trên bàn đàm phán, giá bán thường thấp.

Từ giữa 2010 đến nay, theo ông, khủng hoảng nguyên liệu, chi phí đầu vào tăng cao làm thay đổi nhận thức doanh nghiệp và ngay cả bản thân nhà nhập khẩu về giá trị con cá tra. “Đã đến lúc khách hàng phải nhìn thấy chúng ta đang đối đầu với khó khăn để chấp nhận mức giá mua hợp lý hơn”, ông Hoè tâm sự. Theo ông, trong giai đoạn này, nhà nhập khẩu không chấp nhận mức giá trên ba đồng tư (3,4 USD/kg) thì sẽ không có hàng mua, bởi cá nguyên liệu bắt đầu cạn, giá đã tăng gần 100% so với giữa 2010.

Chấp nhận mua giá cao, nhà nhập khẩu còn nhượng lại công đoạn đóng gói lẻ như một cách chia sẻ khó khăn với nhà sản xuất.

“Lúc đầu họ từ chối, nhưng sau mình làm căng thì họ phải chấp nhận. Chúng tôi vừa tiếp một đoàn của Mỹ, họ sang tận nhà máy, hướng dẫn tỉ mỉ quy trình, kỹ thuật đóng gói cho chúng tôi làm”, ông Ký nói.

Giá bán tăng gần 22%

So với cùng kỳ năm 2010, theo hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản (Vasep), khối lượng xuất khẩu cá tra quý 1 năm nay chỉ tăng 5,2% với khoảng hơn 153.000 tấn, nhưng tổng giá trị tăng thêm 21,6%, tức 376,43 triệu USD. Giá xuất trung bình (tính trên giá trị lô hàng) của tháng 1 và tháng 2 không có sự khác biệt nhiều, xấp xỉ 2,55 USD/kg, tháng 3 giá nhích lên 2,62 USD/kg, nhưng tháng 4 dự kiến đạt trên 3,1 USD/kg, mức cao nhất từ sau sự cố bị kiện chống phá giá hồi cuối 2003.

Nói như vậy không có nghĩa mọi chuyện đã trở nên tốt đẹp đối với con cá tra, loài thuỷ sản mỗi năm mang về hơn 1,5 tỉ USD. Theo ông Dương Ngọc Minh, chủ tịch uỷ ban Cá nước ngọt (thuộc Vasep), trong giai đoạn này, tuy thị trường xuất khẩu tốt, giá cao nhưng thiếu nguyên liệu. Ông Minh dự tính, sản lượng nguyên liệu năm nay chỉ đạt khoảng 800.000 tấn cho xuất khẩu, từ nay đến cuối năm còn khoảng 500.000 tấn và sẽ có dấu hiệu thiếu hụt mạnh trong quý 3 tới đây.

“Vấn đề hiện nay là thiếu đàn cá bố mẹ chất lượng, thiếu sự định hướng từ phía cơ quan quản lý nhà nước, thiếu đầu tư… nên gây ra khủng hoảng nguyên liệu”, ông Minh nói

Hoàng Bảy
SGTT
03/05/2011
  CÁC TIN KHÁC
      82% độc giả sẽ bỏ đi nếu thu phí tin online
      Ẩn số dòng tiền trên thị trường chứng khoán
      TP.HCM: Thêm 7 công trình vượt quá tầng
      Tập đoàn Nhà nước dưới góc nhìn người trong cuộc
      Ngành thép nội địa: Đối đầu không cân sức
      Giá vàng tiếp tục giảm mạnh
      Ký kết triển khai dịch vụ thanh toán tiền bán vé tàu qua tin nhắn