Welcome
Bảo vệ thương hiệu DN là động lực để cạnh tranh
Không chỉ trên thế giới mà các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay cũng đang “đau đầu” tìm cách đối phó với tình trạng thương hiệu bị nhái

Nhiều vụ việc đã phải nhờ “bàn tay” của pháp luật để đòi lại sự công bằng nhưng nhiều doanh nghiệp đã phải chấp nhận “đổi thương hiệu” để bảo toàn hình ảnh của công ty mình.

Mỗi doanh nghiệp đều cố gắng xây dựng cho thương hiệu của mình một bản sắc riêng, không bị pha trộn hay bị gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu khác. Tuy nhiên, để xây dựng được một thương hiệu có sức sống lâu dài đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc về tư duy và chi phí. 

Điều đó lý giải tại sao việc “nhái” thương hiệu lại xuất hiện tràn lan như thời gian gần đây. Không chỉ trên thế giới mà các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay cũng đang “đau đầu” tìm cách đối phó với tình trạng này. Nhiều vụ việc đã phải nhờ “bàn tay” của pháp luật để đòi lại sự công bằng nhưng nhiều doanh nghiệp đã phải chấp nhận “đổi thương hiệu” để bảo toàn hình ảnh của công ty mình.

Thương hiệu “nhái” xuất hiện tràn lan, “đa” lĩnh vực


Ngày 01/07/2009, tại trụ sở Công ty cổ phần Dược - TTB Y tế Hòa Bình, Thanh tra Bộ KHCN đã tổ chức tháo rời và hủy bỏ bao bì sản phẩm “Hoạt huyết dưỡng não” của Dược Hòa Bình có chứa dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu “Hoạt huyết dưỡng não” của Công ty cổ phần TRAPHACO. Dược Hòa Bình cũng đã cam kết sẽ chấm dứt ngay việc sản xuất, buôn bán sản phẩm xâm phạm quyền SHCN nói trên, thu hồi và tiêu hủy toàn bộ số sản phẩm vi phạm

Đầu năm 2010, ông Nguyễn Văn Lân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Đài Loan đã phải công bố việc thay đổi thương hiệu từ Nội thất Đài Loan sang Nội thất Dafuco. Quyết định này được đưa ra khi nhiều cơ sở kinh doanh khác đã nhái thương hiệu, phong cách của Nội thất Đài Loan.

Mẫu xe Diamond Blue 125 bị tố vi phạm thương hiệu và kiểu dáng của 2 nhà sản xuất xe máy Piagio và Honda
 

Cuối năm 2010, Công ty cổ phần Vincom đã gửi đơn lên Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đồng thời, gửi đơn yêu cầu xử lý vi phạm lên Thanh tra Bộ Khoa học Công nghệ  đối với Công ty Cổ phần Tài chính và Bất động sản Vincon với lý do công ty Vincon đã vi phạm nghiêm trọng đến quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu và tên thương mại của mình.

Theo tố cáo của Công ty Vincom, việc đặt tên của doanh nghiệp Vincon đã gây ra sự nhầm lẫn giữa hai công ty, tạo nên những ảnh hưởng bất lợi cho uy tín thương hiệu, hình ảnh của Vincom.

Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã có kết luận sau khi thẩm tra, Công ty cổ phần Tài chính và Bất động sản Vincon sử dụng tên Vincon là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu Vincom đang được bảo hộ tại Việt Nam cho Công ty cổ phần Vincom.

Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã ra quyết định xử phạt Công ty cổ phần Tài chính và Bất động sản Vincon 14 triệu đồng. Đồng thời, yêu cầu Công ty Vincon loại bỏ tên Vincon trên biển hiệu giấy tờ giao dịch, phương tiện kinh doanh, phương tiện quảng cáo và trên tên công ty, tên chi nhánh của công ty.

 
Thương hiệu Eurowindow của Công ty Cổ phần Cửa sổ nhựa Châu Âu đã nhiều lần bị "nhái"
 

Cũng vào thời điểm cuối năm 2010, tại Hà Nội, hai nhà sản xuất xe máy Piagio Việt Nam và Honda Việt Nam đã tổ chức họp báo chính thức công bố, xe Diamond Blue đã vi phạm thương hiệu và kiểu dáng đối với sản phẩm của họ.

Loại xe máy tay ga mang nhãn hiệu phân khối, có động cơ gắn logo hiệu Honda còn kiểu dáng giống như xe Vespa LX, được bày bán tại nhiều nơi trên thị trường với giá từ 48 đến 53 triệu đồng/chiếc.

Ngay sau khi thông tin xe Diamond Blue giả nhãn hiệu Honda được khẳng định, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã yêu cầu đơn vị sản xuất thu hồi số xe đã bán ra thị trường đồng thời buộc ngừng giao dịch và niêm phong số xe đang bày bán trên thị trường. Cơ sở sản xuất bị yêu cầu ngừng sản xuất, lắp ráp.

Trong lĩnh vực vật liệu xây dựng cũng đã xảy ra không ít trường hợp vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tương tự. Xây dựng thương hiệu trong suốt thời gian dài nhưng hàng loạt công ty khác chuyên cung cấp cửa ra đời sau đó đã nhái theo thương hiệu của Công ty Cổ phần Cửa sổ nhựa Châu Âu  Eurowindow với những cái tên nhãn hiệu có đuôi “window”.

Trong những vụ việc bị phát hiện “ăn theo” thương hiệu Eurowindow phải kể đến trường hợp vi phạm của Công ty cổ phần cửa Châu Âu (Euwindow).

Công ty Cổ phần cửa Châu Âu đã sử dụng tên thương mại gần giống với tên thương mại của Công ty Cổ phần cửa sổ nhựa Châu Âu.

Thậm chí không đi đăng ký nhãn hiệu nhưng công ty này vẫn sử dụng dấu hiệu “®” trên nhãn hiệu “Euwindow” và khi được hỏi đến doanh nghiệp này vẫn hồn nhiên trả lời là do thiếu hiểu biết. Đây là một việc làm cố ý “ăn theo” nhằm gây sự nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Vụ việc cuối cùng cũng được Thanh tra Bộ khoa học và công nghệ phát hiện và Thanh tra Bộ đã quyết định xử phạt Công ty cổ phần cửa Châu Âu. Theo kết luận của Thanh tra Bộ KHCN, Công ty cổ phần cửa Châu Âu có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu "Euwindow” là một trong những nhãn hiệu đã được Công ty cổ phần Cửa sổ nhựa Châu Âu (với thương hiệu chính là Eurowindow) bảo hộ tại Việt Nam.

Công ty cổ phần cửa Châu Âu cũng đã vi phạm sở hữu trí tuệ trong việc sử dụng dấu hiệu “Euwindow” trên biển hiệu, catalog, card visit, website, bảng báo giá và trên các phương tiện kinh doanh, quảng cáo.

Vi phạm sở hữu trí tuệ có thể bị phạt hành chính tối đa là 500 triệu đồng

Theo Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI), vi phạm về sở hữu trí tuệ bao gồm vi phạm về nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý, sao chép công nghệ (giải pháp hữu ích), sáng chế, bản quyền…

 
Thương hiệu bị làm nhái là vi phạm sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu hàng hóa. Thông thường, tên thương mại của công ty thường đăng ký ở Cục sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, khi phát hiện vi phạm có thể có các mức xử phạt hành chính, xử lý hình sự và xử lý dân sự.
 
“Xử phạt hành chính thì có quy định trong Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính với mức phạt tối đa 500 triệu đồng. Nếu chủ của quyền sở hữu trí tuệ kiện ra tòa thì có quyền kiện ra tòa và quyền đòi bồi thường. Chủ cửa quyền sở hữu trí tuệ chứng minh được thiệt hại bao nhiêu sẽ được bồi thường bấy nhiêu. Đối với những nhãn mác gây nguy hiểm cho xã hội hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì cơ quan công an sẽ vào cuộc điều tra và tiến hành xử lý hình sự”, luật sư Huỳnh cho biết.

Lãnh đạo một doanh nghiệp đã từng bị “nhái” thương hiệu cũng bày tỏ, việc kiểm tra và xử lý nghiêm khắc các vụ việc thương hiệu bị “nhái” là hết sức cần thiết. Thực thi bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp đã nỗ lực trong việc xây dựng thành công một thương hiệu bằng uy tín với khách hàng chính là động lực để tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh trong nền kinh tế thị trường
VTC
22/04/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Làm khách VIP hay không cần VIP?
      10 xu hướng thiết kế logo năm 2010, bạn sẽ theo xu hướng nào?
      “Con bài” mới của Ford Focus
      6 kiểu quảng cáo phổ biến
      Tự khác biệt để tạo ra sự khác biệt
      Cố tiêu thụ hàng tồn kho
      Quảng cáo ở châu Á Thái Bình Dương trong quý đầu tiên