Welcome
Vụ “gas mua rẻ, bán đắt”: Sẽ đấu giá gas
Ông Nguyễn Việt Thắng, phó tổng giám đốc Công ty TNHH lọc - hóa dầu Bình Sơn, đã khẳng định như vậy khi trao đổi với chúng tôi ngày 8-4 xung quanh việc gas sản xuất tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất bán cho doanh nghiệp giá rẻ nhưng người tiêu dùng phải mua giá cao. Ông Thắng nói tiếp:

- Theo công suất thiết kế, sản lượng gas của Nhà máy lọc dầu Dung Quất chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu gas cả nước, lượng gas tiêu thụ trên thị trường hiện nay chủ yếu là nhập khẩu, do vậy giá gas bán lẻ trên thị trường chịu sự chi phối của giá nhập khẩu.

Hiện Nhà máy lọc dầu Dung Quất vẫn còn trong giai đoạn vận hành thử, trước mắt Tập đoàn Dầu khí giao nhiệm vụ phân phối gas của nhà máy cho Tổng công ty Khí VN (PV Gas) với giá bán tương đương giá gas nhập khẩu

Khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động ổn định, chúng tôi sẽ hạch toán, tính toán kỹ chi phí đầu vào, đầu ra... lúc đó mới có thể đưa ra giá thành sản phẩm. Mục tiêu là làm sao giá gas bằng hoặc thấp hơn giá nhập khẩu, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, góp phần bình ổn thị trường trong nước. Tuy nhiên, xin nhắc lại là giá cả vẫn do thị trường quyết định.

Tàu cập cảng tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) tiếp nhận khí hóa lỏng LPG (gas) để đưa đi tiêu thụ (Ảnh: Xuân Bình)

- Ngoài gas, các sản phẩm xăng, dầu chế biến tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất hiện được phân phối như thế nào, thưa ông?

- Trong giai đoạn chạy thử và thời gian đầu vận hành nhà máy, Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN đã giao Tổng công ty Dầu VN (PV Oil) - đơn vị có nhiều kinh nghiệm - chịu trách nhiệm phân phối, bao tiêu toàn bộ sản phẩm xăng, dầu của nhà máy, PV Gas chịu trách nhiệm phân phối, bao tiêu toàn bộ sản phẩm gas (LPG). Từ tháng 2-2009 đến nay, nhà máy đã xuất bán ra thị trường trong nước gần 166.200 tấn gas.

PV Gas phân phối gas thông qua mạng lưới tiêu thụ của các đơn vị thành viên, bao gồm Công ty cổ phần Kinh doanh khí hóa lỏng miền Bắc, Công ty cổ phần Kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam và Công ty Kinh doanh sản phẩm khí.

- Như vậy khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động ổn định, để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, các sản phẩm xăng, dầu, gas... khi bán ra thị trường có được áp dụng cơ chế đấu giá không, thưa ông?

- Nếu Nhà máy lọc dầu Dung Quất chạy ổn định đạt 100% công suất, mỗi năm sẽ chế biến khoảng 300.000-450.000 tấn gas (tùy chế độ vận hành), đáp ứng 30-40% tổng nhu cầu gas trong nước. Đến khi nhà máy hoạt động ổn định, việc phân phối các sản phẩm nhà máy sẽ theo cơ chế thị trường.

Tất nhiên, lúc đó chúng tôi sẽ áp dụng cơ chế đấu giá cho tất cả các loại sản phẩm (trong đó có gas) của Nhà máy lọc dầu Dung Quất, vừa góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia vừa bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

09/04/2010
  CÁC TIN KHÁC
      Luxgen chạm mốc 1.000 đơn hàng
      Chevron - Thương hiệu đáng tin cậy hàng đầu của nền công nghiệp ô tô
      Bật mạnh về cuối phiên, Phố Wall lập đỉnh mới
      Để thương hiệu SABECO rơi vào tay đối tác: Lỗi tại ai?
      Từ 1.7: doanh nghiệp nhà nước kê khai vàng, ngoại tệ gửi ngân hàng
      Ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam sử dụng mạng xã hội trong kinh doanh
      Tại sao Việt Nam lại nhập siêu mạnh từ Trung Quốc?