Welcome
Thị trường mỳ ăn liền : Hàng nội vững ngôi đầu
Xuất xứ từ Nhật Bản nhưng hiếm có mặt hàng nào được "nội địa hóa" nhanh và có tốc độ "phủ sóng" mạnh như mỳ ăn liền, đến mức khó có thương hiệu nhập khẩu nào trong thời gian gần đây có thể len chân chiếm lĩnh thị trường.

Mỳ Miliket ba tôm, bốn tôm của cty thực phẩm Vifon đựng trong gói giấy "xi măng" với hình ảnh những con tôm đỏ ra đời từ những năm 90 được xem là hiện tượng của ngành công nghệ thực phẩm. Chưa thật bắt mắt về hình thức, hương vị chẳng có gì... ngoài một gói bột canh, vậy mà, Miliket đứng vững trong suốt gần 1 thập kỷ trên thị trường miền Bắc, bất chấp các mẫu mã mới, hình thức bắt mắt hơn liên tục được giới thiệu đến người tiêu dùng.

Đánh đúng tâm lý người tiêu dùng

Giải mã cho sự thành công này, ông Bùi Khánh Dũng - Giám đốc Trung tâm thông tin và nghiên cứu thị trường của Investconsult Group chỉ đưa ra nhận định ngắn gọn: "Có thể thời gian đó, thị trường không có nhiều lựa chọn nhưng tôi cho rằng, mấu chốt là không phải như vậy. Miliket tìm hiểu và đánh trúng tâm lý tiêu dùng của người miền Bắc. Người tiêu dùng chấp nhận, ủng hộ nên thắng thế là chuyện đương nhiên".

Miliket chỉ chịu nhường thị phần khi Hảo Hảo của liên doanh Vina Acecook xuất hiện vào đầu năm 2003. Chất lượng được đánh giá ngang ngửa (sợi mỳ dai, hương vị đậm đà); giá cả một chín, một mười (hai sản phẩm chỉ chênh nhau từ 100 - 200 đ/gói) nhưng hình thức đẹp và hương vị đa dạng đã giúp thương hiệu Hảo Hảo ghi điểm. 

Cuộc cạnh tranh đang dành cho các thương hiệu nội
 
Xác định phân khúc thị trường để có định hướng kinh doanh, chất lượng sản phẩm, giá cả phù hợp là sự lựa chọn đúng đắn mà sự thành công của Miliket và Hảo Hảo là những điển hình. 

Công nghệ lăng xê có làm nên chuyện ?

VN là một trong những nước tiêu thụ mỳ ăn liền nhiều nhất Châu Á. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có khoảng 50 DN tham gia thị trường với hàng trăm nhãn hiệu khác nhau. Trong đó, chủ yếu là DN VN với những cái tên như Vina Acecook, Asia Food, Vifon, Uni-President... chiếm lĩnh tới hơn 90% thị phần với 5 tỷ gói/năm. Số thị phần nhỏ còn lại đang được chia đều cho hàng chục nhãn hàng nước ngoài đang hiện diện khắp nơi.

Cuộc cạnh tranh đang dành cho các thương hiệu nội nhưng mức độ lại quyết liệt hơn. Các DN hiện đang sử dụng công nghệ lăngxê như một thứ công cụ... định hướng khẩu vị sau khi đã cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng. Nhãn hiệu Omachi của Massan "nổ phát súng" đầu tiên.
 
Để làm sợi mì thuần từ khoai tây thực chất là một thách thức với nhà sản xuất về vấn đề giá thành. Dường như ai cũng hiểu điều này nhưng với việc chuyển tải một thông điệp rất thiết thực "không sợ nóng" trong bối cảnh xuất hiện những lo ngại về việc ăn mỳ nhiều có thể gây nóng "bụng" thì đó là một lựa chọn chiến lược xuất sắc của Omachi.
 
Tương tự như vậy với mỳ Tiến Vua. Sản phẩm non trẻ này không có nhiều đột biến về mẫu mã, hương vị tương đồng như các sản phẩm khác. Sự vượt trội có được nhờ biết chọn đúng "điểm rơi".
22/03/2010
  CÁC TIN KHÁC
      Toyota, Ford, Vidamco... sẽ bị truy thu hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế?
      TP.HCM: Tạm ngưng cấp phép treo băng rôn
      Thêm khu đô thị lớn nhất tỉnh Vĩnh Phúc
      Thói quen tiêu dùng thay đổi theo túi tiền
      Nắng nóng, hàng điện lạnh bán chạy
      Công thức thành công “3 chữ C”
      Hà Nội chuẩn bị nhân sự cho Ban chấp hành khóa tới