Trong tháng đầu năm 2012, thị trường bán lẻ Việt Nam đã có hơn mười siêu thị, cửa hàng tiện ích mới khai trương, thuộc các hệ thống Co.opmart, Vinatexmart, Satrafoods, Vissan...
Theo kế hoạch của các nhà kinh doanh siêu thị, dự kiến trong năm 2012 này, sẽ có trên 120 siêu thị, trung tâm thương mại mới đi vào hoạt động, gấp đôi năm 2011.
Hàng hoá bán ở siêu thị hầu hết vẫn trùng lắp với hàng hoá ở chợ. Ảnh: Ca Hảo |
Tích cực mở rộng mạng lưới
Mở thêm nhiều điểm bán nhất trong năm 2012 này là Vinatexmart với kế hoạch 43 siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng mới. Tính đến hết năm 2011 Vinatexmart đã có 62 siêu thị, trong đó chỉ có vài điểm tại TP.HCM, còn lại ở các tỉnh thành phố khác trên cả nước.
Co.opmart vừa khai trương hai siêu thị và ba cửa hàng Co.opfood tại TP.HCM trong tháng 1.2012, cũng đã lên kế hoạch mở mười siêu thị và 15 cửa hàng tiếp theo trong năm này.
Vissan sau khi đã mở hơn 80 cửa hàng tiện ích phủ kín các quận huyện tại TP.HCM, đang tiếp tục mở rộng mạng lưới ra các tỉnh lân cận.
Lottemart cũng đã nhận được giấy phép đầu tư mở hai trung tâm mới tại Đồng Nai và Đà Nẵng. Lottemart cũng đã công bố kế hoạch sẽ mở đến 60 trung tâm cho đến năm 2020 trên cả nước. Big C, tính đến tháng 1.2012 đã có 18 siêu thị tại Việt Nam, và Big C vẫn tiếp tục mở rộng mạng lưới để phủ kín các tỉnh thành cả nước.
Miếng bánh đang lớn
Việc các nhà kinh doanh siêu thị liên tiếp mở điểm bán mới, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam còn khó khăn, sức mua có dấu hiệu suy giảm, không phải điều lạ. Trong báo cáo mới nhất về thị trường bán lẻ của Việt Nam, công bố hồi cuối năm 2011, trang mạng Research and Markets khẳng định Việt Nam là một trong năm thị trường bán lẻ sinh lời nhiều nhất trên thế giới và trong tương lai, các kênh bán lẻ hiện đại sẽ đóng vai trò chủ chốt.
Bất chấp kinh tế khó khăn, doanh thu bán lẻ của kênh bán lẻ hiện đại vẫn tăng mạnh. Chẳng hạn, dịp tết vừa qua, tại TP.HCM, trong lúc các chợ vắng khách, doanh thu giảm so cùng kỳ thì các siêu thị đều quá tải, lượng khách và doanh thu tăng 20 – 40% (thống kê từ các hệ thống siêu thị Co.opmart, Big C, Maximark, Citimart…)
Mới đáp ứng phân khúc trung bình
Tính đến thời điểm hiện nay, kênh bán lẻ hiện đại có khoảng 700 siêu thị, 120 trung tâm thương mại và trên 1.000 cửa hàng tiện ích (theo bộ Công thương). Tốc độ tăng doanh thu nhanh, nhưng thị phần của tất cả nhà bán lẻ hiện đại cộng lại mới chiếm được 20% thị phần bán lẻ cả nước.
Các cửa hàng, siêu thị mới chỉ phát triển ở một vài thành phố lớn, nhiều thành phố ở Việt Nam vẫn chưa có siêu thị lớn hoặc các chuỗi cửa hàng tiện ích.
Gần như các hệ thống siêu thị đều chỉ nhắm vào phân khúc tiêu dùng trung bình. Điều này thể hiện rõ qua các slogan: “giá rẻ cho mọi nhà”, “bạn của mọi gia đình”, “đồng hành cùng người lao động”… Hàng hoá của các siêu thị hiện nay đa phần cạnh tranh với kênh truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hoá) bằng giá rẻ, khuyến mãi là chính. Trong các siêu thị có rất ít, hoặc không có hàng hiệu cao cấp.
Bà Phạm Thị Quỳnh Ny, giám đốc tiếp thị của Vinatexmart cho biết: “Chúng tôi nhắm vào khách hàng mục tiêu có mức thu nhập trong khoảng 5 – 15 triệu đồng/tháng, bởi nhóm người này đang chiếm số đông, và phân khúc thị trường này vẫn còn rất nhiều cơ hội để khai thác và tăng trưởng”.
Cũng theo bà Ny, thì khi nào sức mua của nhóm này bão hoà, Vinatexmart mới tính tiếp đến việc nâng cấp lên phân khúc cao cấp hơn.
Trong khi đó, dù là siêu thị nước ngoài, có dãy sản phẩm rộng, nhưng Big C vẫn nhắm vào khách hàng chính là: “đại chúng gồm người lao động, công nhân, và cả nông dân…”, theo bà Dương Thị Quỳnh Trang, giám đốc đối ngoại Big C.
Ở khía cạnh khác, nhà kinh doanh siêu thị ở Việt Nam có thể chưa đủ vốn và kinh nghiệm, hoặc có thể chưa muốn đầu tư khai thác nhóm khách hàng có thu nhập cao. Bởi theo phó tổng giám đốc một hệ thống siêu thị: “Khách hàng có thu nhập cao thường mua sắm kỹ tính, đòi hỏi khắt khe về chất lượng sản phẩm, dịch vụ, giá trị gia tăng khi mua hàng… nên cần vốn đầu tư lớn, kỹ thuật và kỹ năng kinh doanh chuyên nghiệp hơn…”