Welcome
Dựng rào cản để giảm nhập khẩu nông sản
Tại sao là nước nông nghiệp mà lại đi nhập khẩu nông sản? Bao giờ có hàng rào kỹ thuật để bảo vệ nông sản Việt? Làm sao phân phối hàng cho nông dân tránh "được mùa mất giá"… là những vấn đề mà bộ trưởng Cao Đức Phát nhận được nhiều chất vấn nhất trong phiên chất vấn và trả lời chất chiều 23.11

Cần chăm lo hệ thống phân phối nông sản cho nông dân

Nhiều đại biểu quan tâm đến vấn đề làm thế nào để bảo vệ nông sản Việt Nam? (ảnh minh hoạ). Ảnh: Thanh Hảo

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) cho rằng, sản xuất nông nghiệp chỉ đi lên khi quy mô lớn và ứng dụng khoa học công nghệ, tức là đòi hỏi quy mô lớn, tích tụ ruộng đất, “Trong khi thực tế nền nông nghiệp nước ta bị phân tán, vậy giải pháp nào để có mô hình sản xuất lớn mà vẫn đảm bảo quyền sở hữu ruộng đất”?, ông Hòa hỏi.

Bộ trưởng Phát thông tin: nước ta có diện tích 10,1 triệu ha đất nông nghiệp mà có 13 triệu nông dân – nên tình trạng manh mún là khó tránh khỏi, dù vậy trong những năm qua ta đã hình thành được các vùng sản xuất quy mô lớn: cao su, cà phê, lúa gạo…

Chưa hài lòng, ông Hòa muốn bộ trưởng làm rõ: “Để đạt sản xuất quy mô lớn đó là tự phát hay bộ tham mưu đề xuất để đẩy nhanh quá trình này?- “Không phải tự phát mà nhiều năm qua đã có tác động của nhà nước bằng công tác quy hoạch cùng địa phương rà soát, hướng dẫn nông dân hình thành các vùng mía, chè, cao su, lúa gạo… chất lượng cao. Sau khi có quy hoạch đã có cơ chế bằng đầu tư tủy lợi, hỗ trợ trực tiếp cho nông dân…bộ trưởng đáp.

Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) thì quan tâm đến giải pháp của các bộ để hạn chế thương lái trung gian ép giá nông dân, khắc phục điệp khúc được mùa rớt giá. Bộ trưởng Phát cho biết, với một số mặt hàng chủ yếu như gạo, muối bộ đã phối hợp cùng các hiệp hội và thông qua các công ty nhà nước để theo sát thị trường kịp thời thu mua đảm bảo cho nông dân có lãi. “Như lúa gạo được thu mua kịp thời để nông dân có lãi ít nhất 30%”, bộ trưởng dẫn chứng và “nhường lời” lại để “bộ Công thương trả lời sẽ sát hơn”. “Đỡ lời” ông Phát, bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng thông tin: về tiêu thụ trong nước, ở trung ương đã xây dựng được hệ thống phân phối 11 mặt hàng thiết yếu, trong đó nông nghiệp có năm mặt hàng được thiết lập mức độ đáp ứng tiêu thụ “tương đối tốt”. “Yếu nhất trong phân phối hiện này là rau quả. Đây là vấn đề lớn cần phối hợp”, bộ trưởng Công thương thừa nhận.

Cũng liên quan đến bảo vệ nông sản cho nông dân, đại biểu Hòa chất vấn: Giải pháp nào để kiểm soát nông sản nhập khẩu tràn lan, không kiểm soát được chất lượng? “Trước mắt bộ đã quy định: các nước xuất khẩu nông sản vào Việt Nam phải thông báo chế độ kiểm soát chất lượng của nước mình để bộ xác nhận. Về lâu dài, bộ sẽ cử người đến tận nơi kiểm soát ở cơ sở, đưa ra các tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp công nghệ quốc tế”, bộ trưởng Phát nói. Song bộ trưởng Hoàng lưu ý: khi xây dựng các rào cản kỹ thuật thì cần tính đến việc các tiêu chuẩn kỹ thuật này sẽ phải áp dụng cho cả sản xuất trong nước lẫn nước ngoài vì theo quy đinh thì không phân biệt đối xử nên phải cẩn trọng. Ông Hoàng bổ sung: về biện pháp hành chính như chứng minh xuất xứ có thể làm ngay được.

Nước ngoài thuê rừng: không cấp phép mới

Cho nước ngoài thuê đất rừng đã từng là vấn đề rất bức xúc tại Quốc hội khóa XII, song đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) vẫn chưa an tâm khi ông nhấn mạnh muốn hỏi cả ba bộ (Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tài nguyên môi trường và bộ Kế hoạch đầu tư).

“Quốc hội khóa XII cảnh báo cho nước ngoài thuê đất rừng với 300.000 ha, nay các bộ đã ngăn chặn có hiệu quả, có bao nhiêu tỉnh cho thuê, diện tích bao nhiêu, vùng nhạy cảm là bao nhiêu”, ông Tiến hỏi?

Theo bộ trưởng Phát, Thủ tướng đã chỉ đạo ba bộ cùng địa phương: dừng không cho thuê mới; rà soát các dự án đã cấp giấy chứng nhận, nơi nào chồng lên địa bàn nhạy cảm an ninh quốc phòng thì loại bỏ dự án đó, nơi nào đã cấp giấy phù hợp với tiêu chuẩn trồng rừng thì tiếp tục.

“Đến giờ này con số dừng lại như cuối năm 2010: 18.571 ha”, bộ trưởng Phát thông tin.

Bộ trưởng kế hoạch đầu tư Bùi Quang Vinh bổ sung: theo quy hoạch, dự kiến có 343.000 ha thì Nghệ An đã thu hồi 53.000 ha, như vậy tổng số diện tích dự kiến 288.000 ha, nhưng thực tế đến nay có hợp đồng là 18.500 ha. “Việc dừng cho thuê mới đã triển khai nghiêm túc. Diện tích đất rừng cho thuê chủ yếu đất trống đồi núi trọc, tất cả đều nằm trong quy hoạch, đất liên quan quốc phòng an ninh thì Nghệ An đã thu hồi”, bộ trưởng Vinh khẳng định

Trung Đức
24/11/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Hàng Việt thắng lớn tại Campuchia
      Phương tiện truyền thông xã hội và thương hiệu cá nhân
      3D: Cách mạng hay trào lưu?
      Khi các đại gia FPT, Vinamilk "bẻ lái"
      Bước ngoặt của lãi suất
      Hai hãng sản xuất điện tử Sony và Toshiba bán một số nhà máy cho Đài Loan
      Doanh nghiệp ứng phó thế nào với lạm phát cao?