Welcome
Hàng Việt quên hay khó vào chợ?
Từ 10 – 15.10, tuần lễ bán hàng Việt Nam đồng loạt diễn tại ba chợ ở TP.HCM là Bến Thành, Tân Định và Thái Bình. Đây là kênh phân phối mà lâu nay bị chiếm lĩnh bởi hàng ngoại nhập. Sau tuần lễ này, sẽ còn rất nhiều việc doanh nghiệp phải làm, nếu muốn giành lại kênh phân phối này

Trong tuần lễ này, một số doanh nghiệp sẽ tham gia quảng bá sản phẩm và bán hàng tại các quầy mới dựng ở các cửa ra vào chợ, như Bến Thành có 23 quầy hàng bán quần áo may sẵn, hàng thủ công mỹ nghệ, phụ trang… Các tiểu thương đẩy mạnh hoạt động giới thiệu và bán hàng Việt Nam với khách.

Những ốc đảo

Tại các chợ như Bến Thành, Tân Định (quận 1), An Đông (quận 5), Vườn Chuối (quận 3), Tân Bình (quận Tân Bình) và Rạch Ông (quận 8), nhìn chung hàng Việt Nam chiếm ưu thế rõ rệt trong các nhóm thực phẩm công nghệ, chất tẩy rửa, hoá mỹ phẩm chăm sóc cá nhân, quần áo may sẵn, hàng gia dụng… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nhóm hàng, hàng ngoại chiếm ưu thế.

Tại chợ Vườn Chuối, hỏi hơn mười sạp có bán quần áo lót, các sạp đều bán sản phẩm của Trung Quốc, Đài Loan, Nhật hoặc Hàn Quốc, chỉ có một sạp có hàng Việt Nam.

Ở chợ Bến Thành, bà Dương Thị Mai Lan, phó ban quản lý chợ Bến Thành, cho biết hiện các sạp quần áo may sẵn, hàng thủ công mỹ nghệ, thực phẩm công nghệ… đang bán 60 – 70% hàng Việt Nam. Riêng nhóm hàng túi xách thì hàng nhập lại chiếm áp đảo. Bà Mai Lan cho biết: ban quản lý chợ vận động tiểu thương bán hàng Việt Nam, nhưng thực tế hàng Việt ít mẫu mã, khách lại không chuộng nên họ khó bán hàng.

Còn tại chợ An Đông, các sạp bán giày dép thời trang luôn có hàng nội và hàng nhập, các sạp bán giày dép thể thao bằng vải, bằng simili hoặc giày bít cao gót nữ hầu hết đều chỉ có hàng nhập. Tại An Đông cũng chỉ có một sạp chuyên bán giày dép Asia (Việt Nam).

Tại chợ Tân Định, Rạch Ông, ngoại trừ dầu gội, sữa tắm, sữa dưỡng thể, kem đánh răng của các tập đoàn đa quốc gia sản xuất tại Việt Nam và một vài sản phẩm kem nghệ, kem lột nhẹ dưa leo – nha đam, keo lột mụn cám... của doanh nghiệp trong nước, các loại mỹ phẩm trang điểm và chăm sóc da đều là hàng ngoại.

Doanh nghiệp bó tay?

Có mặt tại quầy hàng của công ty Hoàng Minh Ngọc tham gia tuần lễ bán hàng Việt tại chợ Bến Thành vào chiều ngày 10.10.2011, phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị chứng kiến nhiều khách mua hàng đã săm soi từng chiếc ví da đang bày bán giá 200.000 đồng, so sánh với hàng Trung Quốc và cho rằng hàng Việt Nam đắt hơn. Đến khi chủ nhân quầy hàng, ông Nguyễn Văn Hạnh chứng minh chất lượng da thật bằng cách dùng hộp quẹt đốt, da vẫn không suy suyển và không hề có vết đen, trong khi nếu đốt trên sản phẩm Trung Quốc vốn làm từ nguyên liệu giả da sẽ để lại vết cháy và biến dạng bề mặt da. Thấy vậy, khách đồng ý mua ngay.

Hàng tốt là vậy, nhưng sản phẩm của công ty Hoàng Minh Ngọc vẫn chưa có mặt tại bất kỳ ngôi chợ hay cửa hàng nào tại TP.HCM. Ông Nguyễn Văn Hạnh nói: “Tôi muốn bán hàng ra chợ, bỏ mối cho cửa hàng, nhưng sợ công nợ chồng chéo, sợ vốn không đủ lớn cho người ta gối đầu…”

Chợ, cho đến nay vẫn phụ thuộc vào các chủ mua bán sỉ. Hình thức mua bán gối đầu, trả chậm, ứng hàng trước thu tiền sau… vẫn phổ biến. Ý niệm hàng Việt hay hàng nhập, với người bán hàng ở chợ dường như không mấy quan trọng, thị trường chuộng loại nào họ bán loại đó, và quan trọng nhất là bán hàng nào lời nhiều. Theo bà Lý, chủ sạp giày Asia ở chợ An Đông, lý do gần như các sạp bán sỉ ở An Đông không còn phân phối hàng nội là do: “Bán sỉ giày nội chỉ lời vài trăm đến tối đa 2.000 đồng một đôi, nếu so với bán hàng ngoại thì lãi chỉ bằng 1/10”.

Ngại rủi ro của hình thức mua bán này, nhiều doanh nghiệp lớn đã đầu tư vài chục đến vài trăm tỉ đồng xây dựng mạng lưới bán lẻ riêng ở siêu thị, đại lý, showroom, mạng lưới nhân viên tiếp thị giao hàng… nhưng bỏ trống kênh chợ. Từ đó hàng nhập có cơ hội tăng trưởng ở kênh bán lẻ vẫn đang chiếm đến hơn 70% thị trường bán lẻ Việt Nam. Ông Lương Vạn Vinh, chủ công ty Mỹ Hảo cho biết, dù chiếm chưa đến 5%/tổng doanh thu, nhưng ông vẫn không có ý định đầu tư mở rộng thêm mạng lưới bán hàng ở chợ mà chỉ phát triển mạng lưới bên ngoài.

“Rất khó thay đổi các mối quan hệ mua bán ở các chủ bán sỉ, phải có thời gian và sự đầu tư kiên trì”, ông Lưu Song Hùng, giám đốc kinh doanh công ty nhựa Chí Thành cho biết

Bích Thảo
SGTT
12/10/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Hàng nội chưa được "ưu tiên"?
      Từ khiếu nại nhỏ đến tội tống tiền?
      Co-branding - xu hướng kinh doanh mới
      Vị cứu tinh của đồng hồ Thụy Sỹ
      Nhân cách thương hiệu người tiêu dùng
      Thị trường bất động sản Hà Nội: Cung tăng, cầu chưa cải thiện
      Doanh nghiệp “trụ” lại 6 tháng cuối năm cách nào ?