Welcome
Cửa hàng tiện lợi: Lách giữa hai gọng kìm
Mô hình cửa hàng tiện lợi đã và đang phát huy lợi thế vì có mạng lưới phân phối khá rộng, đi sâu vào khu dân cư, chủng loại phong phú... Kênh bán lẻ này tiếp tục hứa hẹn nhiều kỳ vọng trong tương lai

Tiềm năng của thị trường bán lẻ Việt Nam tạo nên sức hấp dẫn khó cưỡng nổi nên đã lôi kéo hàng chục thương hiệu CHTL trong những năm gần đây, dù nhiều năm trước đó cũng có hàng chục thương hiệu CHTL biến mất. Thông qua các CHTL, các nhà phân phối nước ngoài đã chọn một cách đi khác an toàn hơn để bước vào thị trường bán lẻ Việt Nam.

Ngoại: Giờ G đã điểm

CHTL là kiểu mẫu kinh doanh thành đạt của nhiều tập đoàn lớn tại các nước phát triển nhờ thừa hưởng tính tiện nghi sạch sẽ của mô hình siêu thị kết hợp với tính tiện lợi của cửa hàng tạp hóa truyền thống.

Đầu tư vài trăm triệu đồng cho một CHTL, nhà đầu tư có thể thu hồi vốn nhanh, đồng thời có thể linh hoạt bán nhượng quyền. Dễ làm, dễ ăn nên cùng với sự ra đời của các siêu thị, trung tâm thương mại, các CHTL đã liên tiếp xuất hiện tại Việt Nam.

Năm 2006, hàng loạt các tên tuổi như Speedy, G7 Mart, Day - Night, Shop & Go... đã có mặt, nhắm vào những phân khúc khách hàng rất riêng biệt như: khách du lịch, chung cư, người nước ngoài...

Sau 2 năm im ắng, giữa năm 2009, chuỗi CHTL nổi tiếng của Mỹ Circle K hiện diện bằng hình thức nhượng quyền thương mại cho Công ty Vòng Tròn Đỏ.

Ngay trong tháng 6/2009, Vòng Tròn Đỏ đã đồng loạt khai trương 5 CHTL Circle K tại TP.HCM cung cấp các sản phẩm chính hiệu và đa dạng bao gồm: nước giải khát lạnh, bia, bánh kẹo, đồ ăn nhẹ, thẻ điện thoại, đồ ăn, đồ dùng chăm sóc cá nhân. Đến cuối năm 2009, đơn vị này đã phát triển đến 10 cửa hàng trong cả nước.

Nửa năm sau khi Circle K xuất hiện, hệ thống bán lẻ Family Mart của Nhật Bản cũng vào Việt Nam thông qua hình thức nhượng quyền cho tập đoàn Phú Thái. CHTL Family Mart đầu tiên đã khai trương vào tháng 1/2010 và hiện nay đã có 4 cửa hàng trong cả nước.

Mô hình CHTL Family Mart có nhiều ưu thế như bán thực phẩm ăn nhanh, đồ uống pha sẵn, cơm nắm, bánh bao, phục vụ 24/24h. Ngoài ra, tại Family Mart, khách hàng có thể mua được cả vé tàu, vé xe, vé xem phim và rút tiền...

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam nhận định, các nhà phân phối bán lẻ nước ngoài đang đầu tư vào Việt Nam bằng nhiều cách và dự báo khả năng này sẽ tiếp tục. Với số vốn nhỏ hơn, mô hình linh hoạt, CHTL được đánh giá là hình thức an toàn hơn so với đầu tư siêu thị hoặc trung tâm thương mại.

Cuối năm 2010, Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) đã vào Việt Nam thông qua liên kết với Tập đoàn Trung Nguyên. Trong tháng 12/2010, thương hiệu bán lẻ của tập đoàn này là Ministop đã thỏa thuận thành lập công ty liên doanh với chuỗi cửa hàng tiện lợi G7 Mart của Trung Nguyên. Tổng số vốn đầu tư trong giai đoạn 1 của G7 - Ministop là 10 triệu USD, trong đó, G7 Mart chiếm 75% cổ phần và Ministop đóng góp 25%.

Theo kế hoạch, sẽ ít nhất 100 cửa hàng G7-Ministop lần lượt khai trương trong năm 2011 và phát triển lên 500 cửa hàng trong vòng 5 năm. Mặc dù mô hình G7 Mart về cơ bản đã thất bại nhưng cũng như hệ thống cửa hàng và nhà cung cấp vẫn đủ sức hấp dẫn Aeon bỏ vốn, tiếp sức cho G7 Mart.

Cùng với xu hướng tâm lý tiêu dùng mới, phân khúc của các CHTL vẫn rất nhiều tiềm năng để đầu tư. Mỗi mô hình có một nhóm khách hàng và mặt hàng khá riêng biệt nên cũng giảm thiểu nguy cơ phải cạnh tranh gay gắt. Vì thế, dù được coi là “bùng nổ” nhưng thị trường vẫn tiếp tục đón nhận thêm các CHTL mới.

Mới đây, vào đầu tháng 7/2001, Tập đoàn E-Mart của Hàn Quốc đã hợp tác với Tập đoàn đầu tư U&I thành lập liên doanh. Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Tập đoàn đầu tư U&I, cho biết, liên doanh E-Mart có vốn đầu tư ban đầu là 80 triệu USD, với 80% vốn góp từ đối tác Hàn Quốc và 20% từ U&I.

Theo kế hoạch, E-Mart sẽ khai trương cửa hàng đầu tiên vào cuối năm 2012 ở Hà Nội và đến năm 2020 sẽ mở 52 điểm bán hàng với vốn đầu tư tăng lên 1 tỷ USD. Cũng kinh doanh bán lẻ tổng hợp, nhưng E-Mart tập trung nhiều với các mặt hàng thực phẩm và nông thủy sản tươi sống.

Nhiều thông tin cũng cho hay, CP All, công ty quản lý chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven tại Thái Lan, có kế hoạch bán hợp đồng nhượng quyền tại Việt Nam để mở một loạt cửa hàng 7-Eleven.

Nội: Không dễ nhường phần

Cùng với nhà đầu tư nước ngoài, DN trong nước cũng đầu tư mở rộng mạng lưới kinh doanh CHTL. Bà Nguyễn Thị Tuyết Hoa, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op, đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị Co.opMart và Co.op Food, cho biết, Saigon Co.op đã quyết định đầu tư cho mô hình này khi nhìn thấy tiềm năng lớn của thị trường TP.HCM.

Mục tiêu của Saigon Co.op thông qua Co.op Food là đáp ứng nhu cầu của những phụ nữ vừa đi làm, vừa kiêm việc nội trợ. Họ mua thực phẩm tươi sống trên đường đi làm về tại một nơi sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh - những yêu cầu mà hệ thống chợ, siêu thị hay các kênh bán lẻ hiện có chưa đáp ứng được.

Cửa hàng Co.op Food đầu tiên ở dạng thăm dò thị trường đã ra mắt vào cuối năm 2008. Từ đầu năm 2010 đến nay, với kinh nghiệm và nguồn lực sẵn có, đơn vị này đã tăng tốc mở rộng mạng lưới ra 21 điểm bán khắp nơi trong địa bàn thành phố. Lãnh đạo đơn vị này khẳng định diễn biến của thị trường hoàn toàn đúng với dự tính ban đầu.

Dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng thị trường bán lẻ 25% (năm 2010) và dự kiến đạt 88 tỷ USD vào năm 2012 (theo dự báo của AT Kearney). Năm 2010, Việt Nam đã có thêm 85 chợ, 86 siêu thị và 11 trung tâm thương mại. Song song đó là sự dịch chuyển xu hướng mua sắm theo hướng hiện đại của người tiêu dùng. Hình ảnh các siêu thị và trung tâm mua sắm đông nghẹt khách trong khi các chợ vắng ngắt trong những năm gần đây là một minh chứng cụ thể cho xu hướng này.

Kinh doanh lương thực nhưng nhận thấy tiềm năng thị trường, Công ty Lương thực Thành phố cũng đã tận dụng mặt bằng sẵn có để mở CHTL. Hiện nay, đơn vị đã xây dựng mạng lưới với 50 cửa hàng khắp các quận nội - ngoại thành.

Trong khi các thương hiệu khác đưa cửa hàng ra mặt tiền, ở những vị trí đẹp, thì Foocomart lại đi sâu vào các khu dân cư, bán các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm chế biến khô, đường, dầu ăn, bột ngọt, gia vị...

Năm 2011, mặc dù kinh tế khó khăn, nhưng Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) cũng đã đồng loạt khai trương 3 CHTL. Hệ thống này đặt mục tiêu sẽ mở 10 cửa hàng tại TP.HCM trong năm này.

Cũng trong thời gian này, một thương hiệu khác trong nước là chuỗi New Chợ của Công ty TNHH Bách Hoá Mới cũng đã chính thức cạnh tranh bằng 3 điểm mua sắm tại.TP.HCM. Bên cạnh đó, hệ thống cửa hàng của các thương hiệu Vissan, CP Mart, SagriFood... cũng liên tục gia tăng số lượng.

Dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng thị trường bán lẻ 25% (năm 2010) và dự kiến đạt 88 tỷ USD vào năm 2012 (theo dự báo của AT Kearney).

Năm 2010, Việt Nam đã có thêm 85 chợ, 86 siêu thị và 11 trung tâm thương mại. Song song đó là sự dịch chuyển xu hướng mua sắm theo hướng hiện đại của người tiêu dùng. Hình ảnh các siêu thị và trung tâm mua sắm đông nghẹt khách trong khi các chợ vắng ngắt trong những năm gần đây là một minh chứng cụ thể cho xu hướng này.

So kè hơn thua

Ông Nguyễn Trung Thẳng, Chủ tịch Masso Group, phân tích, trong ngành bán lẻ, yếu tố mạng lưới là rất quan trọng. Mô hình CHTL chủ yếu kinh doanh sự tiện lợi, mà nếu ít địa điểm thì không tiện lợi cho người tiêu dùng.

Hơn nữa, việc điều hành một mạng lưới bán lẻ các CHTL và điều hành một vài CHTL là giống nhau, nên việc có được quy mô mạng lưới sẽ giúp giảm chi phí cố định, quyền lực mua hàng... Hiện nay, mô hình CHTL đang có những điều kiện cơ bản để phát triển vì Việt Nam luôn nằm trong nhóm những thị trường bán lẻ hấp dẫn trên thế giới.

Thực tế, theo đại diện các DN, mô hình CHTL đã và đang phát huy lợi thế vì có mạng lưới phân phối khá rộng, đi sâu vào khu dân cư, chủng loại hàng phong phú... nên đã thu hút người tiêu dùng.

Bà Tuyết Hoa, cho biết, kết quả khảo sát mới đây của Co.op Food cho thấy hơn 80% người nội trợ tại TP.HCM lựa chọn mô hình này cho nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tươi sống hằng ngày. Vì vậy, Saigon Co.op đặt mục tiêu mở 30 cửa hàng Co.op Food vào cuối năm nay và tăng lên 150 cửa hàng vào năm 2015.

Hầu hết các DN đều cho rằng kênh bán lẻ này tiếp tục hứa hẹn nhiều kỳ vọng trong tương lai, nên phải đẩy mạnh mở rộng mạng lưới. Đại diện Satra khẳng định sẽ tập trung xây dựng chuỗi cửa hàng SatraFoods tại TP.HCM, đặt nền tảng cho việc phát triển SatraFoods tại các thành phố lớn trong tương lai.

Phú Thái tiếp tục khai trương mới để đạt 20 cửa hàng Family Mart tại TP.HCM trong năm 2011. Đây là bước chuẩn bị cho kế hoạch mở 300 cửa hàng Family Mart tại Việt Nam trong 5 năm tới.

Shop & Go dù đang sở hữu chuỗi CHTL lớn nhất ở TP.HCM với 55 điểm nhưng vẫn ráo riết tìm kiếm mặt bằng để mở thêm những điểm bán mới. Dự kiến đến cuối năm đơn vị này sẽ mở thêm 15 điểm mua sắm mới.

Circle K kỳ vọng mở 550 cửa hàng ở 20 tỉnh, thành trong nước và hiện nay, DN này đã đưa CHTL ra các tỉnh Bình Thuận, Vũng Tàu...

Đang trong quá trình xây dựng nhưng lãnh đạo E-Mart Việt Nam đã lập kế hoạch thiết lập hệ thống chuỗi 52 siêu thị, cửa hàng tại các đô thị lớn và tổng đầu tư sẽ tăng dần đến 1 tỷ USD

DNSG
22/08/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Vì sao hàng Việt Nam bị thu hồi tại Mỹ tăng?
      Tạo ra những cái nhìn mới từ các mẫu quảng cáo
      Thị trường bán lẻ Việt Nam 2012: Xoay sở đối phó với khó khăn
      Bốn điều không đổi trong xây dựng thương hiệu với các khách hàng cao cấp
      Doanh nghiệp nhập khẩu ô tô nhỏ đứng trước nguy cơ đóng cửa
      Phần vốn góp: Cam kết góp hay thực góp?
      Xuất hiện dấu hiệu mới của nền kinh tế