Welcome
Đơn hàng gửi đến doanh nghiệp
Không chỉ là những nhu cầu bức thiết từ phía người tiêu dùng gửi đến nhà sản xuất, nhiều trăn trở của những người yêu và tin hàng Việt mong muốn sản phẩm trong nước đổi mới, cạnh tranh hơn nữa để tiến xa hơn

ó là những cảm xúc đọng lại tại buổi giao lưu trao giải cuộc thi viết “Sản phẩm mới, dịch vụ mới tôi cần” giữa doanh nghiệp với bạn đọc ở tòa soạn báo Tuổi Trẻ sáng 19-8 do báo Tuổi Trẻ, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp và Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đồng tổ chức.

Đòi hỏi của người tiêu dùng

"Mỗi bài dự thi là một đơn đặt hàng gửi đến doanh nghiệp. Vấn đề là doanh nghiệp không chỉ tiếp thu mà biến những ý tưởng sản phẩm mới đó đi vào thực tiễn cuộc sống để hàng Việt lan tỏa và cạnh tranh hơn nữa"

ông PHẠM ĐỨC HẢI
(tổng biên tập báo Tuổi Trẻ)

200 bài dự thi cũng là 200 đơn đặt hàng của người tiêu dùng dành cho các doanh nghiệp trên mọi lĩnh vực, gợi mở những sản phẩm, dịch vụ phục vụ người tiêu dùng tốt hơn. Nhiều vị giám đốc, lãnh đạo các doanh nghiệp lớn như: Vinamilk, Việt Tiến, SJC, PNJ, Casumina, Vissan, Chí Thành, Sài Gòn Food... dù bận rộn nhưng vẫn tranh thủ thời gian đến để lắng nghe, hiểu thêm những đòi hỏi từ người tiêu dùng.

Chia sẻ những bực mình của bản thân trong quá trình nuôi con, bạn đọc Lê Thu Nga (Q.1, TP.HCM), tác giả đoạt giải nhì với cụm ba bài dự thi, trong đó bài “Túi sữa dùng liền dành cho em bé” được chị Nga lấy từ chính thực tế sống động của mình để đòi “Công ty Vinamilk phải nghĩ đến việc sản xuất ra túi sữa dành cho em bé nhằm giúp các bà mẹ không bị mất quá nhiều thời gian loay hoay với việc phải pha bao nhiêu muỗng sữa, bao nhiêu muỗng nước rất bất tiện!”.

Hay như bài đoạt giải nhất của tác giả Nguyễn Trường Vũ (Cao Lãnh, Đồng Tháp) với ý tưởng sản xuất bloc lịch “Hoàng Sa, Trường Sa và biển đảo Việt Nam”, ở đó mỗi tờ lịch sẽ là thông tin giới thiệu về các đảo, đặc biệt là các đảo hiện thuộc chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tác giả không chỉ dừng lại ở việc sản xuất ra một vật dụng cần có của mỗi nhà, mà xa hơn là gửi gắm ý nghĩa giáo dục lịch sử nước nhà, niềm tự hào về chủ quyền của Tổ quốc cho mỗi công dân Việt Nam.

Với tác giả Nguyễn Minh Hải (Q.3, TP.HCM), người đoạt giải nhì với bài dự thi “Nông dân cần hệ thống tưới tự động”, “đòi hỏi” của anh Hải xuất phát từ chính việc tưới tiêu của gia đình ở dưới quê không được thuận tiện. Nhiều người làm theo kinh nghiệm, ít khi được hướng dẫn bởi các chuyên gia, nhà khoa học. Điều này càng thôi thúc anh Hải nuôi ý tưởng trong đầu và chỉ “tìm được đúng nơi để nói lên điều mình tâm tư khi có cuộc thi”.

Mang đến cuộc thi ý tưởng mũ bảo hiểm thông minh, cô giáo Lương Thị Kim Hiền đến từ Tiền Giang chia sẻ chiếc mũ ra đời từ bức xúc trên đường đi làm hằng ngày phải chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông, chấn thương sọ não. Chị Hiền mong muốn có những chiếc mũ bảo hiểm gắn thiết bị báo cho người điều khiển xe máy về nồng độ cồn hay chạy quá tốc độ để hạn chế tai nạn giao thông.

Kho báu của doanh nghiệp

Phát biểu chia sẻ tại buổi trao giải, ông Nguyễn Quốc Khánh, giám đốc điều hành Vinamilk, khẳng định những gợi ý của chị Nga làm Vinamilk phải suy ngẫm. “Có thể Vinamilk sẽ khảo sát để cho ra những túi sản phẩm đóng gói có trọng lượng phù hợp nhu cầu của người dùng” - ông Khánh chia sẻ.

Còn ông Lưu Song Hùng, giám đốc kinh doanh Công ty nhựa Chí Thành, chia sẻ ý tưởng về một chiếc mũ bảo hiểm thông minh được doanh nghiệp ấp ủ từ lâu. Chí Thành đang nghiên cứu để cho ra những chiếc mũ bảo hiểm mà người sử dụng có thể gắn tai nghe bluetooth để khi di chuyển vẫn nghe điện thoại được. “Từ những ý tưởng của người tiêu dùng, chúng tôi mạnh dạn hơn trong đầu tư, cải tiến sản phẩm. Sắp tới chúng tôi sẽ cho ra những chiếc mũ bảo hiểm có lớp lót chức năng giống nệm hơi, tạo cảm giác thoải mái cho người đội” - ông Hùng nói.

TRẦN VŨ NGHI - NHƯ BÌNH

* Bà VŨ KIM HẠNH (chủ tịch Hội Doanh nghiệp HVNCLC):

Những nhu cầu thiết thực

Trực tiếp đọc những nhu cầu của bạn đọc, tôi thấy rằng toàn là những điều thiết thực, cần thiết chứ không hề là những nhu cầu mơ hồ hoặc ước muốn xa xôi viển vông. Cho nên nếu doanh nghiệp trong nước không đáp ứng kịp, để các doanh nghiệp nước ngoài “bắt nhịp” và đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng trong nước thì việc mất thị trường là điều chắc chắn. Đặc biệt, những đòi hỏi, bức xúc của người tiêu dùng không chỉ giúp doanh nghiệp cạnh tranh sát với nhu cầu tiêu dùng, mà còn đẩy doanh nghiệp cạnh tranh theo hướng mới là phát triển xu hướng tiêu dùng, ở đó trình độ của người tiêu dùng đã được nâng cao hơn trước rất nhiều.

* Ông LÊ VĂN TRÍ (phó tổng giám đốc Công ty Công nghiệp cao su Việt Nam - Casumina):

Chúng tôi phải nhìn lại

Không chỉ có bạn đọc, người tiêu dùng biết đòi hỏi và đặt yêu cầu cho nhà sản xuất, bản thân doanh nghiệp chúng tôi cũng thấy rằng chính mình phải biết đòi hỏi và đáp ứng được những nhu cầu của người tiêu dùng một cách chủ động hơn. Chẳng hạn vỏ xe không ruột của Casumina đã sản xuất từ rất lâu, nhưng đến nay vẫn có người tiêu dùng thắc mắc sao Casumina không có sản phẩm này? Rõ ràng đây là lỗi của chúng tôi đã không biết cách quảng bá thương hiệu, tiếp thị sản phẩm để đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng một cách tốt nhất.

Tuổi Trẻ
20/08/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Doanh nghiệp cần 'khám bệnh" định kỳ
      3D: Cách mạng hay trào lưu?
      120 doanh nghiệp đạt giải thưởng Thương hiệu mạnh Việt Nam 2009
      Vàng tăng giá trở lại sau hai phiên giảm
      Khẳng định một thương hiệu giày
      Hà Nội bố trí 120 xe buýt miễn phí trong dịp Đại lễ
      Việt Nam-ASEAN, 10 năm nhìn lại