Welcome
Chọn dịch vụ làm đẹp cần ký cam kết
Bà Mai Thị Nhung (quận Tân Phú, TP.HCM) mua gói dịch vụ làm thon eo, giảm mỡ bằng sóng siêu âm tại một thẩm mỹ viện với giá hơn 80 triệu đồng. Nhân viên ở đây quảng cáo chỉ làm một lần duy nhất, không đau… vòng eo sẽ giảm từ 8cm trở lên

Sau khi thực hiện, vòng eo bà Nhung giảm 1,5cm, chuyên viên làm dịch vụ giải thích: việc giảm mỡ sẽ theo cơ chế phóng thích tế bào mỡ ra dần dần, bà cần uống nhiều nước, vòng eo sẽ tiếp tục nhỏ lại. Sau một tháng làm đúng chỉ dẫn, vòng eo bà Nhung tăng thêm 1cm so với trước. Bà Nhung khiếu nại, nhân viên đổ lỗi do bà ăn uống không tiết chế làm tăng thêm lớp mỡ mới, còn lớp mỡ cũ họ đã loại bỏ rồi!

Không có chuẩn, nói kiểu nào cũng được!

Mỗi tuần trên các báo, tạp chí… có rất nhiều mẫu quảng cáo về dịch vụ liên quan đến sức khoẻ và sắc đẹp. Điều đáng nói là phần lớn các chuyên viên tư vấn ở những nơi này đều không có bằng cấp chuyên môn hoặc là bác sĩ chuyên khoa.

Lựa trong hàng chục điểm quảng cáo trị mụn, bà Nguyễn Thị Loan (quận 1) đã đến một thẩm mỹ viện gần nhà. Bà Loan kể: “Sau khi soi da, chủ thẩm mỹ viện cho biết chi phí 2 triệu đồng. Cô ta nói chắc như đinh đóng cột: một lần hết mụn vĩnh viễn”. Thế nhưng chỉ ba ngày sau, da mặt bà Loan nổi mụn chi chít, lại thêm nhiều mụn bọc. Chủ thẩm mỹ viện nói tỉnh bơ: “Tại chị không chịu kiêng chất béo, chất ngọt. Mua bộ mỹ phẩm trị mụn thoa thì mụn không tái phát nữa”. Bộ mỹ phẩm có giá 12 triệu đồng, bà Loan cân nhắc thiệt hơn, không dám mua và ra về.

Trường hợp khác, theo lời kể của một chủ thẩm mỹ viện ở quận 1 (đề nghị không nêu tên): Có một nữ khách hàng đã từng phẫu thuật sửa mũi cách đây bảy năm, nay quay lại đòi bồi thường vì cho rằng mũi bị nhiễm trùng, sưng đỏ. Vốn là bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng, bà đã giải thích mũi sưng đỏ có thể do đang bị nổi nhọt hay viêm mũi… Cuối cùng không chịu nổi cách bà khách này mỗi ngày đến trước thẩm mỹ viện nói lớn tiếng, gây ồn ào, vị bác sĩ nêu trên đành chấp nhận trả tiền “mua lấy sự yên ổn”.

Phải ký cam kết để không bị thiệt

Theo ông Ngô Bách Phong, phó chủ tịch hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM: Đa phần người tiêu dùng khiếu kiện về mỹ phẩm và các dịch vụ làm đẹp là đã không làm họ đẹp hơn như đã quảng cáo.

Bà Nhung, bà Loan là một trong số các nạn nhân của chiêu thức quảng cáo thổi phồng sự thật. Ngược lại, đôi khi chủ thẩm mỹ viện lại là nạn nhân của khách hàng muốn tìm cách vòi tiền. Ở phía nào thì họ cũng đều chịu thiệt, vì dịch vụ làm đẹp hiện nay không có những điều khoản/tiêu chuẩn rõ ràng.

Bà Nhung từng có ý định kiện thẩm mỹ viện vì kết quả bà nhận được không đúng như quảng cáo, nhưng sau khi gặp luật sư tư vấn, đành thôi. Trao đổi với phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị, bà Nhung cho biết: “Kiểu gì họ cũng từ chối trách nhiệm. Khách chỉ có duy nhất hoá đơn thanh toán, không có hợp đồng cam kết trách nhiệm, nên muốn kiện họ phải chứng minh họ đã nói sai sự thật và gây thiệt hại cho mình”. Ông Phạm Xuân Khiêm – bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ – cho biết : “Để tránh rắc rối, các thẩm mỹ viện nên xây dựng bảng kết quả đạt được để thông báo trước cho khách hàng. Ví dụ như độ cao thích hợp khi nâng mũi, nâng ngực, nâng mông...”

Tham khảo ý kiến của một số khách hàng và chủ thẩm mỹ viện, đôi bên đều cho rằng việc ký cam kết giữa nhà cung cấp dịch vụ và người mua dịch vụ là cần thiết. Trong đó nêu rõ dịch vụ sẽ thực hiện, kết quả sau khi thực hiện, những điều khoản lưu ý… Cam kết này nhằm bảo vệ cho người tiêu dùng, đồng thời bảo vệ thẩm mỹ viện trước những sự cố phát sinh ngoài ý muốn.

Thế nhưng điều này vẫn chưa phổ biến. Hiện nay, theo tìm hiểu của phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, mới chỉ có khoảng ba thẩm mỹ viện tại TP.HCM bắt đầu ký cam kết với khách hàng trong một vài dịch vụ mà họ kiểm soát được chất lượng. Người tiêu dùng vẫn chưa có thói quen đòi nơi cung cấp dịch vụ phải ký cam kết.

Bích Thảo

Theo luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2011

Điều 8. Quyền của người tiêu dùng: yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hoá, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.

Điều 23. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hoá có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người tiêu dùng, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật.

Bích Thảo
SGTT
12/08/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Những cách phân khúc thị trường ít tốn kém
      Chi phí đầu vào ăn hết lợi nhuận
      1001 cách quảng bá thương hiệu
      “Đại gia” viễn thông Nhật đầu tư vào Việt Nam
      Nhận diện những thách thức mới
      Biến tướng với dịch vụ “mua chung” trên Internet
      DaiABank sắp phát hành 1.500 tỷ đồng giấy tờ có giá dài hạn