Welcome
Ít mẫu giày dép trẻ em “made in Việt Nam”
Bà Trần Thị Kim Ngân (quận Tân Bình, TP.HCM) phản ánh với báo Sài Gòn Tiếp Thị: “Sắm sửa cho con trước năm học mới, tôi vào cả chục tiệm bán giày dép trẻ em gần nhà, nhưng chỗ nào cũng bán giày dép Trung Quốc. Tôi muốn ủng hộ hàng Việt Nam, nhưng không có sản phẩm để mua. Sao mà khó mua giày dép Việt Nam đến thế?”

Thị trường giày dép cho trẻ em đang bước vào mùa cao điểm tiêu thụ với sức mua tăng gấp ba đến bốn lần tháng trước. Thế nhưng, thực trạng hàng nội ít mẫu giày dép trẻ em đã diễn ra từ năm năm trước, đến nay vẫn chưa cải thiện.

Khó tìm mua hàng nội

Bà Kim Ngân cũng dắt con vào trung tâm thương mại Maximark, nơi có cả chục quầy giày dép trưng bày đẹp và bắt mắt với cả ngàn đôi, từ giày thể thao bằng nhựa mềm, giày bít gót đính nơ, sandal vải kiểu bụi… với giá trên 200.000 đồng/đôi, nhưng tất cả đều là hàng Trung Quốc. Người bán đảm bảo chất lượng bền, tốt, nhưng không bảo hành. Vì muốn mua giày dép Việt Nam rẻ, bền và được bảo hành, bà Ngân đi từng quầy hỏi “Có đôi nào là hàng Việt Nam?” – đều chỉ nhận được cái lắc đầu.

Tại một cửa hàng chuyên bán giày dép trẻ em trên đường Nguyễn Trãi (quận 1, TP.HCM), không khó để nhận ra sự “lép vế” của hàng nội. Ở đây chỉ có một tủ kính nhỏ trưng bày khoảng 50 kiểu giày trẻ em mang nhãn Biti’s, Bita’s, Asia, Tiến, Phương… Trong đó, có những đôi giày nội tem nhãn đã ố vàng vì ế ẩm. Còn giày dép Trung Quốc chất đầy trong ba tủ kính lớn với khoảng 300 mẫu, đủ các loại từ sandal, giày vải, giày thể thao, giày bít gót hở mũi, giày búp bê, giày rọ… sáng rực rỡ nhờ các tông màu hồng, trắng, cam, đỏ, tím. Người bán hàng cho biết: “Giày dép Việt Nam chỉ có sandal và vài kiểu giày thể thao mẫu na ná năm ngoái. Muốn chọn giày mới, lạ phải mua hàng Trung Quốc”.

Đến cửa hàng giày dép Biti’s trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), mẫu mới cho trẻ em vẫn là sandal, dép xốp Eva và không có giày búp bê, giày bít gót, giày thời trang dành cho bé gái. Trong khi đó, tại trung tâm thương mại An Đông Plaza, các quầy giày dép trẻ em có hàng trăm mẫu mới, xuất xứ từ Trung Quốc chiếm hơn 95%. Tại sạp T.A, hàng nội chỉ có chưa đến mười mẫu trong số hơn 200 mẫu đang bày bán. Chỉ khi chủ sạp lôi từng mẫu ra thì khách mới biết là hàng nội, vì trên sản phẩm chỉ in những chữ như Papt, Ailin, Tino… giá rẻ hơn hàng Trung Quốc khoảng 20%, nhưng kiểu quai và hoạ tiết trang trí đơn giản hơn.

Đối với sản phẩm giày dép dành cho trẻ em, có vẻ như các nhà sản xuất trong nước đang dừng lại ở kiểu sandal, dép xốp Eva, sandal quai da đế nhựa và một vài mẫu giày thể thao, giá từ 60.000 – 180.000 đồng/đôi. Muốn hàng thời trang, kiểu và chất liệu đa dạng phải chọn hàng Trung Quốc, giá từ 120.000 đến trên 200.000 đồng/đôi.

Ngó lơ thị trường nội địa?

Anh Trần Hoàng Nguyên, phụ trách tiếp thị công ty giày An Lạc cho biết, đến cuối tháng 7 này công ty sẽ đưa ra thị trường khoảng mười mẫu mới dành cho mùa tựu trường của học sinh. “Do đơn hàng xuất khẩu dày đặc, nên hàng cho nội địa bị chậm lại”, anh Nguyên nói.

Theo một vị đại diện công ty giày Asia, lý do đơn vị này không đầu tư nhiều khuôn mẫu mới cho giày dép trẻ em vì nguyên liệu tăng giá quá cao, làm giày dép cho trẻ em cũng cực công như làm giày dép cho người lớn, nhưng không thể bán gần bằng giá hàng người lớn. Ngoài ra, vị này thừa nhận, thật khó cạnh tranh với sự đa dạng mẫu mã giày trẻ em của Trung Quốc.

Một nhà phân phối giày Asia tại TP.HCM phân tích rõ hơn việc hàng Trung Quốc đang chiếm lĩnh thị trường là do: giày dép công ty Việt Nam có giá sỉ – giá lẻ cụ thể cho từng mẫu, người bán không thể đẩy lên quá cao được. Trong khi đó hàng Trung Quốc về mẫu mới hàng tuần, mỗi mẫu có số lượng nhất định, người bán có thể tuỳ ý nâng giá bán lẻ lên cao nếu mẫu đó được khách chuộng, lãi cao hơn.

Bà Trang, chủ tiệm bán sỉ và lẻ giày dép trẻ em tại quận 5 nói: “Vào mùa hè, giày dép trẻ em của mỗi công ty Việt Nam chỉ có từ 10 – 30 mẫu, muốn mua hàng phải đến tận nơi trả tiền mới được nhận hàng. Còn Trung Quốc nhập về chợ cả trăm mẫu mới mỗi tuần, hàng được mang đến tận nơi cho mình xem mẫu, chọn kiểu, lại được giao hàng trước, trả tiền sau…”

Xem ra, yêu hàng Việt, cũng đâu dễ tìm ra hàng để mua?

Bích Thảo
SGTT
15/07/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Nhựa Bình Minh – Thương hiệu trong thời hội nhập
      SCTV bị đòi hơn 4,8 tỉ đồng tiền bản quyền
      Pháp luật "tiếp tay" đô la hóa
      Thất bại của hệ thống G7 mart: Nhiều đối đầu, ít kết nối
      Xây dựng cộng đồng khách hàng “chiến lược toàn diện”
      Ba mô hình xây dựng chiến lược
      Giá vàng lên trên mốc 2,6 triệu đồng/chỉ