Welcome
Kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng: Kỳ vọng và thử thách?
“ Đầu tư xây dựng một khu resort cũng như người họa sỹ vẽ nên bức tranh”, đó là cách mà chị Nguyễn Vân Hương, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Tân Phú lựa chọn để nói về thương vụ thuê thương hiệu Ana Mandara

Chị Nguyễn Vân Phương - TGĐ Công ty cổ phần du lịch Tân Phú:
“Chúng tôi tự tin dù thị trường thế nào vẫn có thể tìm ra cách để phát triển”

Khi tôi gặp chị Vân Hương, Ana Mandara Ninh Bình đã qua giai đoạn “soft opening” được khoảng hai tháng và đang chuẩn bị cho ngày khai trương chính thức vào tháng 8 này. Câu chuyện không như dự tính ban đầu về chủ đề nhượng quyền thương hiệu khu du lịch nghỉ dưỡng mà rẽ theo những lo toan của người chủ đầu tư đối diện.

- Mới đây, sự kiện lần đầu tiên một công ty trong nước mua lại chuỗi khách sạn Victoria cho thấy, sẽ còn có nhiều vụ mua bán nữa tiếp theo trong ngành công nghiệp khách sạn. Vì sao Tân Phú lại tiên phong thuê thương hiệu nghỉ dưỡng?

Chúng tôi lựa chọn thương hiệu Ana Mandara vì đây là một thương hiệu resort có tiếng tại Việt Nam. Ana Mandara trong tiếng Chăm có nghĩa “Ngôi nhà đẹp”. Đến nay, ngôi nhà đẹp này đã trở nên thương hiệu nghỉ dưỡng hàng đầu tại Việt Nam. Ana Mandara cũng có được kênh bán hàng rất tốt ra thị trường quốc tế. Khi lựa chọn thuê thương hiệu và xây dựng nên Ana Mandara Ninh Bình, chúng tôi mong muốn mở rộng hoạt động của Ana Mandara tại miền Bắc và dành tâm huyết, sức lực đầu tư để phát triển thương hiệu thật tốt. Thị trường du lịch nghỉ dưỡng của Việt Nam còn nhiều tiềm năng, không chỉ có M&A mà việc thuê thương hiệu cũng là phương án đầu tư hấp dẫn.

- Trị giá của hợp đồng thuê thương hiệu này là bao nhiêu, thưa chị? Quy mô đầu tư của Tân Phú vào khu Ana Mandara Ninh Bình như thế nào? Và thời điểm nào có thể đạt mức hòa vốn?

Mức phí thuê thương hiệu được tính dựa trên doanh thu của khu nghỉ. Tân Phú đầu tư hơn 300 tỷ đồng vào dự án này. Khu nghỉ Ana Mandara Ninh Bình có qui mô hơn 16ha, nằm tại Gia Vân, Gia Viễn, Ninh Bình trong khu quần thể du lịch sinh thái Vân Long. Khu nghỉ gồm 52 nhà villa, 172 phòng các loại, khu tiền sảnh, hội nghị, khu nhà hàng ẩm thực, khu spa & gym, hồ bơi… Đi vào xây dựng từ tháng 12/2008, đến nay Ana Mandara đã nên hình hài và sẵn sàng đi vào hoạt động. Tuy xác định triển vọng kinh doanh hứa hẹn, nhưng chúng tôi cũng xây dựng phương án kinh doanh thận trọng, 7 năm để đạt điểm hòa vốn là mục tiêu không quá chủ quan, phải không?

- Khi thuê thương hiệu Ana Mandara, hẳn nhiên Tân Phú có lợi thế khai thác “sự sẵn có” của thương hiệu, nhưng mặt khác lại chịu áp lực không nhỏ về việc làm sao phải có được chất lượng tương xứng. Tân Phú chịu “nhiệt” thế nào thưa chị?

Khi thuê thương hiệu chúng tôi phải đảm bảo chất lượng 5 sao cho khu resort. Bản thân Tân Phú cũng thấy sự cần thiết phải phát triển thương hiệu Ana Mandara mạnh mẽ cả trong nước và quốc tế, có nghĩa là chất lượng phải tương xứng để đảm bảo cho sự bền vững của thương hiệu. Ở Việt Nam chưa có những tiêu chuẩn cụ thể cho các khu nghỉ để được gọi là resort. Vậy nên mới có thời bùng phát các khu du lịch sinh thái với xuất phát điểm cứ có nhà nghỉ, vườn cây, hồ nước, bể bơi thì được gọi là resort…

Ngay từ đầu, Tân Phú xác định cần tạo dựng nên một khu resort theo đúng nghĩa của nó bao gồm môi trường cảnh quan kết hợp với yếu tố văn hóa và quan trọng nhất là chất lượng dịch vụ. Muốn tạo được dấu ấn cần phải có đam mê, kiến thức, chứ không phải cứ có tiền đầu tư là đủ. Tạo nên một khu nghỉ dưỡng đẳng cấp cũng như một họa sĩ tạo vẽ bức tranh, còn nhận xét bức tranh ấy lại là quyền của người xem tranh. Chúng tôi sẵn lòng “chịu nhiệt” để lắng nghe phản hồi của du khách, bởi chỉ có sự kiên trì, quyết tâm và cầu tiến mới có thể làm tròn được tâm nguyện của mình.

- Vậy thì đâu là nét đặc biệt mà Tân Phú muốn tạo dựng?

Mỗi khu trong hệ thống Ana Mandara có một phong cách riêng, gắn với đặc trưng vùng miền nào đó. Là khu nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn 5 sao đầu tiên tại Ninh Bình cũng như  khu nghỉ dưỡng lớn nhất miền Bắc hiện nay, Ana Mandara Ninh Bình tái hiện một làng quê Bắc Bộ với nhà ngói, cây mít, với chuối vườn sau, cau vườn trước, và thấp thoáng đâu đó là cây đa bến nước gợi lại cảnh làng quê thanh bình. Điểm đặc biệt trong kiến trúc của Ana Mandara Ninh Bình chính là các villa tại đây đều được thiết kế theo phong cách đồng bằng Bắc Bộ cổ: trát đất, mái nhà lợp bằng ngói mũi hài, khung sườn nhà bằng gỗ. Chính sự kết hợp khéo léo giữa phong cách hiện đại và truyền thống, khiến cho du khách cảm nhận được sự giao hòa cùng với thiên nhiên.

Kinh doanh nghỉ dưỡng chưa bao giờ đơn giản. Kinh tế khó khăn, cần điều chỉnh lại mức lợi nhuận kỳ vọng, không thể như mức của 7-8 năm trước

Chúng tôi chọn lựa Ninh Bình để đầu tư vì đây là vùng đất “Sơn thanh thủy tú”, được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng và tại đây có nhiều di tích lịch sử văn hoá lâu đời. Vì thế, điều chúng tôi mang lại cho du khách là sự kết hợp hài hòa 3 hình thức du lịch: tâm linh, sinh thái và nghỉ dưỡng. Ana Mandara Ninh Bình liên kết với các đối tác để tạo nên những tour phong phú như cắm trại, picnic thưởng ngoạn thiên nhiên, tham quan nhà dân địa phương và thưởng thức các món ăn đặc trưng tại đây. Chú trọng đến yếu tố văn hóa như một điểm khác biệt để thu hút du khách trở lại, chúng tôi đang tạo nên một khu sinh hoạt văn hóa dân gian tái tạo lại đời sống người dân Bắc Bộ thật sinh động. Một điểm nữa, Ana Mandara Ninh Bình hướng đến loại hình du lịch MICE và đây là resort duy nhất có phòng hội nghị hội thảo đẳng cấp 5 sao.

- Việc thuê một đối tác có tên tuổi vận hành, khai thác khu resort, điều đó là đúng thông lệ hay sự chưa đủ tự tin của chủ đầu tư, thưa chị?

Chúng tôi lựa chọn Công ty Khách Sạn Tuyển Tập Đông Dương làm đối tác vận hành khu nghỉ bởi đây là nhà tư vấn chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam về lĩnh vực quản lý khách sạn và các khu nghỉ dưỡng cao cấp. Sự hợp tác này là cần thiết và cũng thể hiện sự chuyên nghiệp để tạo nên những kế hoạch tài chính và kinh doanh tốt nhất cho dự án Ana Mandara Ninh Bình.

- Chị cảm nhận thế nào về triển vọng đầu tư của thị trường khu nghỉ dưỡng?

Kinh doanh nghỉ dưỡng chưa bao giờ đơn giản, kể cả khi thị trường ở giai đoạn phát triển cao trào đi nữa. Nhưng nếu biết cách làm thì vẫn có lối ra. Giờ đây kinh tế toàn cầu còn nhiều khó khăn, chúng ta cần phải điều chỉnh lại mức lợi nhuận kỳ vọng, không thể như mức đỉnh của 7-8 năm về trước nữa. Vì sao, tại Bali, Indonesia dù san sát các resort mà có những khu nghỉ vẫn bán phòng với mức giá 500-1200 USD/ngày-đêm? Đó là vì họ có cách làm chuyên nghiệp, thu hút khách bằng việc giữ chất lượng dịch vụ và tạo nên đặc trưng riêng. Đây cũng là con đường mà Tân Phú xác định theo đuổi lâu dài. Chúng tôi chuẩn bị tâm sức cho chặng đường đạt đến sự khác biệt đó!

- Theo chị, liệu thị trường du lịch nghỉ dưỡng có thể nở rộ hình thức nhượng quyền thương hiệu?

Theo tôi biết, trên thế giới, những thương hiệu khách sạn nổi tiếng đều không franchise thương hiệu vì họ muốn đảm bảo chất lượng và uy tín. Ở Việt Nam, môi trường pháp lý cho hoạt động franchise còn chưa được xây dựng nên sẽ rất khó có những hoạt động này nảy nở. Cách thông thường mà các doanh nghiệp có thể thực hiện là hình thức M&A hoặc thuê thương hiệu như cách mà Tân Phú tiến hành. Tân Phú là doanh nghiệp trong nước đầu tiên thử sức theo hình thức kinh doanh này. Chúng tôi tự tin dù thị trường thế nào thì chúng tôi cũng có thể tìm ra cách để phát triển.

- Xin cảm ơn chị!

Sơn Minh
16/06/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Hãng ôtô Trung Quốc mua lại thương hiệu xe Volvo
      Điện thoại thương hiệu Việt: Nhiều hãng phải rời cuộc chơi
      Cạnh tranh bằng vốn tri thức
      Bao bì - Hồn của sản phẩm.
      Trở lại với sữa nhãn hiệu Việt Nam
      96 ngân hàng của Mỹ ngừng hoạt động
      Trung Quốc tranh mua nông sản, doanh nghiệp Việt Nam lo sợ