Welcome
Bán lẻ nội địa: cần những “ông lớn”
Theo xu hướng, kênh bán lẻ hiện đại đang tăng trưởng mạnh mẽ với sự phát triển của các thương hiệu hàng đầu thị trường như Metro, BigC, Saigon Co-op

Xây dựng một hệ thống bán lẻ để mang tới tiện ích cho người tiêu dùng và có những doanh nghiệp đủ mạnh để dẫn dắt thị trường là điều được bàn luận kỹ trong chiến lược phát triển dịch vụ thương mại bán lẻ ở Việt Nam.

Từ dòng chảy cà chua

Một nghiên cứu về dòng chảy của cà chua trên thị trường TP.HCM được công ty Cadilhon thực hiện đã cho thấy một bức tranh tương đối toàn cảnh về thị trường bán lẻ tại Việt Nam. Cà chua được nhà sản xuất thu hoạch, được tiêu thụ tại hai siêu thị Metro chiếm 1,4% doanh số, 16 siêu thị khác chiếm 0,6% doanh số, còn lại 144 nhà bán buôn tiêu thụ 98% doanh số. Trong số 98% doanh số được tiêu thụ qua các nhà bán buôn thì chủ yếu là hệ thống bán rong và khoảng 1.600 nhà bán lẻ cố định.

Điều này cho thấy kênh bán hàng truyền thống vẫn đặc biệt quan trọng với những mặt hàng tiêu dùng hàng ngày như thực phẩm, đồ gia dụng. Tuy nhiên, theo xu hướng, kênh bán lẻ hiện đại đang tăng trưởng mạnh mẽ với sự phát triển của các thương hiệu hàng đầu thị trường như Metro, BigC, Saigon Co-op…Thị trường Việt Nam sẽ không chỉ đón các nhà bán lẻ quốc tế mà thậm chí các nhà sản xuất quốc tế cũng có thể trực tiếp thiết lập hoạt động kinh doanh thông qua các đối tác nội địa.

Nhưng trong thực tế tại thị trường bán lẻ Việt Nam, dù thiếu vắng những nhà bán lẻ hàng đầu thế giới như Wal-Mart, Tesco hay Carrefour… nhưng các nhà bán lẻ nội địa vẫn có vai trò rất mờ nhạt và thiếu những “ông lớn”. Nghiên cứu về dòng chảy cà chua cho thấy điều đó. Trong khi đó tại một số nước như lân cận như Indonesia hay Trung Quốc, 4 nhà bán lẻ chiếm doanh số lớn nhất lại thuộc về các công ty nội địa, cho dù Wal-Mart đã vào Trung Quốc hay Carrefour đã vào Indonesia.

Cào bằng hay ưu đãi?

Từ góc nhìn của một chuyên gia marketing, ông Ngô Trọng Thanh, giám đốc điều hành công ty Mancom đề xuất chương trình hành động của chính phủ nhằm phát triển thương mại bán lẻ của Việt Nam giai đoạn 2011- 2020, đó là cần xác định những ưu tiên phát triển và khuyến khích các doanh nghiệp lớn đóng vai trò tiên phong. “Qua thành công của công ty Phú Thái với mô hình nhà phân phối hoặc Saigon Co-op với hệ thống siêu thị cho thấy hiệu quả của nhà bán lẻ với quy mô lớn”, ông Thanh nói. Bởi vậy cần định hướng cho các doanh nghiệp lớn tham gia vào hệ thống chuỗi cửa hàng tiện lợi, chuỗi cửa hàng thực phẩm dân sinh, các trung tâm kinh doanh hàng thực phẩm nông sản…

Tuy nhiên, bà Lê Việt Nga, phó vụ trưởng vụ Thị trường trong nước thuộc bộ Công Thương cho rằng bộ này đang xây dựng một chương trình phát triển kênh phân phối bán lẻ, trong đó điểm cơ bản nhất là tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp cùng tiếp cận. “Ưu tiên cho các doanh nghiệp lớn có đi ngược lại các nguyên tắc WTO và không tạo môi trường bình đẳng không?” bà Nga hỏi.

Theo ông Thanh, câu hỏi đó cần được các chuyên gia về chính sách trả lời, nhưng đứng dưới góc độ một chuyên gia về marketing, việc hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ không hoàn toàn là việc hỗ trợ bằng các chính sách ưu đãi hay chi phí. “Wal-Mart với khẩu hiệu “giá rẻ mỗi ngày” sẽ không thể thành công nếu không có trình độ bậc thầy về quản lý hàng tồn kho và chuỗi cung ứng. Hỗ trợ các doanh nghiệp về công cụ quản lý và đào tạo nhân lực là một giải pháp tốt”, ông Thanh nói.

 “Nếu tất cả các doanh nghiệp bán lẻ nội địa đều đều như những quả trứng thì sẽ rất dễ dàng bị dẫm bẹp khi có một đại gia bán lẻ nước ngoài mở rộng ảnh hưởng. Bài học kinh nghiệm từ nhiều nước cho thấy điều đó”, ông Thanh khẳng định

SGTT
02/06/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Smartlink và VNBC mở rộng kết nối liên thông
      Doanh nghiệp chọn dịch vụ nào thời "bão" giá?
      200 tỷ đồng xây Nhà máy sản xuất máy phát điện, nông ngư cơ tại KCN Bắc Chu Lai
      USD lại rơi về sát mức 19.000 đồng
      Định giá thương hiệu
      Intel cảnh báo sụt giảm về doanh số
      Lacoste: Để đàn ông thực sự là đàn ông