Welcome
Phí ATM: Những gánh nặng không đáng có và lời giải
Gần đây, việc các ngân hàng dưới sự chủ trì của hội Thẻ cùng nhau bàn luận và đồng thuận sẽ tăng biểu phí rút tiền từ máy ATM liên mạng từ 3.300 đồng lên 5.500/lần và xem xét thu phí đối với việc rút tiền nội mạng gây ra nhiều tranh luận, kể cả tranh luận đó là việc nội bộ của các ngân hàng hay cần có sự can thiệp của ngân hàng Nhà nước với tư cách cơ quan quản lý

Lập luận từ phía các ngân hàng là phải tăng thu để bù chi phí đầu tư: mua máy móc, bảo trì, tiếp quỹ, tồn quỹ… Phía người tiêu dùng cho rằng ngân hàng đã được nhiều khoản lợi từ dịch vụ ATM: phí phát hành, phí thường niên (có ngân hàng không thu), phí từ đơn vị trả lương qua thẻ, được lãi suất qua đêm từ lượng tiền lương chuyển qua thẻ, huy động lãi suất không kỳ hạn lượng tiền có trong thẻ của khách...

Giá cả dịch vụ đó (phí) là kết quả thoả thuận (lựa chọn) giữa người bán và mua. Nếu giá cả phát sinh “giữa đường” như bây giờ (đối với phí rút tiền nội mạng) hay tăng lên (phí rút tiền liên mạng) thì cũng có thể thoả thuận lại trên nguyên tắc thuận mua vừa bán, nếu phí cao quá thì khách thôi không sử dụng nữa để tìm nhà cung cấp khác (dù cũng có bất tiện vì đã quen với một số thẻ nào đó). Nhưng…

Có phải các ngân hàng thoả thuận ấn định giá?

Quyền lựa chọn thuận mua vừa bán của khách hàng chỉ có thể diễn ra trong một môi trường có nhiều nhà cung cấp dịch vụ và có sự cạnh tranh lẫn nhau giữa họ (về giá). Cần làm rõ tính chất của cuộc họp giữa các ngân hàng với nhau bàn về việc tăng phí, liệu đó có là hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh mà luật Cạnh tranh cấm (luật cấm các bên có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan từ 30% trở lên tham gia thoả thuận ấn định giá).

Nếu không đảm bảo được môi trường cạnh tranh thì Nhà nước (cục Quản lý cạnh tranh? Ngân hàng Nhà nước?) phải có sự can thiệp để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Không thể bắt người “bị” nhận lương qua thẻ trả phí

Hiện nay, theo sự vận động của nhiều ngân hàng thương mại, mục tiêu của ngân hàng Nhà nước về thanh toán không dùng tiền mặt, các cơ quan nhà nước và nhiều đơn vị sử dụng lao động khu vực dân doanh trả lương cho nhân viên qua thẻ ATM. Không thể bắt những người nhận lương này trả phí “rút lương” của họ vì vừa vô lý vừa tạo gánh nặng không đáng có trong điều kiện thu nhập thấp, lạm phát cao. Hiện các đơn vị trả lương đã trả cho ngân hàng một khoản phí, nếu ng ân hàng thấy vẫn chưa đủ bù đắp chi phí cho mình thì phải thoả thuận với đơn vị trả lương để họ trả thêm. Việc này có thể có sự tham gia của bên thứ ba là ngân hàng Nhà nước nếu giao dịch giữa hai bên có sự lồng ghép với mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt.

Công khai minh bạch thông tin để thuyết phục khách hàng

Các ngân hàng cần công khai minh bạch lợi ích và chi phí của dịch vụ ATM. Nếu không, những tranh cãi về lợi – thiệt giữa hai bên cũng như phí bao nhiêu là hợp lý sẽ không bao giờ dứt. Các ngân hàng khác nhau sẽ khác nhau về chi phí, chất lượng dịch vụ. Vì vậy, sẽ có mức phí khác nhau. Khách hàng (người sử dụng lao động và cá nhân khác) trên cơ sở đó có thể lựa chọn.

Vì lợi ích mà ngân hàng nhận được có nhiều khoản “vô hình” như thương hiệu nên việc thu phí chỉ nên đặt ra với mục đích bù đắp chi phí hoạt động chứ chưa phải để thu hồi vốn đầu tư.

Nghiên cứu để khoa học hơn trong tính phí

Viêc tính phí hiện nay đang được tính trên số lần rút tiền chứ không phải trên số tiền được rút ra. Trong khi đó, các ngân hàng lại đang quy định số tiền tối đa khách hàng có thể rút trong mỗi lần. Hạn mức này tương đối cố định so với biến động của lạm phát. Nên chăng nghiên cứu để tính phí trên cơ sở kết hợp nào đó giữa số lần rút và số tiền rút.

Có ý kiến đề nghị rằng việc thu phí chỉ nên đặt ra với các giao dịch rút tiền phát sinh sau giờ hành chính và trong ngày nghỉ, ngày lễ như ở Nhật Bản vì chi phí của các giao dịch trong giờ là chi phí mà ngân hàng đáng ra phải trả nếu khách rút tiền trong hệ thống ngân hàng thay vì qua máy ATM.

Ngoài ra, mức phí thế nào cũng nên có lộ trình cụ thể để khách hàng quen dần

Kiều Thanh
SGTT
16/05/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Xe ga tầm trung "cháy hàng" thời lạm phát
      Doanh nghiệp Thái Lan tính đầu tư mạnh vào Việt Nam
      Cẩn trọng vi phạm hợp đồng
      Miễn thuế NK thiết bị phục vụ hoạt động bảo vệ môi trường
      Brand Experience: Trải nghiệm thương hiệu
      Diet Coke nhắm đến thế hệ khách hàng kế tiếp
      Tạo “thương hiệu nguồn nhân lực” để giữ nhân viên