Welcome
Mênh mông thị trường Mông Cổ
Với diện tích 1,5 triệu km2 và nhiều tiềm năng về tài nguyên khoáng sản, Mông Cổ đang nỗ lực đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài để trở thành một “con hổ” mới của kinh tế châu Á trong thập kỷ tới.

Kể từ khi bắt đầu công cuộc cải cách kinh tế và chính trị năm 1990, Mông Cổ tuyên bố chính sách mở cửa dành cho quốc gia khác và đã thực hiện chính sách để khuyến khích đầu tư nước ngoài. Luật đầu tư nước ngoài có hiệu lực năm 1993 và đã được Quốc hội nước này sửa lại cho phù hợp với tình hình phát triển mới vào năm 2002.

Nhiều ưu đãi hơn cho nhà đầu tư

Để có được một môi trường đầu tư hấp dẫn hơn trong con mắt các nhà đầu tư nước ngoài, gần đây Quốc hội Mông Cổ đã sửa đổi luật thuế, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Cụ thể, Mông Cổ sẽ miễn hoàn toàn thuế thu nhập trong 10 năm đầu và giảm 50% thuế cho 5 năm tiếp theo đối với các công ty nước ngoài đăng ký đầu tư vào 3 lĩnh vực ưu tiên là cơ sở hạ tầng về điện như nhà máy nhiệt điện, hệ thống truyền tải điện; cơ sở hạ tầng vận tải như đường cao tốc, đường sắt, đường hàng không; kỹ thuật, xây dựng hay hệ thống thông tin viễn thông. Ông Chuluun Bayarmunkh, Đại biện Đại sứ quán Mông Cổ tại Việt Nam cho biết, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào những lĩnh vực như dầu và than, luyện kim và xử lý kim loại, sản xuất hóa chất, máy móc, điện tử cũng sẽ bắt đầu được hưởng chính sách miễn giảm thuế như trên trong thời gian tới. Theo vị đại diện từ phía Mông Cổ, Văn phòng Ngoại thương của Bộ Công Thương Mông Cổ (FIFTA) cho phép đăng ký đầu tư nước ngoài và cấp chứng chỉ đăng ký trong vòng 3 ngày. “Chúng tôi sẽ đơn giản hóa mọi thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư, khai thác và phát triển thị trường Mông Cổ”, ông Chuluun Bayarmunkh nhấn mạnh.

Gợi ý cho doanh nghiệp Việt

Đánh giá cao khả năng phát triển tại thị trường Mông Cổ, nhưng ông Trần Kim Long, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện vẫn còn rất ít doanh nghiệp Việt Nam quan tâm làm ăn, kinh doanh với đối tác Mông Cổ. Bằng chứng là kim ngạch thương mại 2 chiều năm 2009 giữa Việt Nam và Mông Cổ chỉ đạt 9,8 triệu USD. Dự kiến con số này vào khoảng 10 triệu USD trong năm nay. Theo gợi ý của ông Long, những lĩnh vực như len sợi, da thuộc, nông – lâm sản, dệt may, hàng thủ công mỹ nghệ… hoàn toàn có cơ hội phát triển tại thị trường Mông Cổ, bởi đây là thế mạnh của doanh nghiệp Việt Nam và phía bạn cũng rất có nhu cầu. Dưới góc độ đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước, ông Long cho biết cơ quan ông cam kết sẽ ủng hộ và tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp 2 nước có thể gặp gỡ, trao đổi và mở rộng quan hệ hợp tác làm ăn, đồng thời phối hợp với cơ quan hữu trách Mông Cổ thỏa thuận các tiêu chuẩn đối với từng mặt hàng. Ông cũng khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam nên tích cực tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại để hiểu hơn về thị trường cũng như cách thức làm ăn tại nước bạn.

10 triệu USD là kim ngạch thương mại dự kiến giữa Việt Nam và Mông Cổ năm 2010

Trao đổi với phóng viên, nhiều doanh nghiệp cho biết sẵn sàng tham gia đoàn khảo sát thị trường Mông Cổ vào cuối tháng 8 tới với hy vọng tìm kiếm một cơ hội hợp tác làm ăn với mảnh đất đầy tiềm năng này. Tuy nhiên, những mối quan ngại về điều kiện địa lý xa xôi, dân cư thưa thớt cũng khiến nhiều doanh nghiệp băn khoăn . “Mông Cổ có rất nhiều chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, điện… trong khi bản thân các doanh nghiệp Việt lại chưa thực sự mạnh về những lĩnh vực này. Tôi hy vọng chính quyền Mông Cổ sẽ tạo nhiều thuận lợi hơn cho các lĩnh vực như nông sản, bán lẻ…”, ông Nguyễn Việt Hải, Giám đốc Trung tâm phát triển thị trường nội địa của Hapro quan ngại.

Với kinh nghiệm nhiều năm hợp tác và làm ăn với thị trường Mông Cổ, bà Dương Thị Minh Hà, Trung tâm xuất khẩu sơn mài Việt Nam cho biết, người Mông Cổ rất ưa thích các sản phẩm thủ công mỹ nghệ do Việt Nam sản xuất. Khách hàng thị trường này khá dễ tính và cho đến giờ doanh nghiệp của bà vẫn chưa gặp bất cứ cản trở nào từ phía chính quyền nơi đây. Do đó theo bà Hà, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng nông sản, thủ công mỹ nghệ nên mạnh dạn tìm hiểu và đầu tư xúc tiến thương mại sang thị trường đầy tiềm năng này.

16/08/2010
  CÁC TIN KHÁC
      Bốn cách xây dựng niềm tin cho thương hiệu
      Doanh nghiệp đồng thanh kêu gọi giảm thuế
      Sức mạnh của kiểu dáng bao bì sản phẩm
      Văn phòng công chứng: Việc nhiều, nhưng ngại rủi ro!
      Xây dựng thương hiệu - Mỗi nhân viên hãy là một đại sứ thương hiệu
      Hỗ trợ hàng Việt “phủ sóng”
      Nhân lực quản trị doanh nghiệp: Tìm ở đâu?