Welcome
Văn phòng công chứng: Việc nhiều, nhưng ngại rủi ro!
Có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2007, Luật Công chứng đã và đang phát huy hiệu quả đáng kể trong đời sống kinh tế xã hội. Tuy thực sự là một ngành nghề dịch vụ có tiềm năng, song theo nhiều công chứng viên, công việc không lo thiếu mà chỉ ngại rủi ro!

Sự phát triển của các tổ chức hành nghề công chứng hiện nay được đánh giá là quá “nóng”
 
Trong 3 năm trở lại đây, loại hình Văn phòng công chứng (VPCC) đang phát triển khá mạnh mẽ ở nhiều địa phương, nhất là ở Hà Nội, TPHCM và các tỉnh, thành phố lớn. Theo thống kê của Bộ Tư pháp, có 58/63 địa phương đã thực hiện việc chuyển giao thẩm quyền công chứng. Tuy nhiên, mới chỉ có một nửa số địa phương trong cả nước có VPCC, trong khi lại có địa phương “nở rộ” các VPCC. Đơn cử, tại Hà Nội, số VPCC hiện gấp gần 5 lần số phòng công chứng Nhà nước.

Thoáng quá hóa ấu?

Trên thực tế, sự phát triển tổ chức hành nghề công chứng quá “nóng” đã góp phần tạo ra sự cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa một số tổ chức hành nghề công chứng, gián tiếp “đẩy” một số VPCC làm bừa, làm ẩu, thậm chí cố tình vi phạm pháp luật. Vụ Trưởng VPCC Việt Tín (Hà Nội) đột tử hồi tháng 4 vừa qua có liên quan đến những hợp đồng ủy quyền bán nhà, đất giả mạo được công chứng tại văn phòng này là một ví dụ. Vụ việc được phát giác khi một VPCC khác được khách hàng yêu cầu cấp bản sao hợp đồng công chứng trong khi họ chưa từng xử lý những hợp đồng này… 

Theo ông Hoàng Quốc Hùng - Phó Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp, nhiều trường hợp vi phạm pháp luật dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là do công chứng viên (CCV) “quá thoáng”, hoặc do cả nể, quen biết nên đã chấp nhận chứng minh thư photo của người yêu cầu công chứng; không phát hiện người yêu cầu công chứng sử dụng chứng minh thư giả hoặc ký tên không đúng chữ ký của mình sau đó quay lại tố cáo có người giả chữ ký của mình. Ông Hùng kiến nghị cần phải sửa đổi chế định điểm chỉ tại Luật Công chứng theo hướng, đã ký hợp đồng công chứng là bắt buộc phải điểm chỉ để đảm bảo tính an toàn pháp lý.

Trưởng một VPCC tại Hà Nội bày tỏ đồng tình: “Tại VPCC của chúng tôi cũng đã có người đóng giả người khác để đến ký hợp đồng công chứng, khi được yêu cầu điểm chỉ thì đã chửi bới, phản đối quyết liệt và bỏ chạy. Trường hợp này thường xảy ra đối với các loại giấy tờ công chứng có liên quan đến nhà đất, khi người yêu cầu công chứng muốn bỏ không thực hiện hợp đồng vì giá nhà đất tăng mạnh. Áp dụng việc điểm chỉ, những trường hợp này sẽ dễ truy nguyên”. 

Một trường hợp “lơi lỏng” phổ biến khác là việc công chứng ngoài trụ sở. Lẽ ra, ngoại lệ này chỉ được áp dụng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, song trên thực tế có tổ chức hành nghề công chứng tự quảng cáo “phục vụ khách hàng mọi lúc, mọi nơi” và có cả hoa hồng, chiết khấu cho khách hàng” (?!). Theo ông Hùng, đáng lo ngại nhất là vấn đề an toàn pháp lý khi công chứng ngoài trụ sở, vì các VPCC thường cử các nhân viên (chứ không phải CCV) đi lấy chữ ký người yêu cầu công chứng. Do đó, sẽ khó bảo đảm toàn vẹn các yêu cầu như xác định chính xác nhân thân của người yêu cầu công chứng; năng lực hành vi dân sự của người yêu cầu công chứng, cũng như tính chính xác của giấy tờ gốc chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản mang ra giao dịch…

Thận trọng không bao giờ thừa

Đã ký hợp đồng công chứng là bắt buộc phải điểm chỉ để đảm bảo tính an toàn pháp lý

Một khuyến cáo đáng lưu ý nữa là việc ký xác nhận vào từng trang của hợp đồng giao dịch. Theo quy định, người yêu cầu công chứng phải tự đọc lại dự thảo hợp đồng, giao dịch hoặc công chứng viên đọc cho người yêu cầu công chứng nghe; trường hợp người yêu cầu công chứng đồng ý toàn bộ nội dung trong dự thảo hợp đồng, giao dịch thì ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch. Công chứng viên ghi lời chứng; ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch. Tuy nhiên, trong thực tế có nhiều trường hợp không ký vào từng trang của hợp đồng giao dịch (đặc biệt khi người yêu cầu công chứng là ngân hàng). Cần chấm dứt ngay hiện tượng này; các cơ quan thanh tra, kiểm tra cũng phải kiên quyết xử lý để phòng ngừa những hậu quả không đáng có – ông Hoàng Quốc Hùng bình luận.

Việc ủy quyền của cá nhân có thẩm quyền cho người khác thay mặt mình tham gia giao kết trong hợp đồng cầm cố, bảo lãnh, thế chấp cũng không có sự thống nhất. Theo Bộ luật Dân sự thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức mới là người có thẩm quyền ủy quyền nhưng thực tế có một số hồ sơ, cấp phó của cơ quan ngân hàng (Phó Giám đốc ngân hàng – không phải là người đứng đầu cơ quan) vẫn ký văn bản uỷ quyền cho cán bộ của mình tiến hành giao dịch!

Đó là chưa kể do cách hiểu về một số quy định không thống nhất nên cách xử lý vụ việc của các tổ chức công chứng đôi khi rất khác nhau.

Đơn cử, trường hợp thực hiện công chứng hợp đồng ủy quyền nối (trước đó người ủy quyền đã nhận ủy quyền từ khác bằng một hợp đồng ủy quyền) cho người thứ ba thì trong hợp đồng uỷ quyền lần đầu không quy định “người nhận ủy quyền được ủy quyền lại cho bên thứ ba”. “Chúng tôi từ chối thực hiện việc này, nhưng có VPCC “vô tư” thực hiện hợp đồng ủy quyền nối”, vẫn vị Trưởng VPCC từ Hà Nội cho biết.

Cần siết chặt nhiều quy định

800 là tổng số công chứng viên đang hành nghề trên địa bàn cả nước

Tất nhiên, cũng có những bất cập trong hoạt động công chứng không phải do yếu tố chủ quan từ CCV. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho biết, hệ thống các tổ chức hành nghề công chứng (kể cả PCC và VPCC) vẫn còn thiếu sự liên kết thông qua mạng nội bộ để chia sẻ thông tin, do đó không có cơ sở dữ liệu chung để kiểm soát thực trạng các hợp đồng… Do vậy, đã có trường hợp một căn nhà đem bán cho hai người, mang đi công chứng hợp đồng tại 2 tổ chức hành nghề công chứng khác nhau; một tài sản đem thế chấp, bảo lãnh ở nhiều người, nhiều nơi; người đã chết nhưng vẫn “giao dịch”, công chứng cho người có tài sản đã bị cưỡng chế, kê biên, bán đấu giá… Tại một hội nghị gần đây của ngành tư pháp, ông Mai Lương Khôi, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM cũng “than thở” rằng, mức xử phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp hiện nay là quá nhẹ nên nhiều người sẵn sàng bỏ tiền nộp phạt rồi tiếp tục… vi phạm!

Rõ ràng, thực tế cuộc sống đã đặt ra yêu cầu tiếp tục điều chỉnh, bổ sung để hoạt động công chứng phục vụ đắc lực hơn nữa cho các hoạt động kinh tế xã hội trong khuôn khổ pháp luật.

16/08/2010
  CÁC TIN KHÁC
      Sạch – tới mức nào?
      Lùm xùm "đấu đá: doanh nghiệp: Lớn nhỏ... ham "đấm"!
      Honda: Câu chuyện "Vạn sự khởi đầu..."
      Thông tư 20 và nguy cơ phá sản của các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô
      CNN
      Hàng trăm mặt hàng tăng giá bán
      Đồng USD giảm mạnh nhất trong 14 tháng