Welcome
Thị trường bất động sản Hà Nội: Cung tăng, cầu chưa cải thiện
Trung tâm Thương mại Grand Plaza vừa khai trương tại Hà Nội đã tạo nên những tác động không nhỏ đến thị trường bất động sản. Nguồn cung ngày một nhiều tỷ lệ với sức ép cạnh tranh ngày một lớn.

 
Ông Matthew Powell - Giám đốc chi nhánh Hà Nội của Savills Việt Nam nhận xét:“Trái với lo lắng của hầu hết mọi người hồi kết thúc quý I về kinh tế vĩ mô và những ảnh hưởng tới thị trường bất động sản, quý II chứng kiến một bức tranh khá triển vọng. Cùng với những tín hiệu tích cực của nền kinh tế, Savills ghi nhận một thị trường bất động sản với nhiều vận động. ”

Khi “hàng khủng” được tung ra

Có thể nói, Grand Plaza gây ấn tượng ngay từ ngày khai trương với hơn một trăm nhãn hiệu tiêu dùng quốc tế và nội địa cùng có mặt ngay từ ngày mở cửa đầu tiên. Theo ông Trần Đức Thành - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty IDJ Financial – chủ đầu tư Trung tâm Thương mại Grand Plaza, đây là một sự kiện vô cùng đặc biệt bởi nó đánh dấu sự ra đời của một trung tâm thương mại đẳng cấp quốc tế, nằm trong tổ hợp khách sạn – văn phòng và trung tâm thương mại 5 sao đầu tiên của Thủ đô Hà Nội.

Ưu thế lớn nhất của Grand Plaza chính là vị trí đắc địa, ngay tại khu đất “vàng” phía Tây thành phố và dự án nằm trong quần thể khách sạn sang trọng – văn phòng hạng A đẳng cấp quốc tế đầu tiên tại Hà Nội với tổng diện tích sàn xây dựng là 119.500 m2 do Tập đoàn CharmVit (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư. Theo ông Trịnh Bích Hiền - Phó Giám đốc Trung tâm thương mại Grand Plaza, trung tâm này cam kết trở thành mô hình kiểu mẫu của một khu trung tâm thương mại đẳng cấp – sang trọng mang tầm khu vực. Chính vì vậy, Công ty tư vấn CB Richard Ellis (CBRE Vietnam) đã được chủ dự án chỉ định là công ty tư vấn bán lẻ và tư vấn quản lý chính thức cho trung tâm thương mại này ngay từ giai đoạn ban đầu.

Grand Plaza tham gia thị trường tạo nên lực hút không nhỏ đối với các doanh nghiệp muốn bán hàng và quảng bá sản phẩm

Giới kinh doanh bất động sản cũng nhìn nhận khi sản phẩm của Grand Plaza được tung ra sẽ có sức chi phối lớn đến thị trường bất động sản hiện nay, nhất là trong bối cảnh “nguồn cung từ nay đến cuối năm dự đoán tăng cao trong khi cầu chưa có dấu hiệu cải thiện nhiều”. Xét về cả qui mô và hình ảnh thị trường cũng đều có sự thay đổi đáng kể.

 Và sự đáp lại của thị trường

Theo báo cáo mới công bố của Savills Việt Nam, hiện tại, trên thị trường Hà Nội có 10 trung tâm mua sắm/trung tâm bách hóa/đại siêu thị, 85 siêu thị và siêu thị điện máy, 2 trung tâm bán sỉ và 12 khối đế bán lẻ, cung cấp khoảng 378.000 m2, tăng khoảng 1,3% so với quý I/ 2010. Tính ra, trong quý II/2010, công suất thuê trung bình của toàn thị trường bán lẻ đạt khoảng 95%, tăng 3% so với quý trước đó. Trong đó, công suất thuê của khu vực trung tâm quanh hồ Hoàn Kiếm đạt mức cao nhất ở thị trường Hà Nội. Giá thuê tại khu trung tâm giữ ở mức cao từ 40 USD đến 150 USD/m2/tháng. Giá thuê trung bình ở khu vực nội thành dao động trong khoảng 20 – 120 USD/m2/tháng. Giá thuê ở khu vực ngoại thành đạt mức thấp hơn từ 6 USD đến 50 USD/m2/tháng.

Khi Grand Plaza tham gia thị trường đã tạo nên một lực hút không nhỏ đối với các doanh nghiệp muốn bán hàng và quảng bá sản phẩm đến đây. Tuy nhiên, theo Savills dự báo, nhu cầu về bán lẻ sẽ tiếp tục tăng ở khu vực trung tâm, mở rộng mạnh ra các quận nội thành, trong khi khu vực ngoại thành sẽ tiếp tục tăng chậm trong ngắn và trung hạn. Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long sắp tới được dự báo sẽ góp phần làm cho thị trường bán lẻ thêm sôi động trong năm nay. Nhưng công ty chuyên về nghiên cứu thị trường bất động sản này cũng bày tỏ lo lắng rằng, những rủi ro tiềm ẩn như lạm phát cao, thâm hụt thương mại và chính sách thắt chặt tiền tệ nửa cuối năm 2010 có thể ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của thị trường bán lẻ Hà Nội khi người tiêu dùng bắt đầu cân nhắc hơn với các khoản chi tiêu.

62.100m2 diện tích bán lẻ từ 9 dự án dự kiến sẽ gia nhập thị trường Hà Nội vào nửa cuối năm 2010

Đã vậy, áp lực nguồn cung sẽ còn gia tăng khi mà có khoảng 62.100 m2 diện tích bán lẻ đến từ 9 dự án dự kiến sẽ gia nhập thị trường bán lẻ Hà Nội vào nửa cuối năm 2010. Con số này đến 2013 sẽ vào khoảng 1,1 triệu m2 từ 81 dự án bổ sung vào nguồn cung của thị trường. Trong đó, 31 dự án bán lẻ có quy mô diện tích lớn từ 10.000 m2 trở lên. Điều này dự báo sẽ có tác động đáng kể đến quy mô và hình ảnh của thị trường bán lẻ hiện đại tại Hà Nội, đại diện Savills Vietnam cho biết thêm.

Cũng tương tự như với thị trường bán lẻ, thị trường khách sạn của Hà Nội chịu tác động đáng kể khi Grand Plaza cùng ba dự án là Oriental Pearl, Crown Plaza và Hotel De L’ Opera với hơn 1.100 phòng dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào nửa cuối năm 2010. Savills dự đoán, công suất thuê phòng trung bình của khối khách sạn 4 và 5 sao có thể sẽ giảm đáng kể trong một vài quý tới do sự gia nhập thị trường của những khách sạn trên. Được biết, về nguồn cung khách sạn, toàn thành phố hiện có 32 dự án tương lai. Trong đó 18 dự án dự kiến sẽ cung cấp cho thị trường gần 6.100 phòng. Số lượng phòng khách sạn của 14 dự án còn lại hiện chưa được xác định. Có một điểm mới là, dự án Trung tâm thương mại, dịch vụ và văn hóa với quy mô 6,8 ha tại số 148 Giảng Võ mới được cập nhật vào danh sách các dự án tương lai của quý II năm nay. 

Nhìn toàn cảnh thị trường bất động sản Hà Nội, nói theo cách nói của ông Matthew Powell, quý II là một giai đoạn đáng nhớ vì những biến động đáng chú ý nhất đã kịp được thị trường điều chỉnh vào cuối quý.
 

VN tham gia hội chợ BĐS quốc tế HK

Tập đoàn MIPIM ASIA vừa tiếp xúc với hơn 100 công ty bất động sản tại Việt Nam cùng với các nhà đầu tư, các công ty có liên quan đến lĩnh vực bất động sản, tài chính, xây dựng để giới thiệu những nét mới về hội chợ Triển lãm Bất động sản quốc tế MIPIM Asia 2010 sẽ được tổ chức tại Hồng Kông từ ngày 10 – 12/11 sắp tới. Ông Lê Vĩnh Đức, Giám đốc Công ty quảng cáo An Đức – trưởng đại diện của Mipim Asia tại Việt Nam, cho biết: “Hội chợ năm ngoái ghi nhận đã có nhiều thỏa thuận của các công ty bất động sản Việt Nam với các tổ chức tài chính, các nhà đầu tư quốc tế với trị giá hợp tác lên đến vài trăm triệu đô la. Có thể nói, hội chợ đã và đang tạo ra những cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn nữa cho thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay đang có phần trầm lắng.”

Từ góc độ nhà tổ chức, ông Germain Daleau, Giám đốc Kinh doanh Tập đoàn MIPIM châu Á, cho biết, dự kiến có khoảng 30 doanh nghiệp Việt Nam tham dự Hội chợ MIPIM Asia 2010. Năm ngoái có 27 doanh nghiệp Việt Nam tham dự Hội chợ. Ngay từ năm đầu tiên tổ chức (2006), MIPIM Asia đã thu hút được rất nhiều tổ chức, công ty bất động sản tại Hà Nội và TPHCM tham gia như Hiệp hội bất động sản TPHCM, VinaCapital, Nova Group, Keppel land, Capitaland, Phú Mỹ Hưng, Tung Sing Group, AMF Việt Nam Investment, Archetype Việt Nam, Sovico, Group 8, CBRE, Savills… Triển lãm bất động sản Khu vực châu Á Thái Bình Dương MIPIM lần đầu tiên được tổ chức tại Hồng Kông tháng 9 năm 2006. Đến nay, hội chợ trở thành nơi gặp gỡ, giới thiệu các dự án bất động sản ở quy mô toàn cầu. Năm 2009, MIPIM châu Á diễn ra tại Hồng Kông đã thu hút gần 1.000 công ty tham gia và hơn 2.000 khách tham quan đến từ 46 quốc gia.

 
Vũ Sơn

Theo dddn.com.vn

30/07/2010
  CÁC TIN KHÁC
      Jetstar cung cấp chuyến bay mới giá rẻ đến Perth
      Làm sao để khách hàng thường xuyên quay trở lại website?
      Phao cứu sinh trong khủng hoảng: Dựa lưng các thương hiệu bảo đảm
      Huy động vốn một cách thông minh
      Hyundai ra mắt xe điện BlueOn ở Hàn Quốc
      Để thương hiệu SABECO rơi vào tay đối tác: Lỗi tại ai?
      Vào mùa xuất khẩu đặc sản tết