Welcome
Mức độ tin tưởng của các DNVVN toàn cầu gia tăng
Kết quả khảo sát của HSBC về mức độ tin tưởng của Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) cho thấy các DNVVN trên toàn thế giới đang lên kế hoạch tăng đầu tư vào các hoạt động kinh doanh (41%), gia tăng lực lượng lao động (26%) và nhìn chung có cái nhìn lạc quan về tình hình tăng trưởng kinh tế địa phương (84%). Mức độ tin tưởng của các DNVVN, đứng đầu là các doanh nghiệp tại các thị trường mới nổi, trên toàn cầu tiếp tục tăng và cho thấy dấu hiệu vững chắc của giai đoạn phục hồi kinh tế trong nửa đầu năm 2010.
 

Cuộc khảo sát của HSBC về mức độ tin tưởng của DNVVN được thực hiện định kỳ hai lần một năm nhằm tìm hiểu nhận định của các DNVVN về tình hình tăng trưởng kinh tế địa phương, kế hoạch đầu tư vốn và tuyển dụng trong 6 tháng tới. Cuộc khảo sát lần thứ 6 này là cuộc khảo sát có qui mô lớn nhất từ trước đến nay, ghi nhận ý kiến của hơn 6.300 DNVVN trên 21 thị trường tại Châu Á, Trung Đông, Châu Âu, Bắc Mỹ và Mỹ Latinh. Kết quả trả lời được sử dụng để tính mức độ lạc quan theo chỉ số từ 0 đến 200, trong đó 200 thể hiện mức độ lạc quan cao nhất, 0 đại diện cho mức độ thấp nhất và 100 là mức độ lạc quan trung bình. Cuộc khảo sát lần này được tiến hành vào tháng Năm và tháng Sáu năm 2010 do công ty nghiên cứu thị trường TNS thực hiện theo chỉ định của Khối Dịch vụ tài chính doanh nghiệp – ngân hàng HSBC.   

Mức độ lạc quan của Châu Á

Lần đầu tiên từ sau cuộc khủng hoảng tài chính, toàn bộ thị trường Châu Á được khảo sát đều có cái nhìn lạc quan về tình hình tăng trưởng kinh tế địa phương, nhân sự và cả các kế họach đầu tư vốn. Chỉ số lạc quan, tin tưởng của Châu Á được giữ vững ở mức 121 (so với mức 122  của cuộc khảo sát thực hiện vào Quý 4 năm 2009-Q409). Việt Nam là quốc gia có chỉ số lạc quan cao nhất, đạt 164 – đứng đầu trong khu vực Châu Á, theo sau là Singapore (136), Trung Hoa đại lục (123) và Ấn Độ (121). Đài Loan tăng thêm 6 điểm từ 97 lên 130, đưa thị trường này lần đầu tiên trở lại ngưỡng lạc quan kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính.

Mức độ lạc quan toàn cầu

Mức độ lạc quan toàn cầu tăng từ 111 điểm lên 118 điểm, trong đó chỉ số lạc quan của các thị trường mới nổi (122) cao hơn các thị trường phát triển (115). So với kết quả khảo sát vào Q409, chỉ số của các thị trường phát triển tăng 9 điểm, từ 106 lên 115, qua đó cho thấy những dấu hiệu tích cực ngày càng gia tăng.Hầu hết các thị trường trên toàn cầu đều có nhận định lạc quan, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đầu với 138 điểm, theo sau là Trung Đông (132), Trung Hoa đại lục (121), Ấn Độ (121), Đông Nam Á (119), Bắc Mỹ (119), Mỹ Latinh (118), và Châu Âu (99). So với kết quả khảo sát vào Q409, Thổ Nhĩ Kỳ đã có bước nhảy vọt khi tăng đến 21 điểm, theo sau là Bắc Mỹ (12 điểm) và Trung Đông ( 7 điểm). 

Triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Nhận định về tình hình tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng tới, phần lớn các DNVVN Việt Nam đều có nhân định lạc quan, với tỷ lệ gia tăng các DNVVN tin rằng độ tăng trưởng sẽ cao hơn (77% vào Q210 so với 71% vào Q409). Trong khi đó 16% tin rằng độ tăng trưởng sẽ không đổi và chỉ có 7% cho rằng độ tăng trưởng sẽ chậm lại trong 6 tháng tới. 

Các DNVVN Việt Nam có niềm tin lớn vào Chính Phủ khi phần lớn các doanh nghiệp được hỏi (48%) cho rằng các chính sách của Chính Phủ là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiếp theo sau là nhu cầu gia tăng của thị trường nội địa (25%). 

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, 56% các DNVVN tin tốc độ tăng trưởng sẽ cao hơn, con số này tại Trung Đông là 49%, theo sau là Đông Nam Á (47%), Bắc Mỹ (30%), Mỹ Latinh (28%), Ấn Độ (27%) và Trung Hoa mở rộng*(24%). Ở các thị trường Tây Âu, chỉ có 10% các doanh nghiệp tin rằng tốc độ tăng trưởng sẽ cao hơn.

Triển vọng về đầu tư vốn

Đa số các DNVVN trên toàn thế giới (87%) đang lên kế hoạch tăng đầu tư vào các hoạt động kinh doanh (41%) hay duy trì ở mức cũ trong vòng 6 tháng tới (46 %). 

Các DNVVN tại Việt Nam cũng có cùng nhận định lạc quan với các DNVVN trên toàn cầu: 70% các DNVVN Việt Nam cho biết họ sẽ tăng đầu tư vào các hoạt động kinh doanh (tăng lên từ 66% của Q409), 29% sẽ duy trì ở mức cũ và chỉ có 3% có kế hoạch cắt giảm đầu tư.

Khu vực dẫn đầu trong việc lên kế hoạch gia tăng đầu tư vào các hoạt động kinh doanh bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ (52%), Trung Đông (50%), Đông Nam Á (46%), Mỹ Latinh (43%) và Trung quốc mở rộng *(36%).

Triển vọng về kế hoạch tuyển dụng

Nhìn chung toàn cầu, 96% các DNVVN đều muốn gia tăng lực lượng lao động (26%) hoặc giữ nguyên số nhân viên (70%) trong 6 tháng tới. Chỉ 5% có kế hoạch cắt giảm nhân sự. Các DNVVN tại Việt Nam tiếp tục có nhận định lạc quan khi 58% (so với 54% trong Q409) đang lên kế hoạch tuyển dụng thêm nhân sự, 39% (so với 44% trong Q409) giữ nguyên số nhân viên và chỉ một số ít (3%) cho biết họ sẽ cắt giảm nhân sự.
Tỷ lệ tuyển dụng tăng đáng kể tại Thổ Nhĩ Kỳ (41%), Trung Đông(35%) và tại Đông Nam Á (31%).

Các rào cản đối với hoạt động kinh doanh quốc tế

Hoạt động kinh doanh quốc tế luôn luôn tiềm ẩn nhiều thử thách đối với các DNVVN. Tuy nhiên, các thử thách này cũng luôn thay đổi theo thời gian cùng với sự biến đổi của thị trường. Trong cuộc khảo sát lần thứ 6 này của HSBC về mức độ tin tưởng của DNVVN, rào cản lớn nhất đối với các DNVVN trong hoạt động kinh doanh quốc tế đã chuyển từ “tình hình thị trường tài chính không ổn định” sang “lo ngại về các giao dịch ngoại tệ”. Đối với những doanh nghiệp hiện chưa tham gia vào hoạt động kinh doanh quốc tế thì một trong những thử thách và rào cản lớn nhất cản trở việc họ tham gia thị trường quốc tế chính là “sự phức tạp của một vài thị trường quốc tế về thuế, kiểm soát ngoại tệ…”

Khi được hỏi đâu là những thị trường trọng tâm trong hoạt động giao thương quốc tế, đa phần các DNVVN Việt Nam đều chọn Trung Hoa mở rộng, Châu Á và Đông Nam Á. Điều này ho thấy các DNVVN Việt Nam đang theo sát xu hướng chú trọng giao thương nội vùng của các DNVVN trên toàn cầu. 

Ông Huỳnh Bửu Quang, Giám đốc toàn quốc Khối dịch vụ tài chính doanh nghiệp Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) cho biết: “Mặc dù mức độ lạc quan tăng thấp hơn so với cuộc khảo sát lần trước, Việt Nam vẫn tiếp tục giữ vững vị trí hàng đầu trên bảng xếp hạng trong số 21 thị trường được khảo sát. Điều đó chứng tỏ rằng các DNVVN Việt Nam, cũng như các DNVVN ở các thị trường mới nổi khác, vẫn có nhận định lạc quan về nền kinh tế địa phương, mặc cho những biến động gần đây của nền kinh tế toàn cầu. Họ vẫn tiếp tục lên kế hoạch tăng đầu tư vốn và mở rộng tuyển dụng trong sáu tháng tới, dự báo một giai đọan thị trường với nhiều hoạt động kinh doanh sôi nổi hơn trong tương lai.Với sự hiện diện trên toàn cầu và am hiểu địa phương, HSBC sẽ tiếp tục đem đến cho các DNVVN nền tảng vững chắc để phát triển và tìm kiếm những cơ hội kinh doanh mới”.

24/07/2010
  CÁC TIN KHÁC
      Mua - bán chứng khoán tháng 5: Thời điểm cẩn trọng!
      SEO - cách tiếp thị online rẻ nhất, hiệu quả cao
      Định giá thương hiệu
      2011 Mercedes-Benz CLS lộ diện hoàn toàn
      Habeco: Tiếp tục phát triển bền vững
      Nhìn lại chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
      Vẫn còn nhiều việc phải làm