Welcome
Đồ ve chai họp chợ
Đồ cũ lâu năm chán sử dụng có thể mang ra chợ ký gửi, uống cà phê - nghe nhạc kết hợp đi dạo xem mọi người buôn bán, muốn lái thử xe gắn máy cổ chạy vòng vòng quanh chợ...

Đồ cũ tìm chủ mới


Chủ nhật, 9 giờ sáng. Người đàn ông trung niên dáng vẻ phong trần với bộ ria mép rậm rì dắt chiếc xe gắn máy cổ hiệu Sachs (thập niên 1950) từ nhà kho ra trưng bày trên sân khấu ở vị trí trung tâm quán. Trên tay lái của chiếc xe có gắn tấm giấy ghi vài chi tiết liên quan đến đời xe, dòng xe…


Đáng chú ý là dòng chữ “giá bán 1.500 Đô la Mỹ, còn thương lượng”. Dịch sang góc bên kia sân khấu, ông tiếp tục dựng chân chống những chiếc xe cổ khác hiệu Vespa, Lambretta… được sản xuất từ thập niên 40-60 của thế kỷ trước. Xa hơn một chút, dưới tán cây rợp bóng mát là chiếc ôtô bốn chỗ Mercedes 180, sản xuất năm 1958, “giá 19.000 Đô la Mỹ, có thể thương lượng”.


Một thành viên khác cũng thuộc “ban quản lý chợ” trịnh trọng đặt lên bàn chiếc khung gỗ lộng hai thanh kiếm Nhật sáng loáng (dùng để trưng bày trong phòng khách) và các phụ kiện đi kèm ghi rõ lò sản xuất ở Nhật Bản, “giá 700 Đô la Mỹ”.


Kế bên khu vực pha chế cà phê và đồ ăn sáng, một người đàn ông tóc lưa thưa đang khui chiếc hộp gỗ chứa đầy hộp quẹt zippo, đồng hồ đeo tay, bút máy, nhẫn kiểu… xếp vào một chiếc tủ kiếng.

Phía trước sân khấu, một “tiểu thương” đang khệ nệ đẩy chiếc tủ nhựa đựng đầy phụ tùng xe máy cổ ra góc sạp của mình. Dọn hàng xong, anh chàng có vóc dáng đậm chắc, buộc tóc đuôi gà này lại hì hục dùng ống bơm tay để bơm bánh chiếc xe Mobylette biển số CSQG - KA 0113 do Pháp sản xuất năm 1949.


Mồ hôi nhễ nhại sau một lúc đạp xe cho máy nổ, anh tự hào cho biết đó là kết quả sau ba năm trời ròng rã sưu tập từng món phụ tùng với sự góp sức của khoảng 30 “chiến hữu” trong và ngoài nước. “Sau khi nó đoạt giải tại hội thi xe mô tô cổ ba miền tổ chức tại Hội An năm 2009, đã có người trả giá tương đương 4.000 Đô la Mỹ nhưng tôi chưa bán”, anh nói.


Chợ Sài Gòn ve chai được phân ra nhiều không gian trưng bày và bán hàng ký gửi, từ xe mô tô, ô tô cổ; nhạc cụ, máy ảnh, máy quạt, loa, ampli cho đến tranh, đèn, túi da, đồng hồ các loại từ treo tường, để bàn đến đeo tay. Cứ khoảng mươi phút lại có một nhóm khách mới đến quán. Khách quen có, khách mới đến lần đầu cũng có, người trong thành phố, khách ở các tỉnh, Việt kiều về thăm quê...


Không ít doanh nhân cũng đến chợ góp vui. Tâm điểm trao đổi tại các bàn điểm tâm của họ là những hiểu biết về đồ cũ, là chuyện muốn tìm kiếm, trao đổi những món đồ.


Chợt một người khách lạ xuất hiện trong trang phục bụi bặm. Anh khoác trên vai một chiếc ba lô kiểu quân đội. Chọn chiếc bàn đã có bốn khách ngồi trước, anh mở ba lô, đặt lên bàn sáu chai dầu dùng để lau súng của quân đội Mỹ trước năm 1975. “50.000 đồng/chai. Ai mua xin mời”.


Khách ngồi ở các bàn khác xúm lại, chỉ vài phút sau món hàng đầu tiên hết sạch. Tiếp theo, anh lôi ra chiếc nanh heo rừng Senegal - “hàng khủng, giá 1 triệu”. Khách lại túm tụm săm soi và cuối cùng được một người đàn ông mua “để tặng con gái đeo, ngủ khỏi giật mình!”. Cứ thế, anh chào mời đủ thứ: đồng hồ đeo tay Citizen 100.000 đồng/chiếc; Omega mạ vàng 300-400 Đô la Mỹ/chiếc; lông đuôi voi Senegal 120.000 đồng/sợi...


Khi thu xếp những món hàng chưa bán được bỏ vào ba lô, anh cho biết mình lần đầu tiên đến họp chợ ve chai. “Năm sáu năm nay tôi thường giao dịch ở khu Phó Đức Chính, quận 1. Nay có chợ ve chai hy vọng hơn. Ai cần đặt hàng nanh heo, móng cọp, móng sư tử, lông đuôi voi châu Phi cứ alô cho tôi, số điện thoại 0978…”.


Có không ít người đến đây để mua đi bán lại. Trong lúc ngắm nghía chiếc máy may xách tay do Pháp sản xuất năm 1930, giá 5 triệu đồng, anh Nguyễn Vinh Quang đến từ Nha Trang cho biết đây là lần đầu tiên anh có mặt ở chợ này với mong muốn đặt quan hệ giao dịch cho những lần tới. Anh cho biết: “Nếu săn được hàng độc, hàng lạ, tôi sẽ mang về bán tại cửa hàng của mình ở Nha Trang”.


Còn theo anh chàng mua chiếc nanh heo rừng thì “Chợ Sài Gòn ve chai có những món đồ tìm đỏ mắt bên ngoài cũng không thấy, giá cả hình thành dựa trên sự thỏa thuận giữa người bán và người mua chứ không theo giá thị trường”.


Chứng tỏ “đẳng cấp”!


Chợ Sài Gòn ve chai hình thành nhờ duyên gặp gỡ giữa chủ nhân trang web www.saigonvechai.com - anh Dũng Trần, với ca sĩ Cao Minh.


Là một doanh nhân hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản nhưng với sở thích sưu tập đồ cũ, Dũng đã thành lập trang web với mục đích tập hợp, khuyến khích gìn giữ các kỷ vật một thời và chia sẻ không gian hoài niệm với những người cùng sở thích.


“Sau sáu năm hoạt động, trang web đã thu hút trên 5.000 thành viên tham gia, trong đó, có gần 90 thành viên thường xuyên gặp gỡ, giao lưu ngoài đời thực. Cho đến cuối quý 3/2009, được sự hưởng ứng của ca sĩ Cao Minh (chủ quán cà phê), chợ Sài Gòn ve chai trên mạng đã chính thức bước ra cuộc sống, họp chợ vào sáng Chủ nhật hàng tuần.


Theo anh Dũng, “ban quản lý chợ” luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để mọi người có cùng sở thích có thể tham gia họp chợ mà không tốn bất kỳ khoản chi phí nào, kể cả giới thiệu đồ vật trên trang web. “Hiện chúng tôi cần có những người giỏi chuyên môn trong từng lĩnh vực để có thể đánh giá nguồn gốc, độ tuổi, giá trị của từng món đồ khi chúng xuất hiện tại chợ”, anh Dũng nói.

Thực ra, chợ Sài Gòn ve chai không chỉ là nơi giúp thỏa mãn nhu cầu mua bán, trao đổi đồ cũ mà đây đó cũng có không ít khuôn mặt xuất hiện để chứng tỏ mình đang là chủ sở hữu những món đồ, những bộ sưu tập lạ, độc đáo, khó kiếm trên thị trường, không loại trừ một số muốn khoe khoang phong cách chơi đồ lạ.


Tuy nhiên, không khí họp chợ thân thiện, gần gũi, có tính giao lưu nơi đây rất khác với một số chợ đồ cổ và đồ giả khác - nơi mà bất kỳ ai cũng có thể bị “sụp bẫy”, kể cả người sưu tập lâu năm.

Với phần lớn món hàng được nhiều người tham gia họp chợ liệt vào phân khúc bình dân đến cấp trung, một số người Sài Gòn hiện nay đã chọn “quán chợ” này để hỉ hả với nhau mà không sợ bị gạt gẫm. Cứ mỗi tuần, vào giờ chợ tan (khoảng 12 giờ trưa), hầu như ai cũng mong muốn tìm được một món đồ gì đó mang về nhà…

15/04/2010
  CÁC TIN KHÁC
      Coca-Cola hưởng ứng phong trào “Làm sạch bãi biển quốc tế” tại Việt Nam
      Vietcombank chính thức bán 15% cổ phần cho Mizuho
      Mảnh đất màu mỡ cho hàng nhái Trung Quốc
      Habeco: Tiếp tục phát triển bền vững
      Vay tín dụng ưu đãi phải có tối thiểu 20% vốn chủ sở hữu
      Bí quyết sử dụng thư quảng cáo qua e-mail
      “Dẹp tiệm” vì buôn bán khó khăn