Welcome
Bình ổn giá làm lợi cho doanh nghiệp
Trước thành công của 7 chương trình bình ổn hàng hóa trong dịp Tết, mới đây Sở Công thương TP HCM trình UBND thành phố đề án “Chiến lược tạo nguồn hàng thiết yếu bình ổn thị trường thành phố đến năm 2015”.

Tuy nhiên, các ý kiến đều cho rằng, nếu không khéo quản lý, đề án sẽ “vô tình” làm lợi cho doanh nghiệp hơn là cho người dân. Theo đó, 9 nhóm hàng hóa thiết yếu gồm gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, thực phẩm chế biến, trứng, sữa, rau quả củ là những mặt hàng được ưu tiên dự trữ để bình ổn giá.

Được vay lãi suất 0%

Nếu được chọn tham gia đề án, các doanh nghiệp sẽ được thành phố bảo lãnh vay vốn tại Công ty Đầu tư tài chính hoặc Quỹ hỗ trợ tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa mà không cần thế chấp, với lãi suất 0% hoặc lãi suất ưu đãi. Đổi lại, doanh nghiệp phải chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng trong quá trình sử dụng nguồn vốn này.

Theo đề án, những doanh nghiệp tham gia sẽ phải niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Mục tiêu của đề án là tạo nguồn hàng ổn định, trong đó doanh nghiệp trực tiếp tham gia sản xuất hoặc chủ động liên doanh, liên kết xây dựng được nguồn hàng; xây dựng hệ thống bán buôn bán lẻ theo hướng phối kết hợp làm phong phú các mặt hàng…

Nhiều ý kiến lo ngại chính sách hỗ trợ vốn khó giúp giá cả ổn định trong thời gian dài (Ảnh: Lê Hưng)

Theo một lãnh đạo của Sở Công thương thành phố, những mặt hàng nằm trong diện kiểm soát giá thì doanh nghiệp bắt buộc phải đăng ký giá, thực hiện đúng quy định và chỉ được công bố giá sau khi được cơ quan chức năng xác định cơ cấu giá thành sản phẩm. Ngoài ra Sở sẽ quản lý thị trường, kiểm tra hàng lậu, hàng gian, hàng giả nhằm tạo môi trường sản xuất lành mạnh cho doanh nghiệp.

Làm lệch quy luật thị trường

Có ý kiến cho rằng, nếu triển khai đề án này mà không tính toán kỹ sẽ dễ làm chệch quy luật của thị trường, bởi cùng một mặt hàng, những doanh nghiệp tham gia chương trình sẽ thu hút người mua đông hơn các doanh nghiệp khác khi giá “mềm” hơn khoảng 10%. Ngoài ra, điều này vô tình sẽ “triệt tiêu” khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, nếu “nặng” hơn có thể giết chết những doanh nghiệp khác không được trợ vốn.

Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh gạo tại TP HCM cho rằng, việc thành phố hỗ trợ cho một số doanh nghiệp sẽ khiến nhiều doanh nghiệp khác trong cùng ngành hàng phải điêu đứng. Hơn nữa, giá cả biến động theo quy luật cung cầu, lực lượng chức năng của TP liệu có theo dõi được sát những DN tham gia chương trình, hay lại thả nổi để doanh nghiệp tự quyết? Khi đó, doanh nghiệp vừa được hỗ trợ vốn, vừa móc túi người dân - ăn hai đầu.

Một tiểu thương kinh danh gạo tại phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân, tiết lộ: “Nhờ chương trình bình ổn giá vào dịp Tết, gạo bán trong siêu thị rẻ, giá ở ngoài tăng mạnh, tôi nên vào mua đem ra ngoài bán, kiếm được một khoản chênh lệch”.

Theo ông Văn Đức Mười, Phó giám đốc Công ty Vissan, để thực hiện đề án này, các doanh nghiệp phải chủ động được đầu vào và xây dựng được một hệ thống phân phối rộng khắp. Như hiện nay, chỉ tính riêng thịt gà, mỗi ngày thành phố tiêu thụ 120.000 con trong khi các doanh nghiệp chỉ mới đáp ứng được 45.000 - 50.000 con.

Còn đại diện Công ty đầu tư tài chính lo lắng, nếu cho doanh nghiệp vay mà không cần thế chấp sẽ rất rủi ro, vì khoản vay của một doanh nghiệp có khi lên đến hàng trăm tỷ đồng. “Quy định này không ổn, cần phải xem lại”, vị này kiến nghị. Thậm chí, một số ý kiến cho rằng, nếu không khéo quản lý sẽ dễ bị doanh nghiệp tư lợi bằng cách vay vốn ưu đãi của Nhà nước đầu tư vào những mục đích khác.

09/04/2010
  CÁC TIN KHÁC
      Quà tặng mùa hè cực “hot” tại Đăng Khoa
      Google+ loại bỏ 1 thành viên
      Động cơ đốt bằng … quảng cáo
      Trong việc tìm kiếm, lớn hơn chưa hẳn tốt hơn
      Hàng Việt thắng lớn tại Campuchia
      Happy Shopping bị phạt hơn 450 triệu đồng
      Indochina Plaza Hanoi đã bán hết 75% căn hộ giai đoạn I