Welcome
Sáp nhập để… “khôn lớn”
Ngày càng có thêm nhiều thương vụ mua bán và sáp nhập DN (M&A) trên thị trường VN, mà mục tiêu phía bên mua không còn đơn thuần là đầu tư tài chính và phía bên bán cũng không còn mang sắc thái giải quyết nguồn vốn, tiền bạc

Nhiều DN Việt đã và đang nỗ lực bằng mọi phương thức để tiến sâu hơn vào thị trường quốc tế. Và chìa khóa M&A cũng đang mở ra cánh cửa khai thác thị trường nội địa VN, cho các nhà đầu tư ngoại.

Bán DN không chỉ để tồn tại

Theo thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), 11 tháng đầu năm 2011, quy mô thị trường M&A đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2010, với khoảng hơn 60 thương vụ mua bán sáp nhập có quy mô lớn, tổng giá trị đạt trên 3 tỉ USD. Đó là con số ước tính sơ bộ và chưa kể đến thương vụ M&A thương hiệu EVN Telecom mà theo thông tin đồn đoán, “cờ” sẽ về tay mạng viễn thông quân đội Viettel với trị giá thương vụ rất lớn, bởi chỉ riêng “của hồi môn”, tài sản gốc của EVN Telecom là hệ thống cáp quang, đã từng được định giá trên 1 tỉ USD cách đây một năm.

Bên cạnh đó, trong hai tháng cuối năm, có lẽ để đủ thời gian và kịp dồn sức cho đường đua 2012, nhiều DN cũng đã và đang nhanh chân đàm phán thêm một số thương vụ mới. Đáng chú ý là dù không được như dự đoán ban đầu về việc cờ trên thị trường M&A sẽ “phất” với lĩnh vực bất động sản, thì vào thời điểm cuối năm, DN địa ốc mới bắt đầu dậy sóng mua bán cổ phần, dự án, thậm chí là bán “đứt” DN.

Nếu xem xét kỹ một số thương vụ trị giá lớn, được các chuyên gia định giá thương hiệu đánh giá cao về giá trị hợp lý và giá trị tương lai của thương vụ, không phủ nhận bên cạnh nhiều DN đang hết sức khó khăn, đặc biệt là các DN bất động sản phụ thuộc dòng tiền đầu tư và cả dòng tiền tiêu thụ sản phẩm vào hệ thống tín dụng, đã buộc bán đi một phần dự án hoặc rao bán cả DN, thì thị trường nói chung vẫn còn rất nhiều DN ăn nên làm ra đã và đang tham gia M&A.

Tuy nhiên, đâu đó, đã bắt đầu dấy lên lo ngại về việc “VN được thương hiệu nào tốt là bán ngay thương hiệu đó” hay “Cứ đà này thì chúng ta sẽ chẳng còn thương hiệu nào của người VN”. Những thương vụ trong quá khứ như Dạ Lan bán lại cho cho hãng Colgate Palmolime (Mỹ) với trị giá 3 triệu đô, hay nhãn hiệu P/S của Phong Lan đã bị mất “rẻ” chỉ 5 triệu USD về tay Unilever, thương hiệu Bảo Minh CMG mất dạng sau không tìm thấy bóng sau Daiichi, hay như mới nhất là Quạt Asia Vina bán phần lớn miếng bánh về tay một hãng quạt Pháp... cũng được khơi lại, để nói lên sự nuối tiếc của những nhãn hàng danh tiếng do người Việt gây dựng nên và người Việt cũng đã “nhanh nhẩu” bán đi không thương tiếc...

 

Nghĩ “thoáng”...

Có lẽ chỉ những người trong cuộc mới biết họ có thực sự nuối tiếc những thương hiệu đã bán hay không, hay nói như ông Đỗ Anh Tú, “cha đẻ” của thương hiệu Diana, qua những cuộc “gả bán” này, họ sẽ thêm nhiều kinh nghiệm trong quản lý, củng cố và tạo thêm những lớp bồi đắp mỡ màng cho thương hiệu đã được sáng lập, cho những đứa con mà họ đã sinh ra, nuôi lớn, và với kỳ vọng trưởng thành giờ đây sẽ phải chấp nhận để con... đi xa...

VN đang có hàng nghìn thương hiệu rất xứng đáng để nổi tiếng, nhưng theo nhiều chuyên gia thương hiệu quốc tế, DN VN chưa đủ sức, chưa đủ kinh nghiệm để quản trị danh tiếng và nâng tầm ảnh hưởng của DN lên toàn cầu. Ông Roland Schatz - Tổng Giám đốc Tập đoàn Media Tenor International đã làm nhiều DN VN – những đại diện cho các tổ chức hàng đầu và tăng trưởng nhanh trong nền kinh tế Việt – phải đỏ mặt tại một cuộc hội thảo khi dẫn ra ví dụ nếu nhắc đến Apple, có lẽ không ai không nghĩ đến Steve Jobs, nhưng nếu nhắc đến Mobiphone, hay FPT, là những thương hiệu mà theo ông là lớn nhất VN hiện nay, ông dám “cá” rằng ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, không ai biết đó là những thương hiệu nào, nó có tồn tại không...

Vậy thì, cũng nói như Roland Schatz, DN Việt có nên nghĩ rằng thương hiệu của mình đã rất thành công, đã được vinh danh, và chúng ta phải nên khư khư giữ lấy, không nên bán đi, không nên “gả chồng” cho nó, cho dù đó đó có thể là một người chồng tử tế, có năng lực, có đủ tài chính và kinh nghiệm để đưa con cái mình mở mang tầm mắt cùng thế giới, và cũng là để thế giới chiêm ngưỡng vẻ đẹp, sự hữu dụng của nó?

Nhìn qua một lĩnh vực khác, GS. Ngô Bảo Châu tuy học ở Pháp, công tác tại Mỹ, nhưng khi đạt thành tựu toán học quốc tế, có ai phủ nhận Tổ quốc của ông là VN, có ai phủ nhận ông là người VN, và cha mẹ, đấng sinh thành ra ông là người Việt?

Nhiều DN Việt hiện đang e dè và phản đối M&A, họ ngần ngại phải mở cánh cửa dù chỉ là thông tin giao tiếp với các đối tác từ bên ngoài, để có người tìm hiểu mình và qua đó mình cũng tìm hiểu người khác. Sợ mất DN là tâm lý chung và rất dễ thông cảm của DN Việt. Họ đã mất bao công gây dựng cơ đồ. Nhưng nếu mở cửa cho đối tác góp vốn, cùng sở hữu DN lại là phương thức, là lựa chọn không duy nhất, thì tại sao DN Việt không đặt ngược lại vấn đề: Trong tiến trình hội nhập toàn cầu, liệu DN có lựa chọn các bước đi hội nhập mà chỉ có “người nhà” với nhau và loại trừ tất thảy mọi đối tác chiến lược hay không?

Có lẽ, nếu nghĩ “thoáng” ngay từ bây giờ, và có những người nghĩ “thoáng” như doanh nhân Đỗ Anh Tú, Vũ Đình Phương..., những người đã không lựa chọn bán DN chỉ đề tồn tại, thì rất có thể VN vẫn sẽ điểm đến của những đối tác chiến lược bền lâu, chứ không chỉ là điểm đầu tư của các tổ chức tài chính đến rồi đi, hay chỉ là địa chỉ đang hấp dẫn bởi nhân công giá rẻ cùng những ưu đãi tài nguyên bất lợi cho nền kinh tế Việt trong tương lai.

DDDN
26/12/2011
  CÁC TIN KHÁC
      xây dựng thương hiệu
      Gia công phần mềm: điểm sáng trong khó khăn
      Ford chính thức khai tử thương hiệu Mercury
      Hàng Việt về quê ngước nhìn Unilever
      Bảy bước cho một blog tiếp thị thành công
      Nghiên cứu thị trường khi xây dựng chiến lược thương hiệu
      Kiếm tiền từ online : Lựa chọn hợp lý