Welcome
Thị trường bán lẻ Việt Nam 2012: Xoay sở đối phó với khó khăn
Nhu cầu mua sắm giảm, chất lượng hàng hóa không đáp ứng nhu cầu, cơ cấu hàng hóa chưa phù hợp là nhưng yếu tố khó khăn cũng như là thách thức đối với các nhà bán lẻ Việt Nam trong năm 2012

Năm 2011 gần kết thúc chứng kiến một sự sụt giảm mạnh mẽ trong tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ. Nếu như năm 2010, tăng trưởng loại trừ yếu tố tăng giá đạt 14% thì so với cùng kỳ năm trước tăng trưởng của 2011 chỉ đạt 4%. Đây có thể nói là mức tăng trưởng thấp thể hiện sự khó khăn của thị trường bán lẻ Việt Nam trong năm 2011 cũng như cho thấy viễn cảnh không thuận lợi trong năm 2012

Lạm phát bào mòn niềm tin người tiêu dùng

Yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến sức mua hàng hóa của người tiêu dùng chính là lạm phát. Giá cả tăng cao tác động trực tiếp tới khả năng chi trả của đại bộ phận người dân. Thói quen chi tiêu cũng thay đổi.

Ông Vương Thái Dũng, Phó TGD siêu thị Big C, cho biết là khách hàng có xu hướng mua sắm ít hơn, tiết kiệm nhiều hơn.  Điều này dẫn đến lượng hàng tồn kho tương đối lớn.

Theo số liệu do Tổng cục thống kê công bố thì10 tháng đầu năm 2011 hầu hết các ngành đều có lượng hàng tồn kho tăng trên 30% so với cùng kỳ. Đặc biệt một số ngành như xi măng, vôi vữa; giấy; và đồ gỗ có lượng hàng tồn kho tăng lần lượt 64,2%; 72,6% và 101%.

Hàng năm vào dịp cuối năm thì nhịp độ nhập khẩu hàng tăng mạnh tuy nhiên theo số liệu cho thấy năm 2011 lượng nhập khẩu không tăng mạnh. Lý giải cho hiện tượng này, ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, cho rằng các doanh nghiệp e sợ nhu cầu tiếp tục giảm, cùng với lượng hàng tồn kho lớn nên không dám nhập khẩu nguyên vật liệu để chuẩn bị sản xuất hàng vào quý I năm sau.

 

Chất lượng hàng hóa chưa được coi trọng

Sau nhiều năm hướng ra xuất khẩu, khi kinh tế thế giới khủng hoảng các nhà sản xuất đã quay lại thị trường nội địa với mục tiêu chiếm lĩnh sân nhà tạo cơ sở tiến ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên dường như nhiều doanh nghiệp đã quay lại thị trường nội địa với tư duy đưa hàng kém chất lượng, hàng ế, không thể xuất khẩu bán ra thị trường trong nước. Chính vì vậy đã đánh mất lòng tin của người tiêu dùng đối với hàng Việt Nam. Mặc dù có cuộc vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam nhưng rõ ràng kết quả vẫn không được như mong muốn.

Ông Dũng cho rằng thời gian tới các cơ quan quản lý Nhà nước cần quy định rõ ràng đối với các nhà sản xuất, chế biến phải minh bạch chuẩn hóa quy trình sản xuất của mình. Từ khâu nuôi trồng, mua nguyên liệu đến quá trình sản xuất đóng gói thành phẩm. Có như vậy hàng hóa Việt Nam mới có thương hiệu, từ đó nâng cao thương hiệu quốc gia.

Chia sẻ quan điểm này, ông Thiều Phương Nam, Phó TGĐ TBM Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm tại thị trường Thái Lan. Tại đây các nhà sản xuất thủy hải sản đã sử dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm do đó sản phẩm khi bán vào thị trường Nhật đã được bán giá cao hơn 20-30% nhưng vẫn được chấp nhận.

“Năm 2010, Mỹ quy định tất cả các sản phẩm bán trong siêu thị Wal Mart phải truy xuất được nguồn gốc, do đó việc áp dụng công nghệ, nâng cao chất lương sản phẩm không chỉ là khuyến khích mà còn là bắt buộc, nếu hàng hóa muốn bán được tại một số thị trường phát triển”- ông Nam nhấn mạnh.

 

Cơ cấu sản xuất, kinh doanh chưa phù hợp cơ cấu chi tiêu

Cùng với sự yếu kém của chất lượng hàng hóa thì cơ cấu hàng hóa chưa theo kịp những thay đổi trong chi tiêu của người tiêu dùng.

Tại Việt Nam thì 6 thành phố lớn chiếm 14% dân cư nhưng có sức mua chiếm 39% tổng doanh số mặt hàng tiêu dùng. Hơn nữa là sự phần tầng trong chi tiêu rất rõ. 20% người nghèo chỉ tiêu thụ 7,2% tổng doanh số bán lẻ nhưng 20% người giàu lại tiêu thụ tời 43,3%.

Như vậy hàng hóa sản xuất phải đủ quy mô và kết cấu phù hợp với sự phân bố sức mua, chi tiêu theo cả địa bàn, thành phần dân cư.

“Đáng tiếc là hàng Việt mới chỉ đủ phục vụ nhu cầu ăn uống của tầng lớp thu nhập khá tại 6 thành phố lớn, không đủ sức vươn tới phục vụ lớp giàu có tại đây. Nhưng đồng thời cũng không có hàng đủ rẻ cho người thu nhập thấp ở thành thị và thị trường nông thôn” – T.S Phạm Tất Thắng, Viện nghiên cứu Thương mại Bộ Công thương.

Do vậy mục tiêu để người Việt dùng hàng Việt vẫn rất xa vời đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa của nước ta.

Vì vậy dự báo cho năm 2012 là thị trường bán lẻ Việt Nam chưa thể có đột biến về quy mô, dung lượng thị trường cùng như tốc độ tăng trưởng. Sự phụ thuộc vào điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu cơ bản khiến cho giá thành nhiều sản phẩm, nhất là nông sản sẽ biến động bất thường. Cùng với sự cạnh tranh thầm lặng của các doanh nghiệp nước ngoài thì các nhà kinh doanh bán lẻ Việt Nam cần phải cẩn trọng, chuẩn bị tiềm lực cho giai đoạn cạnh tranh quyết liệt sắp tới

TTVN
19/12/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Những chiêu quảng cáo độc nhất vô nhị
      Burger Kinh thử nghiệm những phần ăn tùy chọn mới
      Ra mắt 2 phiên bản đồng hồ đặc biệt chào mừng Đại lễ
      Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh: "Bảo vệ người tiêu dùng cần quản chặt đầu vào"
      Xây dựng thương hiệu - Mỗi nhân viên hãy là một đại sứ thương hiệu
      Thị trường đóng băng, sàn đóng cửa
      Đọ thu nhập của các sếp công nghệ