Welcome
Lần đầu tiên ba ngân hàng tự nguyện hợp nhất
Lần đầu tiên tại Việt Nam có sự hợp nhất ngân hàng sau khi ngân hàng TMCP Đệ Nhất (FCB), ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (TNB) và ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) tự nguyện hợp nhất ngày hôm qua 6.12.2011

Theo số liệu công bố, ba ngân hàng trên trong ba quý vừa qua đều khởi sắc. Hai ngân hàng Tín Nghĩa và thương mại cổ phần Sài Gòn, lợi nhuận sau thuế trong chín tháng lần lượt là 432,4 tỉ đồng và 400,5 tỉ đồng. Còn ngân hàng Đệ Nhất, lợi nhuận trước thuế của chín tháng là gần 220 tỉ đồng. Giữa tháng 11, ngân hàng TMCP Đệ Nhất (Ficombank) vừa mua 11 tầng và đã dời trụ sở sang ở toà nhà Ficombank Tower, đồng thời đàm phán mua tiếp phần còn lại của toà nhà 27 tầng này.

SCB từng cho vay một nhóm tám doanh nghiệp bất động sản với giá trị cho vay hơn 16.000 tỉ đồng. Ảnh: Lê Quang Nhật

Vì sao nhanh chóng hợp nhất?

Các thông tin ngoài lề về thanh khoản ngân hàng lần đầu tiên được một đại diện ngân hàng nhà nước xác nhận. Trong cuộc họp báo ký kết hợp tác chiến lược toàn diện giữa BIDV và ba ngân hàng ngày hôm qua, phó thống đốc ngân hàng Nhà nước Trần Minh Tuấn cho biết, ba ngân hàng trên đã xảy ra tình trạng thiếu hụt thanh khoản trầm trọng, đến nay đã tạm thời ổn thoả. Theo đó, trong khi nguồn vốn huy động chủ yếu là ngắn hạn, thì các ngân hàng lại cho vay trung và dài hạn.

Theo thông báo, để thoát khỏi khó khăn về thanh khoản, ba ngân hàng này tự nguyện hợp nhất thành một ngân hàng mới. Tên gọi của ngân hàng sau hợp nhất sẽ được chọn lựa trước ngày 25.12.2011.Các nghĩa vụ nợ, cũng như các điểm giao dịch của ba ngân hàng sẽ được chuyển sang tên của ngân hàng mới này. Sau hợp nhất, vốn điều lệ của ngân hàng mới sẽ hơn 10.000 tỉ đồng, tổng tài sản hơn 150.000 tỉ đồng.

Đối với người gửi tiền, phó thống đốc Tuấn khẳng định quyền lợi của họ sẽ được bảo đảm. “Tôi có nói với nhân viên BIDV, nếu có tiền nhàn rỗi thì cứ gửi vào ba ngân hàng này, tôi cam kết các khoản tiền gửi được đảm bảo”, ông Trần Bắc Hà, chủ tịch HĐQT BIDV nói. BIDV sẽ tham gia toàn diện vào quá trình xử lý ba ngân hàng theo chỉ đạo, giám sát của NHNN, đảm bảo chi trả tiền gửi của dân cư, tham gia quản trị, điều hành ngân hàng sau hợp nhất, với tư cách đại diện vốn nhà nước. “Quá trình củng cố hoạt động ngân hàng mới sẽ mất ba năm. Trong năm đầu tiên sẽ tập trung xử lý nợ xấu”, ông Tuấn cho hay.

Vì sao là BIDV?

Việc hợp nhất được cho là khá nhanh chóng nhưng vội vàng, bởi đề án hợp nhất còn chưa xây dựng xong. Vì sao là BIDV mà không là SCIC, đơn vị được giao đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Lý do đầu tiên, là cả ba ngân hàng có chủ nợ chung là ngân hàng BIDV.

Ông Trần Bắc Hà, chủ tịch HĐQT BIDV, cho biết, từ trước đến nay BIDV đã cho vay ba ngân hàng tổng cộng 2.400 tỉ đồng trên tổng số tài sản đảm bảo nợ là 30.000 tỉ đồng.

Theo ông Hà, chi phí cho quá trình hợp nhất sẽ do ba ngân hàng gánh chịu. Theo ông, việc hợp nhất ba ngân hàng trên tinh thần tự nguyện; và giữa BIDV và ba ngân hàng tới nay chỉ mới là hoạt động vay mượn, chưa có sự đầu tư hay góp vốn. Do đó, BIDV chưa đặt vấn đề tham gia vào ba ngân hàng dưới dạng sở hữu hay góp cổ phần. Tuy nhiên, theo thông tin chính thức từ NHNN, BIDV sẽ đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại ba ngân hàng này.

Công bố thông tin BIDV chưa đầu tư vào ngân hàng hợp nhất sẽ không gây ảnh hưởng tới thời điểm ngân hàng này đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO) cuối tháng 12 tới. Bởi lợi ích lâu dài khi tham gia vào ngân hàng mới hợp nhất chưa thể hiện, song nghĩa vụ nợ, nếu có chắc phải lộ diện.

Trong hai tháng qua, BIDV liên tiếp có các hoạt động hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng. Cuối tháng 10, ngân hàng này công bố dành 8.000 tỉ đồng hỗ trợ thanh khoản cho hai ngân hàng Bắc Á và ngân hàng Dầu khí toàn cầu. Chưa đầy nửa tháng sau, họ hỗ trợ thanh khoản 5.000 tỉ đồng cho Ficombank, một trong ba đơn vị tự nguyện hợp nhất.

Trong khi chưa rõ vai trò của BIDV, thì vai trò cố vấn có thể dự đoán. Theo thông tin từ các trang mạng tài chính, ngày 23.11, một thoả thuận hợp tác chiến lược đã được ký kết giữa Macquarie Capital và ba ngân hàng trên. TS Lee George Lam, chủ tịch phụ trách khu vực Đông Dương của Macquarie Capital được chỉ định là chủ tịch hội đồng cố vấn của ba ngân hàng này. Không có tin phối kiểm từ Macquarie Capital.

Trong báo cáo thường niên 2010 của SCB, tổng giám đốc Vũ Thị Kim Cúc đặt mục tiêu đưa ngân hàng này trở thành một trong năm ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu của Việt Nam. Với cổ đông của ngân hàng SCB, tiền thân từ ngân hàng Quế Đô, mục tiêu này có được trao cho ban lãnh đạo ngân hàng hợp nhất hay không không quan trọng bằng việc thực hiện “sự hoàn thiện vì khách hàng” như bà Đặng Thị Xuân Hồng, chủ tịch HĐQT SCB đã nhắc tới trong báo cáo thường niên. Bởi khách hàng có hài lòng, lợi ích cổ đông mới bảo đảm.

Cũng như vậy, cổ đông Ficombank có là chủ sở hữu toàn bộ toà nhà 27 tầng hay không vẫn chưa rõ bởi Ficombank phải chờ một HĐQT mới để quyết định, cũng như quyết định mọi việc ở Ficombank

Hồng Sương
SGTT
07/12/2011
  CÁC TIN KHÁC
      "Thương hiệu” (trademark) – “nhãn hiệu” (brand) – "xuất xứ" (origine)
      Viễn thông cần cú hích mới cho tăng trưởng
      Vietcombank chính thức bán 15% cổ phần cho Mizuho
      Co-branding - xu hướng kinh doanh mới
      Chộn rộn hàng hóa đón Tết
      Không phải sữa nào cũng... ngọt!
      Đại gia nhà nước sắp "vỡ trận" hàng loạt vì thắt chặt tiền tệ?