Welcome
Nguy cơ từ rào cản bản quyền phần mềm
Hai bang Washington và Louisiana của Mỹ đã áp dụng bộ luật Cạnh tranh không lành mạnh nhờ sử dụng phần mềm không bản quyền cho hoạt động sản xuất kinh doanh và thương mại. 24 bang khác đang xây dựng những bộ luật tương tự để bảo vệ doanh nghiệp mình

Theo đạo luật trên, một doanh nghiệp sử dụng phần mềm bất hợp pháp sẽ đạt được lợi thế về giá, tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Như vậy việc không áp dụng bản quyền phần mềm sẽ làm tăng nguy cơ bị áp biên độ phá giá cao hơn trong các vụ điều tra chống bán phá giá. Trong trường hợp cơ quan điều tra Mỹ đưa vào các vụ điều tra chống bán phá giá, họ có thể cộng thêm các chi phí sản xuất thực tế từ phần mềm như chi phí thiết kế, quản lý, tiếp thị, phân phối…

Ông Vũ Bá Phú, phó cục trưởng cục Quản lý cạnh tranh, cho biết thông thường đây là các công cụ bảo hộ khá hữu hiệu ở các nước phát triển nhằm tạo ra rào cản kỹ thuật mới đối với hàng hoá xuất khẩu vào Mỹ. Vấn đề là có thể luật này sẽ mở rộng trên toàn nước Mỹ hoặc ở các nước phát triển khác, vì thế các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần quan tâm. Doanh nghiệp cũng cần chú ý dù đối tác không yêu cầu khi xuất hàng, vẫn có nguy cơ bị kiện bởi các đối thủ cạnh tranh.

Những vấn đề trên được đưa ra phân tích ở các diễn đàn chính thức được tổ chức liên tục gần đây, kêu gọi sử dụng phần mềm hợp pháp trong doanh nghiệp Việt Nam. Thanh tra liên ngành mới đây đã công bố vi phạm tại một công ty có tiếng về sản xuất hậu kỳ các chương trình truyền hình, chỉ riêng phần mềm của hãng Autodesk có giá trị đến 4 tỉ đồng; một công ty khác về tư vấn ở Hà Nội vi phạm phần mềm của Autodesk, Lạc Việt, Adobe, Microsoft.

Theo ông Trần Mạnh Hùng, giám đốc bộ phận sở hữu trí tuệ công ty tư vấn luật Baker & McKenzie tại Việt Nam, thì ngoài Washington và Louisiana, 24 bang khác đang xây dựng những bộ luật tương tự để bảo vệ doanh nghiệp mình. Trong những trường hợp như vậy, khả năng các nước tại châu Âu, Canada và Nhật cũng đưa ra các quy định tương tự. Nếu một doanh nghiệp bị kiện thì tương lai sẽ không chỉ khó vào Mỹ mà còn tại nhiều quốc gia khác.

Kể từ sau đạo luật này, các doanh nghiệp Mỹ đang đẩy mạnh nhiều hướng, các công ty tư vấn luật, các doanh nghiệp sản xuất tại chỗ cũng chính thức tham gia. Trong khi nhiều doanh nghiệp Việt Nam cho biết chưa thấy đối tác yêu cầu gì thì các nhà sản xuất nước ngoài đã lên tiếng. Rochdale Spears, nhà sản xuất đồ gỗ của Anh tại Việt Nam với hơn 2.000 nhân viên và năng lực xuất khẩu 150 container hàng tháng với 90% sang thị trường Mỹ. Chủ tịch Geoff Hawkes cho biết: “Nhiều năm qua chúng tôi đã đầu tư hàng trăm ngàn đôla cho phần mềm chính hãng để đảm bảo mọi quy định quốc tế về kinh doanh”.

Các chuyên gia cho rằng nền kinh tế Mỹ đang phải trải qua thời kỳ khó khăn, các doanh nghiệp Mỹ lại thiệt hại về phần mềm lậu trên toàn cầu, nên sức ép ngày càng mạnh lên các nhà phân phối tại Mỹ để họ buộc các nhà xuất khẩu ở nước thứ ba chấm dứt việc sử dụng phần mềm bất hợp pháp. Các chuyên gia cảnh báo đây là đạo luật khá phức tạp và ảnh hưởng đến nhiều đối tượng sản xuất, phân phối và mọi sản phẩm. Đối với Việt Nam, hai nhóm doanh nghiệp gặp nguy cơ lớn trong đạo luật này là dệt may và dụng cụ thể thao, trước mắt chú ý khi xuất hàng sang Mỹ có thể phải xuất trình giấy chứng nhận sử dụng phần mềm hợp pháp.

Tuyết Ân
SGTT
21/11/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Nhiều thương hiệu chưa tạo được sự gắn kết cảm xúc với khách hàng
      Giá vàng lên trên mốc 2,6 triệu đồng/chỉ
      Giá cả là chuyện nhỏ!
      Vietnam Airlines cân nhắc tham gia hàng không giá rẻ
      Bàn về marketing trực tuyến
      Đầu tư bất động sản: Cầm tiền cũng khổ!
      Thị trường tiếp tục điều chỉnh giảm mạnh