Welcome
“Tuýt còi” gói cước tỷ phú của Beeline : Xử sao cho đúng lý
Việc hãng Beeline tung ra gói cước tỉ phú đã tạo ra những tác động mạnh không chỉ đến người dùng viễn thông VN mà còn với cả các DN kinh doanh viễn thông khác với thị phần lớn hơn rất nhiều so với Beeline. Tuy nhiên, động thái “tuýt còi” của Bộ Thông tin Truyền thông cũng đang gây tranh cãi

Bởi dường như gói cước tỉ phú không hoàn toàn thuộc về một hình thức khuyến mãi nào trong các hình thức khuyến mãi được quy định trong Luật Thương mại. Hình thức khuyến mại gần với gói cước tỉ phú nhất là: Bán hàng, cung ứng dịch vụ với giá thấp hơn giá bán hàng, giá cung ứng dịch vụ trước đó, được áp dụng trong thời gian khuyến mãi đã đăng ký hoặc thông báo Khoản 3, điều 92 Luật Thương mại.

Không hẳn là giảm giá

Thoạt nhìn có vẻ gói tỉ phú không hoàn toàn là chương trình giảm giá. Vì gói cước tỉ phú có mức cước nội mạng: 1.350 VND/phút và gói cước ngoại mạng: 1.350 VND/phút. Cái mà khách hàng được hưởng lợi từ chương trình này là được tặng 270.000 đồng mỗi ngày để sử dụng trong nội mạng. Nói cách khác, cách tính cước vẫn là 1.350 đồng/ phút mà không hề giảm hơn trước kia. Nhưng nhìn kĩ từ bản chất thì đây là một chương trình giảm giá.

Theo đó, chỉ cần nạp vào tài khoản 20.000 đồng, khách hàng sẽ được tặng 270.000 đồng mỗi ngày (sẽ là 8.100.000 đồng mỗi tháng). Như vậy, bình thường 20.000 đồng, trước khi có gói tỉ phú, khách hàng chỉ gọi trong nội mạng được khoảng 14,8 phút. Nhưng khi tham gia gói  cước này, khách hàng sẽ gọi được 6.000 phút miễn phí nội mạng và có quyền dùng 20.000 đ trên vào việc gọi nội mạng hoặc ngoại mạng. Rõ ràng, số tiền mà khách hàng phải trả cho Beeline là giảm hơn rất nhiều so với trước đó.

Đây cũng là cơ sở để Cục Viễn thông kết luận Beeline vi phạm pháp luật khuyến mãi trong viễn thông. Cụ thể: Theo khoản 9 điều 5 Thông tư 11/2010/TT-BTTTT của Bộ Thông tin Truyền thông: “Giá trị vật chất dùng để khuyến mãi cho một đơn vị dịch vụ, hàng hóa chuyên dùng thông tin di động được khuyến mãi không được vượt quá 50% giá của đơn vị dịch vụ, hàng hoá chuyên dùng thông tin di động được khuyến mãi đó”.

Nhưng vấn đề không chỉ đơn giản như vậy. Muốn xử lí Beeline, Cục phải trả lời câu hỏi: hãng này đã giảm giá bao nhiêu so với mức tối đa 50% mà Thông tư 11 cho phép? Thứ nhất: Bởi như trên phân tích, khách hàng nạp vào tài khoản 20.000 đ sẽ được tặng 8.100.000 đồng mỗi tháng nhưng nạp tiền nhiều hơn thì cũng chỉ được tặng có bấy nhiêu mà thôi. Thứ hai: số tiền mà khách hàng nạp vào tài khoản không chỉ được gọi cho mục đích nội mạng mà còn có khả năng gọi ngoại mạng. Giảm giá, phải được đánh giá đồng bộ cả trong trường hợp gọi nội ngoại mạng mà không chỉ là sự đánh giá phiến diện là giảm giá trong nội mạng.

Tác động... trái chiều

Động thái “tuýt còi” của Cục viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông đang gây ra những quan ngại nhất định đến cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông. Sự cạnh tranh trong lĩnh vực này mang trong mình những đặc thù rất riêng. Đầu tư ban đầu của lĩnh vực này cực lớn. Để có thể thu hút thuê bao mới, các hãng viễn thông thường dựa vào ba yếu tố: chất lượng dịch vụ, giá cước, sự vượt trội của công nghệ. Với thị trường viễn thông, sự khác biệt về công nghệ tại VN hiện nay hầu như không nhiều. Trong khi đó, chất lượng các cuộc gọi, sự ổn định của tín hiệu phụ thuộc vào hệ thống hạ tầng. Nói một cách dễ hiểu, các hãng viễn thông mới độ phủ sóng không rộng và tốt như các hãng lâu đời như các hãng lớn VNPT hoặc Viettel. Kết quả là, để có thể thu hút khách hàng, việc đưa ra các gói cước cạnh tranh chính là biện pháp hữu hiện và được sử dụng triệt để bởi các DN viễn thông mới tham gia vào cuộc đua viễn thông tại VN. Thực tiễn của thị trường viễn thông VN chính là minh chứng sinh động nhất cho nhận định này. Cùng với sự tham gia thị trường của các hãng mới như Sfone, Viettel, Beeline luôn mang đến những gói cước ưu đãi là khởi điểm cho những cuộc đua về giá, kết quả khách hàng là người được hưởng lợi nhiều nhất.

Từ góc độ quản lí về khuyến mãi trong lĩnh vực viễn thông, gói cước tỉ phú đã có dấu hiệu vi phạm khuyến mãi. Nhưng nếu xử lí trường hợp này không khéo léo và linh hoạt, đôi khi cái giá phải trả còn đắt hơn nhiều so với việc vi phạm quy định về quản lí khuyến mãi. Vì như trên đã phân tích, mặc dù tiền mà khách hàng nạp vào tài khoản có thể sử dụng cho cả nội và ngoại mạng nhưng thực chất khách hàng sẽ không sử dụng gói cước này cho việc gọi ngoại mạng mà chủ yếu vẫn là nội mạng vì các lí do sau đây:

Một là, thời điểm Beeline tham gia thị trường viễn thông VN, thị trường đã quá phát triển và đang dần bão hòa. Đến thời điểm này hầu như những người dùng di động đã có một trong các SIM của các hãng tại VN như MobiFone, VinaPhone, Viettel...

Hai là, đổi số là một việc làm kéo theo rất nhiều hệ lụy. Do đó, trước sức hấp dẫn của gói tỉ phú, người ta sẽ mua và xài “thử” mà không chắc họ sẽ chuyển sang xài thuê bao của Beeline, ít ra là trong thời gian đầu. Chưa kể, giá cước gọi ngoại mạng của gói tỉ phú khá cao so với các gói cước của các nhà mạng khác.

Beeline dường như đã xác định gói tỉ phú chỉ là có thể gây tò mò và người ta chỉ sử dụng “xơ - cua”. Kết quả là việc tung ra các điện thoại giá 144.000 kèm theo. Chính điều này càng khuyến khích khách hàng trẻ mua và sử dụng gói tỉ phú, bởi họ không thể tháo và tắt đi sim chính của mình.

Như vậy, nhìn từ bản chất của vấn đề, chiến lược khuyến mại của gói tỷ phú chỉ là phát triển thuê bao. Lợi ích của chương trình này mà Beeline đạt được cũng chỉ có thế. Nếu Beeline muốn các khách hàng này gắn bó lâu dài với mình, Beeline phải đầu tư để nâng cao chất lượng. Đến đây sẽ là cơ sở cho một cuộc cạnh tranh mới giữa các hãng viễn thông. Đó cũng chính là cơ sở để cho một nền viễn thông phát triển và cũng là cái mà xã hội kì vọng. Nhà nước có nhiệm vụ cao cả là phải nâng niu và vỗ về cạnh tranh, nhưng cũng phải bảo đảm cho trật tự của thị trường khi cạnh tranh có nguy cơ bị xâm hại.

Nhìn từ góc độ cạnh tranh, gói tỉ phú chưa gây ra được các tổn hại cho cạnh tranh nếu không nói nó sẽ là động lực cần thiết cho một cuộc cạnh tranh mới trong viễn thông vốn đã khá im lắng trong thời gian vừa qua. Tất nhiên, con số 10.000 thuê bao mỗi ngày là một con số khá ngoạn mục và gây nóng mặt các hãng viễn thông khác, cho nên chắc hẳn là bộ sẽ gặp nhiều sức ép. Với chức năng quản lí nhà nước, Bộ Thông tin Truyền thông phải có một quyết định khéo léo nhằm bảo đảm pháp luật được tuân thủ nhưng không làm tổn hại đến cạnh tranh và củng cố cho những trì trệ trong kinh doanh. Đây là một quyết định khó khăn. Nhưng nếu đơn thuần chỉ dựa vào Thông tư 11/2010/TT-BTTTT để xử lí thì vấn đề đã khác mất rồi
Phạm Hoài Huấn
DDDN
09/11/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Danh tiếng trong xây dựng thương hiệu
      Nhãn hàng riêng trong cơ chế cạnh tranh
      Đại gia bán lẻ đổ bộ vào thị trường mới nổi
      Sửa đổi thuế thu nhập DN: Kiến nghị bỏ mức khống chế quảng cáo
      54 nước tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Châu Phi
      Woori nắm nhiều hợp đồng tư vấn doanh nghiệp tại Việt Nam
      Dodge Charger Pursuit sát cánh cùng cảnh sát Mỹ