Welcome
Kinh doanh du lịch: Liên kết từng đốm sáng
Một vài ví dụ về sự phối hợp tốt giữa các công ty du lịch với hàng không, đường sắt, lữ hành… đem lại hiệu quả cao đã khiến hơn 100 đại biểu tham dự buổi toạ đàm “Hợp sức cho du lịch Việt Nam” do báo Sài Gòn Tiếp Thị tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội tỏ ra rất chú ý. Thế nhưng, những ví dụ ấy chỉ là những đốm sáng nhỏ, trong bức tranh “mạnh ai nấy làm” của ngành du lịch

Đến từ công ty du lịch VietTin Travel có trụ sở tại TP.HCM, ông Lê Đình Anh Tuấn, giám đốc kinh doanh cho biết, vừa qua nhờ có vé máy bay kích cầu của Vietnam Airlines (giảm 50%) nên tour chào mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long (đi Hà Nội và miền Bắc) của công ty bán rất chạy.

Đại diện các công ty lữ hành ở phía Nam tham gia đoàn khảo sát các tỉnh Tây Bắc cùng Hanoitourist trong bữa cơm tại nhà dân Bản Lác. Ảnh: Nguyệt Hồng

Nếu như có liên kết

Tuy nhiên, gần đây Vietnam Airlines (VNA) đã dừng chương trình vé kích cầu nên các tour này không bán được nữa.

Ông Hoàng Thanh Quý, phó ban tiếp thị của Vietnam Airlines cho biết, sở dĩ có vé kích cầu hồi năm 2009 là vì khủng hoảng thế giới lan ra, khách du lịch đến Việt Nam giảm thê thảm. Khi đó các ban ngành và các công ty du lịch cũng tổ chức một hội nghị bàn tròn tìm giải pháp ở TP.HCM, và hưởng ứng chính sách khuyến khích người Việt đi du lịch nội địa, VNA đã cho ra chính sách vé giảm 50% đó. Tuy nhiên, thời điểm 2009, giá một thùng dầu có giá 72 USD, và hiện nay giá một thùng dầu đã là 112 USD. Trong khi đầu vào quốc tế của ngành hàng không chiếm tới 70% (nhiên liệu, phương tiện…) nên VNA cần phải điều chỉnh lại chính sách.

Ông Quý nói, chúng tôi biết dừng giá kích cầu là làm thất vọng cộng đồng du lịch nhưng cũng muốn được chia sẻ khó khăn của ngành hàng không.

Bà Phùng Thị Lý Hà, phó trưởng ga Hà Nội cho biết, thành công nhất hiện nay của ngành đường sắt là tuyến đi phía Tây, tức là đi Sa Pa, nhờ có các đơn vị lữ hành phối hợp chặt chẽ về nhu cầu của khách. Đáp lại, lượng khách nước ngoài đến với các công ty du lịch cũng tăng lên. Chẳng hạn như Vinatour, họ có kế hoạch trước một năm, đặt vé trước với ga Hà Nội trong cả năm không bao giờ nhỡ tàu.

Từ đó, bà Hà đề nghị các hãng lữ hành nên đặt trước vé tàu khoảng 2 – 3 tháng, tránh tình trạng đặt quá nhu cầu cần thiết gây xáo trộn. Các công ty cũng nên đặt vé trực tiếp, vì nếu qua các khâu trung gian thì giá tour sẽ bị đẩy cao hơn.

Đặc biệt, bà Hà nhấn mạnh đến việc hợp tác với các hãng lữ hành để tổng hợp nhu cầu của khách du lịch nói riêng. “Ngành du lịch nên có buổi làm việc chính thức với ngành đường sắt, để cấp trên của chúng tôi bố trí các đoàn là khách du lịch với nhu cầu chính xác. Chứ hiện nay chúng tôi không nắm được nhu cầu, chỉ thống kê chung chung là năm nay đáp ứng được bao nhiêu, điều chỉnh cho năm sau trong 5 –10%”.

Căn ke lợi ích riêng

Dưới góc nhìn của một người quan sát ngành, ông Hà Văn Siêu, viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển du lịch nhận định, liên kết trong ngành du lịch hiện nay vẫn còn rất chậm. Dường như các đối tác trong ngành còn căn ke lợi ích của mình mà chưa nhìn toàn cục... làm phương hại đến giá trị thụ hưởng của du khách, chính là làm ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ du lịch.

Đáng chú ý, ông Vương Tiến Hưng, giám đốc công ty Tân Đại Lục (TP.HCM) nhìn nhận rằng, trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước đang khó khăn, mà các dịch vụ trong chuỗi du lịch của Việt Nam đều tăng giá như hiện nay thì khó mà cạnh tranh được với các nước trong khu vực. Chi phí tiền ăn, khách sạn, vận tải, vé máy bay… đều tăng khiến tổng chi phí tour bị đội lên.

Chẳng hạn như tour đi Thái Lan hiện có giá hơn 7 triệu/người/6 ngày, trong khi tour đi miền Bắc cũng sáu ngày thì lên đến 12 triệu/người. Do đó các ngành liên quan cần xem xét để giúp tăng lượng khách du lịch trong cũng như ngoài nước.

Theo bà Phạm Lê Thảo, vụ phó vụ Lữ hành, tổng cục Du lịch Việt Nam, số liệu mười tháng đầu năm nay cho thấy vẫn có sự tăng trưởng so với năm ngoái. Số liệu thống kê sơ bộ, Việt Nam đã đón 4,8 triệu lượt khách. Mặc dù vậy, tổng cục Du lịch nhận định năm 2012 sẽ là một năm rất khó khăn cho Việt Nam.

Góp ý về định hướng cho du lịch năm sau, ông Siêu nói: “Chúng ta dự liệu một số khó khăn, tuy nhiên chúng tôi cũng khá lạc quan. Bởi Việt Nam là điểm du lịch mới, đất nước đang phát triển, như một hiệu ứng đồng bộ, du lịch công vụ kết hợp với đầu tư – nên chúng ta không quá e ngại”. Tuy nhiên, định hướng ngành du lịch phải chuyển sang mô hình tăng trưởng mới, có sự liên kết với nhau, không chỉ trong các hãng lữ hành mà còn phải hướng các ngành hàng không, bảo hiểm, ngân hàng… liên kết ngành du lịch tạo thêm tiện ích cho du khách

Việt Anh – Thanh Tuyền
SGTT
01/11/2011
  CÁC TIN KHÁC
      82% độc giả sẽ bỏ đi nếu thu phí tin online
      Nhiều cơ hội mua nhà
      FPT và NgânLượng.vn hợp tác phát triển cổng TTTT data.fpt.vn
      Cơ hội và nguy cơ của các nhà bán lẻ Việt Nam năm 2010
      Năm 2012: Doanh nghiệp sẽ tiếp tục chịu nhiều sức ép
      20 triệu USD xây trung tâm thương mại và đấu giá hoa tại Đà Lạt
      Hummer chính thức bị khai tử