Welcome
Hàng Việt chiếm lĩnh hệ thống phân phối hiện đại
Dù hệ thống phân phối hiện đại chỉ chiếm 20% thị phần của ngành bán lẻ trong cả nước nhưng đây là kênh quảng bá hàng Việt hữu hiệu nhất hiện nay. Khá bất ngờ khi biết hiện có đến 80 - 90% lượng hàng bán ra ở kênh này thuộc về hàng sản xuất trong nước

Hàng nội áp đảo

Không còn ở thế yếu so với hàng ngoại như những năm trước, sau hơn 2 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, tỷ lệ tiêu dùng hàng Việt đã tăng lên mạnh mẽ.

Theo khảo sát, trước năm 2009, số người tiêu dùng quan tâm đến hàng Việt chỉ chiếm 32%, nhưng nay đã tăng lên hơn 60% và theo dự đoán sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho rằng, nhận thức của người tiêu dùng về hàng Việt đã có những chuyển biến rõ rệt, đồng thời chất lượng hàng hóa trong nước cũng đã được nâng lên.

Thấy rõ nhất về “sức bật” của hàng Việt là tại các kênh phân phối hiện đại, cụ thể là siêu thị. Theo thống kê từ Ban Vận động chương trình “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, hiện nay, tại nhiều siêu thị, hàng nội đã chiếm tỷ lệ 70 - 90%.

Với các sản phẩm may mặc, trước đây hàng sản xuất trong nước bị lấn át bởi hàng Trung Quốc, Thái Lan và một lượng không nhỏ từ Hàn Quốc. Nhưng hiện nay, dù đang trong tình cảnh thắt chặt chi tiêu nhưng các sản phẩm may mặc trong nước vẫn tăng trưởng ở mức 22 - 25%.

Tại một số siêu thị lớn như Big C, Co.opMart..., từ đầu năm đến nay, tổng mức lưu chuyển hàng hóa sản xuất trong nước lên đến 80 - 95%.

Bà Bùi Hạnh Thu, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết, năm 1995, khi hệ thống Co.opMart mới thành lập, tỷ lệ hàng nội chỉ chiếm 10%, nhưng hiện nay đã tăng lên 90% trên hệ thống phân phối gồm 52 siêu thị Co.opMart và 23 Co.op Food trên toàn quốc.

Tương tự, ông Bascal Billaud, Tổng giám đốc Big C Việt Nam, cho biết, từ 3 năm nay, người tiêu dùng có chiều hướng tăng sử dụng hàng nội đối với một số mặt hàng trước đây hàng ngoại được ưa chuộng, như đồ gia dụng, sữa, vải sợi...Nhiều ngành hàng như vải sợi, thực phẩm tươi sống, đông lạnh... hàng Việt chiếm gần như tuyệt đối.

Trong tất cả mặt hàng bán tại Big C, dẫn đầu các ngành hàng đều là các nhà sản xuất Việt Nam như Kinh Đô (bánh kẹo...), Vinamilk (sữa), Vĩnh Tiến (giấy), Thiên Long (dụng cụ học sinh), Việt Tiến (thời trang nam...), Đại Đồng Tiến (đồ nhựa)... và nhiều nhà cung cấp khác. Đây thật sự là một tín hiệu đáng mừng đối với các nhà sản xuất Việt Nam.

Tại nhiều siêu thị khác cũng ghi nhận dấu ấn của hàng Việt. Hệ thống siêu thị Maximark trước đây được mệnh danh là “thiên đường hàng ngoại”, nhưng nay tỷ lệ hàng trong nước cũng chiếm đến 70%. Trong khi đó, các siêu thị khác như Fivimart, Vinatex Mart, Citimart... dù quy mô lớn, nhỏ khác nhau nhưng sức tiêu thụ hàng Việt cũng tăng mạnh trong những năm gần đây.

Bà Nguyễn Thị Hồng Hương, Tổng giám đốc hệ thống siêu thị Vinatex Mart, cho biết, thế mạnh của Vinatex Mart là các sản phẩm may mặc. Và trong cơ cấu hàng của siêu thị chủ yếu là hàng sản xuất trong nước, đặc biệt là sản phẩm của các công ty con trong Tập đoàn dệt may Việt Nam.

 

Giữ lợi thế

Để hàng Việt có “chỗ đứng” trên thị trường như hiện nay phải kể đến vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, của doanh nghiệp (DN) sản xuất, của nhà phân phối và cả người tiêu dùng.

Trong khi các cơ quan quản lý đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm tuyên truyền, cổ vũ, giúp nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước, chấn chỉnh thị trường..., thì các DN cũng đã cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Một thực tế không thể phủ nhận là vị thế của hàng Việt được nâng lên có sự “góp công” rất lớn của các nhà phân phối hiện đại. Không chỉ đơn thuần làm “cầu nối” giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, các siêu thị đã làm nhiều hơn thế!

Hiện nay, dù hàng Việt đang chiếm tỷ lệ rất cao trong cơ cấu hàng hóa bán tại các siêu thị, nhưng những nhà phân phối này vẫn tiếp tục đẩy mạnh sức tiêu thụ cho hàng sản xuất trong nước.

Nếu như mỗi năm hệ thống Saigon Co.op dành 40 - 50 tỷ đồng để thực hiện chương trình khuyến mãi “Tự hào hàng Việt”, thì Big C cũng liên tục tổ chức các chương trình khuyến mãi hoành tráng dành cho hàng sản xuất trong nước như “Người Việt dùng hàng Việt”, “Tuyệt vời hương vị Việt”...

Nếu như Co.opMart tổ chức các chuyến đưa hàng Việt đến người tiêu dùng nông thôn thì Big C xây dựng những khu vực đặc sản các vùng miền, dành những vị trí tốt cho các sản phẩm nội địa.

Trong khi đó, hệ thống siêu thị Vinatex Mart, với lợi thế là đơn vị con của Tập đoàn Dệt May Việt Nam, đã đẩy mạnh phân phối hàng may mặc Việt Nam. Không những thế, đơn vị này còn kết hợp với các DN may mặc trong nước làm hàng nhãn riêng để tăng doanh số cho hàng Việt.

Không dừng lại ở những việc trên, các nhà phân phối này đang đẩy mạnh xúc tiến, hợp tác với các nhà sản xuất trong nước để tăng cường sức tiêu thụ cho hàng nội. Ông Bascal Billaud cho biết, trong chính sách thu mua của Big C hàng nội luôn được ưu tiên hàng đầu.

Hàng nhập khẩu chỉ đóng vai trò đa dạng hóa và thêm sự chọn lựa cho khách hàng. Khi làm việc với các nhà cung cấp địa phương, Big C không giới hạn ở việc mua và bán, mà còn hợp tác để phát triển các dự án hướng đến chất lượng sản phẩm. Hiện nay, nhiều dự án đã được xúc tiến, như thu mua hàng nông sản tại khu vực Mekong, Đà Lạt, trồng rau củ sạch...

Ngoài ưu tiên kinh doanh hàng Việt, Big C còn đẩy mạnh công tác tìm kiếm hàng Việt có chất lượng để xuất khẩu sang các chuỗi siêu thị của Tập đoàn Casino - tập đoàn mẹ của Big C - trên thế giới. Hiện nay, mỗi năm Big C xuất khoảng 1.000 container hàng Việt gồm: nông sản, thủy sản, hàng thủ công mỹ nghệ, vải sợi, đồ gỗ... sang châu Âu, Mỹ La tinh, Ấn Độ Dương...

Không đưa hàng Việt ra nước ngoài như Big C nhưng Saigon Co.op với lợi thế về số lượng điểm bán trong cả nước cũng đã tăng cường hợp tác với các trang trại rau sạch ở Đà Lạt, Củ Chi, Hóc Môn... để có nguồn rau, củ, quả đạt an toàn vệ sinh thực phẩm với giá cả phải chăng.

Mới đây, ngày 1/10, Saigon Co.op đã mở thêm kênh phân phối mới: bán hàng qua truyền hình để tăng “độ phủ” của hàng Việt. Chương trình quảng bá hàng Việt này, theo đánh giá của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Hồng, “là một phương án hữu hiệu tạo điều kiện cho các DN trong nước, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thương hiệu đến người tiêu dùng”.

DNSG
14/10/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Thị trường tiếp tục điều chỉnh giảm mạnh
      VISA - Hình thức thanh toán phổ biến trên toàn cầu
      Nhiều doanh nghiệp bất động sản đang ngồi chờ “chết”
      Quảng cáo qua điện thoại giúp nâng tầm thương hiệu
      Dodge Charger Pursuit sát cánh cùng cảnh sát Mỹ
      Quảng cáo cũng phải dân chủ
      Xí nghiệp Lâm đặc sản Tam Kỳ – Quảng Nam: Bức tử môi trường