Welcome
Vẫn còn nhiều việc phải làm
Giá giảm nhưng lãi suất huy động vàng tăng. Điều này khiến cho tính hấp dẫn của việc sở hữu vàng (gửi lấy lãi) tăng và đến lượt nó, gây khó khăn lên chủ trương giảm tình trạng vàng hoá của NHNN

Tuần qua, cả giá vàng trong nước và tỷ giá đều biến động mạnh. Giá vàng đã giảm nhanh từ mức hơn 45 triệu đồng/lượng còn 43,4 triệu đồng/lượng, đi ngược lại với xu hướng tăng giá vàng thế giới. Tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do cũng bị hãm phanh và rơi về dưới mức 21.400 đồng. Tuy nhiên, tỷ giá USD/VND thực tế giao dịch của các ngân hàng thương mại (NHTM) và khách hàng lại có xu hướng tăng trở lại và vượt mức 21.100 đồng. Những diễn biến trên chủ yếu là do ảnh hưởng từ chính sách của ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc cho phép một số NHTM được bán một phần lượng vàng huy động trong nước và mua lại trên tài khoản quốc tế.

Giá giảm nhưng lãi suất huy động vàng tăng

Để có được nguồn vàng bán ra bình ổn thị trường, các NHTM phải tăng lượng vàng huy động cũng như đảm bảo được thanh khoản về vàng. Chính vì vậy, những NHTM được phép tham gia hoạt động bình ổn vàng là ACB, STB, EIB, TCB, và Đông Á đều lần lượt tăng lãi suất huy động đối với chứng chỉ tiền gửi bằng vàng. Tại ACB, lãi suất huy động vàng cho các kỳ hạn từ 1 – 11 tháng dao động từ 0,95 – 1,3%; tại EIB kỳ hạn từ 1 – 12 tháng đều ở mức 1,5%. Các NHTM nhỏ khác như Việt Á, HD Bank… cũng điều chỉnh tăng lãi suất chứng chỉ tiền gửi vàng lên mức 1,7 – 2%/năm nhằm đảm bảo thanh khoản ổn định cho mình. Điều này khiến tính hấp dẫn của việc sở hữu vàng (gửi lấy lãi) tăng và đến lượt nó, gây khó khăn lên chủ trương giảm tình trạng vàng hoá của NHNN.

Với khả năng huy động thêm một lượng lớn vàng khi tăng lãi suất như vậy, các NHTM này có thể yên tâm bán bớt một phần lượng vàng đã huy động và mua lại lượng vàng bán ra này trên tài khoản vàng quốc tế. Theo Tuổi Trẻ (7.10), các NHTM và SJC đã bán ra khoảng năm tấn vàng trong ngày 6.10. Với lượng vàng trong tài khoản của các NHTM hiện đang ở mức khoảng 112 tấn, theo số liệu công bố của NHNN, lượng vàng bán ra của các NHTM tuần qua chỉ tương đương khoảng 5% lượng vàng huy động của NHTM.

Nhờ có một lượng vàng lớn bán ra từ các NHTM, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đã giảm đáng kể, chỉ còn quanh mức 1 triệu đồng/lượng vào cuối tuần trước (tính quy đổi theo tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do). Mức chênh lệch này vẫn cao hơn nhiều so với kỳ vọng của NHNN là khoảng 400.000 đồng/lượng. Nếu tính giá vàng quy đổi theo tỷ giá thực tế mà các NHTM đang giao dịch với khách hàng là 21.100 đồng thì giá vàng trong nước vẫn còn đang cao hơn so với giá vàng thế giới gần 2 triệu đồng/lượng. Đây vẫn là cơ hội cho các NHTM được cấp phép bán vàng hưởng chênh lệch giá.

Thêm ngân hàng mua bán vàng tài khoản để giảm xác suất thua lỗ

Với nguồn vàng huy động hiện có của năm NHTM được phép tham gia bình ổn còn rất lớn, việc tiếp tục bán ra để bình ổn thị trường là hoàn toàn có khả năng. Hơn nữa, với mức chênh lệch giá trong nước và thế giới vẫn ở mức gần 1 triệu đồng thì năm ngân hàng này sẽ thu được khoản lợi nhuận đáng kể trong quý 4/2011.

Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh vàng của các NHTM sẽ không còn thuận buồm khi giá vàng trong nước không còn cao hơn giá vàng quốc tế. Theo quy định của NHNN, năm ngân hàng này sẽ buộc phải bán vàng khi giá vàng trong nước cao hơn 400.000 đồng so với giá thế giới, tính theo tỷ giá bình quân liên ngân hàng mà NHNN tuyên bố. Đây là điều không dễ dàng vì tỷ giá thực tế trong hệ thống liên ngân hàng có thể cao hơn tỷ giá bình quân liên ngân hàng của NHNN. Hơn nữa, với biên độ giá vàng có thể lên tới hàng trăm USD mỗi ngày như hiện tại, không có gì đảm bảo các NHTM tham gia bình ổn sẽ mua được vàng trên tài khoản với mức giá thấp hơn mức giá đã bán ra trên thị trường trong nước.

Điều này đã từng diễn ra trong quá khứ. Nhiều NHTM kinh doanh vàng tài khoản đã có nhiều thời điểm thua lỗ lớn. Với chỉ năm ngân hàng được tham gia mua bán vàng tài khoản, nếu nhiều trong số năm ngân hàng này thua lỗ sẽ khó có thể đảm nhiệm việc bình ổn giá vàng trong nước theo cam kết với NHNN.

Để giảm khả năng này, NHNN nên cân nhắc cho nhiều NHTM có khả năng quản trị rủi ro tốt tham gia kinh doanh vàng tài khoản, nếu các NHTM đó có nhu cầu kinh doanh lĩnh vực này. Khi đó, xác suất các ngân hàng thua lỗ sẽ giảm đi. Quyền lợi của người dân trong việc mua vàng đúng với giá vàng thế giới sẽ được đảm bảo

Nguyên Minh Cường
SGTT
10/10/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Richard Branson luận bàn thương hiệu
      Những phụ kiện Laptop độc đáo dành cho sinh viên
      Đăng ký thương hiệu ở nước ngoài theo cách nào?
      3 từ khóa tạo nên thành công cho doanh nghiệp
      Xây dựng thương hiệu quốc gia là vấn đề đang được chú ý trong thời gian gần đây
      5 kẻ thù của kế hoạch tiếp thị
      Tìm lối ra trong 6 tháng cuối năm