Welcome
Tiền đồng trước áp lực giảm lãi suất cho vay
Hầu hết các ngân hàng đều đang lo thừa vốn bằng tiền đồng, không cho vay được. Trong khi đó, chênh lệch lãi suất cho vay tiền đồng và đôla Mỹ chưa giảm xuống đủ để khuyến khích doanh nghiệp vay tiền đồng

Hiện nay hầu hết các ngân hàng thương mại đều dư thừa vốn tiền đồng.

Ngân hàng thừa tiền đồng

Lãi suất cho vay tiền đồng vừa được hạ xuống ở mức 16%/năm ở ngân hàng Vietcombank, hiện là lãi suất cho vay thấp nhất trên thị trường. Theo đó, đối với các đối tượng khách hàng thuộc lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, Vietcombank áp dụng mức lãi suất ưu đãi từ 17 – 19%/năm. Các khách hàng thuộc đối tượng nêu trên hoạt động tại địa bàn TP.HCM được áp dụng mức lãi suất từ 16,5%/năm. Các doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng dịch vụ thanh toán qua Vietcombank được áp dụng mức lãi suất ưu đãi từ 16%/năm. Ngoài ra, Vietcombank sẽ dành 4.000 tỉ đồng để triển khai chương trình cho vay xuất khẩu thuỷ sản và cho vay chế biến, xuất khẩu gỗ với lãi suất từ 16%/năm.

Techcombank cũng hạ lãi suất cho vay từ 19,5%/năm xuống còn từ 17,9%/năm và không hạn chế tổng nguồn vốn cho vay trong chương trình “Tài trợ xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản”. Còn ngân hàng Eximbank thì cho vay “Tài trợ vốn sản xuất kinh doanh bằng tiền đồng” với lãi suất 18%/năm.

Ở ngân hàng Đông Á, hạn mức tăng trưởng tín dụng khá rộng với 7% cho bốn tháng còn lại của năm nay. Ông Trần Phương Bình, tổng giám đốc ngân hàng Đông Á cho rằng để lấy được những khách hàng tốt của những ngân hàng khác là khó, bởi tiền ai cũng đang dư thừa mà tìm khách hàng thì “đỏ con mắt”. Đó là lý do Đông Á tập trung vốn cho những khách hàng hiện tại, và sẽ xem xét giảm một phần lãi suất cho những khách hàng cũ có lịch sử tín dụng tốt trong tháng 10 tới.

Vay USD có lợi hơn vay tiền đồng

Hiện các ngân hàng đều dư thừa vốn bằng tiền đồng, nên họ phải tìm cách tăng cường cho vay ra. Tuy nhiên, vấn đề là theo tính toán của doanh nghiệp, hiện nay, vay USD vẫn có lợi hơn vay tiền đồng.

Lãi suất cho vay bằng tiền đồng 17 – 19%/năm trong khi lãi suất cho vay bằng USD chỉ 8 – 9%/năm. Người vay USD sẽ phải tính toán rủi ro biến động tỷ giá. Nhưng theo cam kết của thống đốc ngân hàng Nhà nước, tỷ giá từ nay đến cuối năm sẽ không biến động quá 1%. Như vậy, với chênh lệch lãi suất kể trên, cộng với 1% tăng giá USD, thì vay USD vẫn lợi hơn.

Ông Bình cho cho biết, Đông Á khuyến khích doanh nghiệp vay tiền đồng. Vì dù hiện nay theo ngân hàng Nhà nước, ngoại tệ không thiếu, song doanh nghiệp vay USD phải tính đến thời điểm mua USD trả nợ thường cao điểm vào cuối năm.

Như vậy, có thể thấy, ngân hàng muốn đẩy tiền đồng thừa ra cho doanh nghiệp vay, ắt phải tính toán giảm lãi suất cho vay xuống. Phía ngân hàng Nhà nước cũng sẽ phải tính toán hỗ trợ các ngân hàng thương mại giảm lãi suất tiền đồng, hoặc tăng lãi suất USD lên. Nếu không sẽ vẫn tiếp diễn việc doanh nghiệp thích vay USD, và việc này sớm muộn sẽ gây áp lực lên tỷ giá.

Hồng Sương

Ngân hàng sợ khách rút tiền

Trong số bảy trường hợp dính nghi án huy động vượt trần lãi suất 14%/năm, chỉ có chi nhánh ngân hàng Đông Á tại Tây Ninh được xác định vi phạm, còn lại là bị tố “oan”. Thị trường còn xuất hiện hình thức lách quy định trần lãi suất, cho thấy cuộc đua giành vốn huy động giữa các ngân hàng vẫn khá căng, dù lặng lẽ. Mổ xẻ chi tiết tình huống vi phạm của ngân hàng Đông Á chi nhánh Tây Ninh, mới hay rằng, khách hàng gửi tiền yêu cầu được thoả thuận lãi suất cao hơn mức trần huy động (15,5%/năm) lại chính là giám đốc chi nhánh một ngân hàng bạn trên địa bàn (?!). Vi phạm của chi nhánh này là rõ ràng, song, dư luận không thể không đặt nghi vấn, đây phải chăng là một chiêu chơi nhau của đối thủ cạnh tranh?

Chỉ cần gửi một ngày ở ngân hàng Phương Tây (Western Bank) cũng được hưởng mức lãi suất 14%/năm. Ngân hàng này vừa thu hút thêm khách hàng khi đưa lãi suất huy động lên 14%/năm cho tất cả các kỳ hạn từ 1 ngày, 2 ngày, 3 ngày, 4 ngày, 5 ngày và 6 ngày, dành cho mọi khách hàng cá nhân lẫn doanh nghiệp. Từ vài tháng trước, lãi suất không kỳ hạn từ 2 – 3%/năm đã được ngân hàng đẩy lên 9 – 12%/năm để giành vốn của nhau. Và bây giờ là không phân biệt gửi không kỳ hạn hay có kỳ hạn khi đều ở mức 14%. Theo TS Lê Thẩm Dương, nếu gửi lãi suất như nhau thì người dân sẽ chọn gửi ngân hàng có quy mô lớn chứ không chọn ngân hàng nhỏ, khiến ngân hàng nhỏ “dễ làm liều” khi thiếu thanh khoản.

Sau khi giảm lãi suất về mức 14%/năm từ ngày 8.9, ngân hàng Đông Á trên toàn hệ thống mỗi ngày mất đi hơn 20 tỉ đồng tiền gửi, ông Trần Phương Bình, tổng giám đốc ngân hàng Đông Á cho biết. “Có lẽ thấy lãi suất giảm, khách hàng rút tiền đi mua vàng, USD”, ông phỏng đoán. Ở ngân hàng ACB, ông Lý Xuân Hải, tổng giám đốc ACB, cho biết sau khi sụt giảm 10 – 15% từ đầu năm đến tháng 8 bởi trần huy động 2%/năm, lượng tiền gửi bằng USD đang ổn định trở lại.

Vĩnh Bình – Thảo Nguyễn

Hồng Sương
SGTT
16/09/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Doanh nghiệp bất động sản và câu chuyện bó đũa
      Cơ hội trúng hàng nghìn giải thưởng lớn của Electrolux
      Doanh nghiệp đồng thanh kêu gọi giảm thuế
      5 DN ở Bến Tre bị rút giấy phép đầu tư
      Toys-Rus – Thiên đường đồ chơi của trẻ em
      Các nguyên tắc giúp quản lý tốt thương hiệu
      Sốt bia và đạo đức kinh doanh