Welcome
Viễn thông cần cú hích mới cho tăng trưởng
Thách thức lớn đối với các nhà cung cấp viễn thông Việt Nam hiện nay còn thể hiện ở mức tương quan giữa việc triển khai các mạng 3G có chi phí khá lớn nhưng chỉ số ARPU ngày càng thấp

Sau một giai đoạn phát triển nhanh, các mạng di động đang đứng trước áp lực suy giảm tăng trưởng do cạnh tranh khốc liệt nhưng lại thiếu các dịch vụ đột phá trên thị trường và chưa thu hút cộng đồng công nghệ tham gia phát triển kinh doanh.

Thu nhập của các mạng viễn thông hiện chủ yếu dựa vào thoại, tỷ trọng dịch vụ nội dung mới chỉ hơn 20%. Trong khi đó mỗi nhà mạng đầu tư hàng ngàn tỉ đồng cho hạ tầng 3G. Cơ cấu doanh thu này đang tạo nên áp lực lớn đối với nhà mạng vì cần cạnh tranh bằng dịch vụ gia tăng để tạo sự khác biệt mà chưa mạng nào thực hiện được. Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng nền tảng 3G đóng vai trò lớn trong sự phát triển kinh tế xã hội. Theo tiêu chí đo lường của tổ chức Viễn thông thế giới (ITU), khi số người tiêu dùng dịch vụ di động tăng trưởng 1% thì bình quân GDP của quốc gia đó có thể tăng 200 USD trên mỗi đầu người; đối với mạng internet, nếu mở rộng 1% thì chỉ số này tăng tương đương 400 USD.

Thiếu dịch vụ kích thích thị trường

Tuy nhiên, thực tế của thị trường viễn thông Việt Nam khó có thể áp theo tiêu chí trên, vì các nhà mạng cạnh tranh khốc liệt đã đẩy kho số khuyến mãi ồ ạt ra thị trường, tạo nên tỷ lệ tăng trưởng ảo. Theo hãng nghiên cứu BMI công bố cho quý 2 năm nay, năm 2010 Việt Nam có 155 triệu thuê bao di động, tương đương với tỷ lệ thâm nhập số dân là 176%, nếu đạt 180 triệu thì tỷ lệ này vượt quá 200%!

Tình hình này đã làm suy giảm liên tục mức doanh thu thuê bao bình quân (ARPU) và thị trường nhanh chóng rơi vào bão hoà do không có nhiều dịch vụ đủ sức kích thích lớp tiêu dùng mới.

Thách thức lớn đối với các nhà cung cấp viễn thông Việt Nam hiện nay còn thể hiện ở mức tương quan giữa việc triển khai các mạng 3G có chi phí khá lớn nhưng chỉ số ARPU ngày càng thấp. Trong khi sự tăng trưởng doanh thu viễn thông được quyết định chủ yếu bởi các dịch vụ dữ liệu do mạng 3G mang lại. Theo BMI, thị trường chỉ cải thiện nếu áp dụng được giải pháp dùng chung kho số – thông thường là giải pháp giúp thay đổi tình hình kinh doanh ở các thị trường viễn thông đang rơi vào giai đoạn trì trệ về mức tăng trưởng.

Ông Hoàng Ngọc Diệp, chuyên gia tư vấn quản lý viễn thông, sự phát triển không bền vững của các mạng di động lớn trên nền 3G còn thể hiện ở cơ cấu khách hàng với tỷ lệ thuê bao trả trước chiếm hơn 90%, thì khó có thể tin cậy vào độ trung thành của người dùng. Việc khuyến mãi làm cho người dùng thiếu độ tin cậy vào nhà mạng, trong khi đó chất lượng mạng, tính minh bạch trong quản lý dịch vụ GPRS, cách tính cước lâu nay đều có vấn đề. Tuy nhiên, mỗi năm công bố chất lượng tất cả các mạng đều đạt chuẩn, chính là do sự thiếu quan tâm của nhà quản lý chất lượng các mạng cũng như chính nhà khai thác đối với khách hàng của mình.

Tận dụng sự năng động của cộng đồng

Theo ông Diệp, hạ tầng mạng viễn thông cũng chỉ là khâu đầu tư đơn giản thông qua nhà cung cấp, điều cần thiết là đầu tư cho các quy trình quan trọng như hệ thống phục vụ khách hàng và tính cước, an toàn và bảo mật cũng như các kế hoạch điều phối phát triển nền tảng công nghệ thông tin để tận dụng mạng lưới này cho các hoạt động quan trọng về chính phủ điện tử, thương mại điện tử. Chính vì vậy các mạng dù đã có các nền công nghệ như GPRS, EDGE và 3G nhưng vẫn chưa thể cung cấp được nhiều dịch vụ ngoài các dịch vụ cơ bản cho doanh thu thấp.

Trong khi đó, các nhà mạng đã đầu tư lớn cho mạng 3G và chỉ có thể thành công khi các ứng dụng dịch vụ được thị trường chấp nhận tiêu thụ. Nhưng nhiều năm liền các nhà mạng không có chính sách mở để tạo cơ hội thị trường cho cộng đồng tham gia sáng tác nội dung, thiết kế ứng dụng để tận dụng băng thông và bán dịch vụ để tận dụng hết năng lực hạ tầng. Việc sử dụng chính sách phân chia doanh thu hà khắc của nhà mạng với các nhà phát triển trung gian trong thời gian dài, cũng làm kiềm chế sự phát triển của toàn thị trường.

TS Mai Liêm Trực, nguyên thứ trưởng bộ Bưu chính viễn thông, đánh giá rằng 20 năm qua thị trường viễn thông đã phát triển nhanh và tốt nếu nhìn theo góc cạnh phổ cập dịch vụ, hình thành được những doanh nghiệp lớn của khu vực và đầu tư ra nước ngoài. Tuy nhiên, những hạn chế lớn cũng đã bộc lộ: việc có khá nhiều nhà khai thác hạ tầng trên thị trường 100 triệu dân đã làm chia sẻ băng tần và đẩy chi phí đầu tư tăng cao. Điều này cũng tạo ra những trì trệ nhất định trên thị trường vì việc sử dụng và chia sẻ hạ tầng rất khó khăn.

Theo ông Trực, giải pháp cho thị trường viễn thông cạnh tranh trong giai đoạn mới là xã hội hoá để nhiều khu vực tham gia nhằm đa dạng nguồn đầu tư vào viễn thông ngoài ngân sách nhà nước. Cơ chế kinh doanh viễn thông mới theo mô hình các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng mạng là nhà bán buôn, các nhà phát triển dịch vụ là nhà bán lẻ. Khi mối quan hệ này mở rộng được, thì toàn thị trường mới có thể vươn xa nhờ sự năng động của nhà đầu tư mới và cộng đồng kinh doanh và phát triển ứng dụng trên băng tần của nhà cung cấp.

Các chuyên gia cho rằng, việc trì hoãn cổ phần hoá cũng dẫn đến những bất lợi vì ngành viễn thông đang bắt đầu suy giảm lợi nhuận trên doanh thu, về khoản nộp ngân sách nhà nước. Giải pháp tốt vẫn là đẩy nhanh tiến trình cổ phần hoá để huy động nguồn lực xã hội.

SGTT
29/08/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Jetstar cung cấp chuyến bay mới giá rẻ đến Perth
      Những ý tưởng lớn
      Làm hàng mã nhái nhãn hiệu cũng bị bắt
      Google và Intel bắt tay thử sức với smartphone
      ACB, Eximbank, Sacombank sẽ là người một nhà?
      Sắp diễn ra Triển lãm Cưới 2010
      Niềm tin trở lại các sàn chứng khoán thế giới