Welcome
Thu hẹp kinh doanh hàng dệt may nội địa
Nhiều doanh nghiệp dệt may buộc phải thu hẹp sản xuất do hàng tiêu thụ chậm, tồn kho tăng

Một doanh nghiệp sản xuất hàng thời trang có hệ thống bán lẻ gần 40 cửa hàng, đại lý trên cả nước, vừa thống kê vào 25.7, lượng hàng tồn kho đến 62% trên tổng lượng sản xuất.

Tiêu thụ giảm

Người phụ trách kinh doanh của đơn vị này cho biết: “Tồn kho nhiều nên công ty đang bị lỗ cả tỉ đồng, dù từ tháng 4.2011 đến nay, công ty này liên tục khuyến mãi, giảm giá, tặng quà, bốc thăm may mắn…” Chủ doanh nghiệp đã đồng ý cho bán đồng giá 80.000 đồng cho những món hàng giá trên 200.000 đồng, nhưng không chắc đẩy hết hàng tồn, vì có công ty khác có hệ thống cửa hàng nhiều hơn, đã bán giá 50.000 đồng/chiếc trong các tháng 5 và 6, mà vẫn không đông khách.

Bà Đặng Quỳnh Đoan, công ty thời trang Việt Thy kể: “Không chỉ các bà nội trợ, giới trẻ cũng đang tiết kiệm nhiều. Nếu trước đây chọn được 3 – 5 món vừa ý thế nào họ cũng mua ít nhất hai món. Còn bây giờ chỉ một số ít mua một món, số còn lại không mua”. Doanh số bán hàng của Việt Thy đến thời điểm này tăng khoảng 15% so cùng kỳ năm ngoái, nhưng theo bà Đoan, nếu trừ đi mức tăng giá 20%, coi như đã bị sụt giảm.

Tương tự ở hệ thống siêu thị Co.opmart, mức tăng trưởng ngành hàng may mặc hiện nay đang trên 20% so với cùng kỳ. Theo bà Bùi Thị Hạnh Thu, phó tổng giám đốc Saigon Co.op, thì nếu loại trừ yếu tố tăng giá và mở thêm nhiều siêu thị Co.opmart mới trong thời gian qua, thì xem như tiêu thụ hàng may mặc gần như không tăng.

Ở công ty may Việt Tây, ông Võ Văn Tân, chủ công ty cho biết, trong tháng 6 và 7, tiêu thụ hàng may mặc giảm đến 35%.

Lượng vải kate tồn kho tại công ty Việt Thắng đã lên đến 4,5 triệu mét. Ông Nguyễn Đức Khiêm, chủ tịch hội đồng quản trị Việt Thắng, kể: “Tháng 3.2011, tôi ký hợp đồng bán vải kate giá 25.000 đồng/mét. Tháng 7 vừa rồi năn nỉ mãi, khách mới chịu mua với giá 17.000 đồng/mét, mà còn phải chấp nhận cho họ trả chậm”.

Chủ doanh nghiệp tư nhân chuyên bán sỉ các loại vải visco, cotton dệt chéo, kate ở khu Soái Kình Lâm, quận 6 than: “Tôi cũng không biết mình đã lỗ bao nhiêu vì hàng trăm ngàn mét vải vẫn còn chất đống trong bốn nhà kho. Mua vào lúc giá trên 20.000 đồng/m, nay bán với giá 15.000 – 16.000 đồng/m, chịu cả phí vận chuyển, cho trả chậm ba tháng… vẫn không bán được”.

 

Thu hẹp sản xuất

Mỗi tuần công ty dệt Việt Thắng phải cho công nhân nghỉ hai ca sản xuất, khi thị trường tiêu thụ quá chậm. Ông Khiêm cho biết như vậy.

Ngoài Việt Thắng, có ba công ty khác đang sở hữu thương hiệu thời trang được nhiều người tiêu dùng biết đến trên thị trường nội địa, cũng cho công nhân nghỉ hai ngày cuối tuần và một buổi trong tuần.

Nhiều cơ sở tư nhân sản xuất quần áo may sẵn ở khu vực phường 11, 12, Tân Bình chỉ làm việc vài ngày/tuần, không còn cảnh thợ làm thuê sáng dậy sớm, tối thức khuya.

Chủ tịch hội đồng quản trị một công ty may có trên 4.000 công nhân tại TP.HCM, có kế hoạch thôn tính những đơn vị yếu kém, đã tập hợp được danh sách gần cả chục xưởng may khu vực quận 12, Hóc Môn, Thủ Đức… đang trong tình trạng chỉ sản xuất 3 – 4 ngày/tuần, nợ lương công nhân, nợ tiền mua nguyên liệu… sắp đóng cửa

SGTT
03/08/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Phao cứu sinh trong khủng hoảng: Dựa lưng các thương hiệu bảo đảm
      BMW vẫn dẫn đầu thị trường xe sang
      Máy tính bảng và người dùng Việt: Cả thèm chóng chán?
      Nhóm cổ phiếu ngân hàng : Cung sẽ vượt xa cầu
      Thực hiện đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng
      Cần sự sáng tạo và khác biệt
      Sử dụng thiết bị trong nước tại công trình đấu thầu: Không chỉ… hô hào