Welcome
Thời của quy mô và công nghệ
Liên tục đầu tư để mở rộng quy mô và hiện đại hóa công nghệ sản xuất đã đưa Tôn Đông Á từ một công ty nhỏ trở thành nhà sản xuất tôn mạ có quy mô và khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực chỉ trong 12 năm

Năm 2008, giữa lúc kinh tế thế giới đang rơi vào khủng hoảng, nền kinh tế Việt Nam phải chật vật đối phó với tình trạng lạm phát tăng vọt và không ít doanh nghiệp buộc phải đình hoãn các dự án đầu tư để chờ khó khăn đi qua, Công ty cổ phần Tôn Đông Á lại liên tiếp đầu tư hai dây chuyền sản xuất tôn mạ màu và mạ hợp kim nhôm theo công nghệ NOF. Nay trong lúc tình cảnh kinh tế Việt Nam vẫn còn khó khăn, Đông Á lại quyết định đầu tư tiếp 3.000 tỉ đồng để xây thêm nhà máy mới ở tỉnh Bình Dương, để sản xuất những sản phẩm có độ dày tới 3 mi li mét.

Ông Nguyễn Thanh Trung, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tôn Đông Á, cho biết: “Tất cả chương trình đầu tư của Tôn Đông Á đều đã được nghiên cứu kỹ và lên kế hoạch từ trước, với chiến lược và tầm nhìn dài hạn. Khó khăn của nền kinh tế chỉ là nhất thời và tuy có ảnh hưởng một chút đến kết quả kinh doanh của công ty trong ngắn hạn, nhưng chúng tôi không vì khó khăn nhất thời đó mà thay đổi quyết định của mình”.

Lịch sử phát triển của Tôn Đông Á dường như gắn liền với khó khăn và khủng hoảng. Ngay từ lúc mới thành lập vào năm 1998, công ty đã phải đương đầu ngay với khó khăn từ cuộc khủng hoảng tài chính của khu vực châu Á. Đây là những liều thuốc thử tốt cho các nghiên cứu, tính toán của Tôn Đông Á và đến nay kết quả luôn đúng. Chỉ trong 12 năm, công ty đã vươn lên và chiến lĩnh 18% thị phần tôn lợp trong nước. Các dây chuyền thiết bị thường chỉ sau 2-3 năm hoạt động đã vận hành hết công suất. Hiện nay, tổng công suất thiết bị của Tôn Đông Á khoảng 280.000 tấn/năm. Với nhà máy mới sẽ được khởi công xây dựng trong tháng 10-2011, năng lực thiết bị của công ty sẽ đạt 600.000 tấn. Theo ông Trung, dự án này không chỉ giúp Tôn Đông Á củng cố vị thế của mình ở thị trường nội địa và khu vực, mà còn mở ra khả năng xuất khẩu sang châu Âu và Bắc Mỹ.

“Mỗi quyết định đầu tư của chúng tôi đều là kết quả của quá trình nghiên cứu nhiều năm”, ông Nguyễn Thanh Trung tiết lộ. Ông cho biết, nghiên cứu và phân tích nhu cầu thị trường là việc quan trọng trước tiên phải làm, trong đó phải dự báo cho được tiềm năng phát triển trong nước và khả năng xuất khẩu, các tác động của chủ trương và chính sách ở tầm vĩ mô. Sau đó phải định vị sản phẩm và vị trí của mình trong thị trường. Ngoài ra, việc lựa chọn công nghệ và quy mô đầu tư cũng đóng vai trò quyết định đối với sự thành bại của một dự án.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, nhu cầu thị trường nội địa đối với sản phẩm tôn mạ đến cuối năm 2010 đạt gần 1,2 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, năng lực sản xuất trong nước hiện cũng lên đến gần 1,9 triệu tấn, nghĩa là cung đang vượt cầu khá xa. Nhìn vào số liệu trên, hẳn ai cũng nghĩ đầu tư vào sản xuất tôn mạ sẽ khó đem lại hiệu quả. Nhưng thực tế lại không hẳn như vậy. Ông Nguyễn Thanh Trung nhấn mạnh: “Chúng ta phải nhìn vào cơ cấu sản phẩm, triển vọng phát triển của thị trường và quy mô, công nghệ của ngành sản xuất tôn mạ của Việt Nam”. Theo ông, nếu xét đến yếu tố phải cạnh tranh với các đối thủ đến từ các nước trong khu vực và khả năng mở rộng thị trường ra bên ngoài, thì đầu tư là việc phải làm.

Ông nói: “Nếu sản phẩm làm ra có chất lượng thấp, giá thành cao, thì cho dù nguồn cung trong nước chưa vượt cầu, doanh nghiệp cũng khó có thể tồn tại”. Ông cho biết thêm, hiện nay, yếu tố quan trọng để tạo ra sức cạnh tranh cho doanh nghiệp là sản xuất với quy mô lớn và công nghệ hiện đại. Với ngành sản xuất tôn mạ, doanh nghiệp phải có quy mô sản xuất ít nhất là trên 100.000 tấn/năm mới có khả năng cạnh tranh. Ông Trung dự báo, sắp tới đây sẽ có không ít dây chuyền sản xuất quy mô nhỏ, công nghệ cũ bị đào thải và chỉ những công ty có quy mô đủ lớn và công nghệ sản xuất tốt mới có nhiều khả năng để tồn tại và phát triển.

Chương trình đầu tư mở rộng quy mô và hiện đại hóa công nghệ sản xuất liên tục trong gần 10 năm qua, không những giúp Tôn Đông Á củng cố, gia tăng thị phần trong nước, mà còn dần mở rộng thị trường của mình ra nước ngoài. Từ đầu năm 2010, khi dây chuyền sản xuất tôn mạ hợp kim nhôm theo công nghệ NOF của công ty bắt đầu hoạt động, sản phẩm nhập khẩu cùng loại đã bị đẩy lùi dần khỏi thị trường Việt Nam. Đồng thời, tỷ trọng sản phẩm xuất khẩu của Tôn Đông Á cũng tăng mạnh. Đến cuối năm ngoái, 20% sản lượng của công ty đã được xuất khẩu sang Indonesia, Philippines, Malaysia, Lào, Campuchia, châu Phi và Nam Mỹ... và dự kiến sẽ tăng lên 30% trong năm nay. Ông Nguyễn Thanh Trung khẳng định: “Với kết quả tổng sản lượng đã đạt được gần 60.000 tấn trong sáu tháng qua, tôi tự tin sẽ đạt được mục tiêu xuất khẩu 30% sản lượng trong năm nay”.

Bên cạnh đó, với nhà máy sản xuất tôn mạ dày đến 3 mi li mét đang chuẩn bị xây dựng và dự kiến vận hành vào năm 2013 và 2015, Tôn Đông Á đang hướng đến những thị trường mới ở Bắc Mỹ và châu Âu. Ông Trung cho biết: “Nhu cầu tôn mạ dùng cho công nghiệp, như các ngành chế tạo thân ô tô, các loại đồ điện gia dụng như tủ lạnh, máy giặt, máy lạnh ở Bắc Mỹ và châu Âu rất lớn. Đây là thị trường nhiều tiềm năng mà chúng tôi tự tin có đủ sức để thâm nhập”.

Sau bao năm chật vật cạnh tranh với hàng nhập từ nước ngoài, ngành thép Việt Nam nói chung và tôn mạ nói riêng đang khẳng định dần sức cạnh tranh không chỉ ở thị trường nội địa, mà còn bắt đầu vươn mạnh ra nước ngoài. Năm ngoái, sản lượng tôn mạ xuất khẩu của Việt Nam đã đạt 227.000 tấn, tăng gần tám lần chỉ trong vòng năm năm, góp phần đáng kể vào tổng kim ngạch xuất khẩu gần 1,2 tỉ đô la Mỹ của toàn ngành thép. Với sự xuất hiện của những công ty thép có quy mô ngày càng lớn và công nghệ hiện đại, ngành sản xuất thép Việt Nam, trong đó có sản phẩm tôn mạ, đã có thể mở cánh cửa để bước ra thị trường rộng lớn của thế giới

Tấn Đức
Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online
20/07/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Quản trị điều hành Cty cổ phần : Những vướng mắc từ… pháp lý
      Thị trường BĐS Việt Nam: Quá nhiều điểm yếu
      Quan niệm sai về marketing của doanh nghiệp nhỏ
      Lỗi thời chuyện… sơn đâu cũng đẹp
      Làm mới thương hiệu
      Giá trị thương hiệu và trách nhiệm xã hội
      Tổng thống Obama sẽ tới thăm Việt Nam