Welcome
Khi quảng cáo mua sắm trên truyền hình bị bỏ ngỏ
Xuất hiện lần đầu tiên tại Florida (Mỹ) vào đầu thập niên 80 với tên gọi Home Shopping Club, kênh mua sắm qua truyền hình (home shopping) phổ biến tại nhiều quốc gia và trở thành một phương thức mua sắm của các bà nội trợ hiện đại. Tại Việt Nam, bán hàng qua truyền hình xuất hiện đầu tiên vào khoảng năm 2008 và chỉ một thời gian sau, đã nhanh chóng bước vào giai đoạn bùng nổ, song song với sự phát triển của số lượng thuê bao cáp

Gần đây, khi một công ty chuyên bán hàng qua truyền hình bị phát hiện và xử phạt gần nửa tỉ đồng vì hành vi bán hàng giả, hàng nhái, vấn đề về trách nhiệm của các nhà đài và thẩm quyền duyệt nội dung quảng cáo của các cơ quan chức năng được nhiều người tiêu dùng đặt ra, nhất là những người tiêu dùng đã từng là nạn nhân.

Bùng nổ và đầy sạn!

Trách nhiệm của các nhà đài và thẩm quyền duyệt nội dung quảng cáo của các cơ quan chức năng được nhiều người tiêu dùng đặt ra. Ảnh: SGTT

Tính đến nay, cả nước có gần mười kênh truyền hình bán hàng, phát sóng 24/24, như Home Shopping Network (HSN) trên kênh SCTV, Viet Home Shopping (VHS) trên HTVC+, TVS-VHS trên kênh SCTV5, TV Shopping trên VCTV11 hay mới nhất là SCJ Life On mới lên sóng SCTV vào đầu tháng 7.2011… Bên cạnh đó, hàng loạt đài truyền hình từ trung ương đến địa phương đều phát sóng bán hàng xen kẽ, theo kiểu “Sự lựa chọn hoàn hảo”, kể cả kênh truyền hình dành cho trẻ em như Sao TV. Với ưu thế về hình ảnh, cộng lời bình luôn “trên cả tuyệt vời” và chính sách giao hàng tận nhà, các kênh bán hàng qua truyền hình nhanh chóng tạo được lực hút với các bà nội trợ.

Chẳng có gì đáng nói nếu các kênh bán hàng qua truyền hình là cầu nối của những sản phẩm uy tín chất lượng, đằng này lợi dụng sự lỏng lẻo của cơ quan quản lý và nhà đài, các kênh này thường đưa ra sản phẩm tệ hơn hàng chợ nhưng khoác áo thần kỳ khiến nhiều khách hàng ngậm trái đắng, thậm chí tiền mất tật mang. Chị Như Ý (quận Tân Bình) viết: vì tin mẩu quảng cáo hấp dẫn đã mua tặng bạn thân trang sức vàng nano đính kim cương thiên nhiên (!?) với giá trên 1 triệu đồng, ai ngờ người bạn mới sử dụng vài lần đã gãy. Khi mang ra tiệm vàng sửa thì người bán từ chối, bảo chỉ là hàng chợ đáng giá vài chục ngàn đồng làm cô bạn một phen bị quê và giận chị Ý một thời gian. Mãi về sau khi biết là hàng mua qua truyền hình, cô bạn mới nguôi ngoai và thông cảm.

Xu hướng lựa chọn hàng có thương hiệu uy tín và quen thuộc

Thời gian gần đây, các kênh home shopping bắt đầu giới thiệu những sản phẩm mang thương hiệu Việt như đồ gia dụng Sunhouse, Goldsun, Happy Cook, yến sào Yến Việt, nữ trang PNJ, nội thất Picenza, An Duong Home Centre... Đây là những thương hiệu uy tín, có giá tương đương thị trường, thậm chí có khuyến mãi giảm giá chứ không bị đội giá. Ngoài ra còn có một số thương hiệu quen thuộc tại thị trường Việt Nam như Panasonic, Sharp, mỹ phẩm Bonjour, hộp Lock&Lock… là những điểm sáng góp phần gỡ lại uy tín của việc bán hàng qua truyền hình.

Bên cạnh những sản phẩm có “chất lượng lừa đảo”, người tiêu dùng còn bị bật ngửa bởi những sản phẩm được quảng cáo quá mức hoàn hảo. Đó là những sản phẩm chỉ được nhấn mạnh ưu điểm, không hề nói đến nhược điểm, chính vì vậy mà người tiêu dùng luôn “vỡ mộng”. Chị Thanh Hoà (quận 6) chia sẻ: “Tôi thấy chiếc máy xay sữa đậu nành trên truyền hình quá hấp dẫn cộng với xuất xứ Đức nên yên tâm đặt hàng. Quảng cáo tiện ích thế nhưng mỗi lần sử dụng chà rửa rất cực, điều này chẳng hề nghe nói tới, nên dùng vài lần là xếp xó”. Tương tự như chị Hoà, chị Mến hàng xóm cũng đặt mua chiếc nồi đa năng của Hàn Quốc trên tivi, nhưng về dùng mới phát hiện quá rắc rối, nấu nhiều món Việt Nam không phù hợp.

Cần cơ quan chức năng kiểm duyệt nội dung

Trên các diễn đàn mạng, người tiêu dùng thường xuyên lập các topic để tìm kinh nghiệm trước khi đặt mua hàng trên tivi. Với những bà nội trợ không rành công nghệ, cách cảnh giác là vào siêu thị – chợ để xem giá sản phẩm cùng một tính năng, hoặc chọn những kênh bán hàng có xuất xứ tốt như Hàn, Nhật, Mỹ... Tuy nhiên ngay cả những kênh được xem là chuyên bán hàng có xuất xứ rõ ràng vẫn có những sản phẩm bị thổi phồng tính năng và bán giá cao ngất ngưởng. Do vậy dù là hàng tốt, vẫn bị mua “hớ”. Megago – một thành viên diễn đàn webtretho chia sẻ kinh nghiệm: “Các mẹ chỉ nên xem các kênh này để giải trí và nắm bắt thông tin thôi, cần gì cứ ra chợ mua thể nào cũng có. Ví dụ như nồi ủ inox, trên tivi đã giảm giá vẫn còn hơn 1 triệu đồng, nhưng ngoài chợ Kim Biên chỉ bán khoảng 600.000 đồng cho sản phẩm 6 lít cùng chức năng. Mua ở chỗ quen, đổi trả hay bảo hành cũng dễ”.

Mặt khác, chính sách đổi trả hay bảo hành cực kỳ khó khăn, nhất là khi món hàng rơi vào nhóm lập lờ hiệu quả như kem dưỡng da, thuốc bổ, áo làm ốm, nữ trang, mỹ phẩm, máy đuổi côn trùng... nên phần lớn người tiêu dùng không thể khiếu nại. Chính vì vậy, cần phải có cơ quan chức năng rà soát nội dung quảng cáo, về hình ảnh cũng như lời bình trước khi phát sóng, nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, chứ không chỉ nói suông là: “Hãy là người tiêu dùng thông thái”.

Thanh Châu
SGTT
12/07/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Cẩn trọng vi phạm hợp đồng
      Electrolux – Tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới
      Giá cao vẫn bán chạy nhờ thương hiệu
      Các marketer không hào hứng với công nghệ di động
      Trần Anh: Mở “đại tiệc” IT chào năm học mới
      M&M - Sôcôla sữa
      Bí quyết cho một thông điệp quảng cáo hay?