Welcome
Bực mình với mua hàng theo nhóm
Giá mắc hơn mua tại chỗ, phục vụ không tốt, hàng hóa kém hơn hẳn so với quảng cáo… là những bức xúc của nhiều người tiêu dùng về nhiều sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mua từ các trang web bán hàng qua mạng theo mô hình mua theo nhóm (nhiều người cùng mua một sản phẩm và dịch vụ thông qua giao dịch tại một trang web của nhà cung cấp trung gian) hiện đang nở rộ...

Tưởng rẻ hóa đắt

Chị Hồng Sương, nhân viên văn phòng tại quận 3, TPHCM kể, tuần rồi vừa đi du lịch tại một khu nghỉ dưỡng ở Bình Thuận trong 2 ngày 3 đêm bằng phiếu mua trên nhommua.com và rất bực bội vì có cảm giác bị lừa.

Theo chi Sương, giá mua trên nhommua là 1.220.000 đồng, được quảng cáo là giảm 50% so với giá gốc và đi vào thứ 7, chủ nhật phải phụ thu thêm 500.000 đồng/phòng. Tuy nhiên, trong 3 gia đình (6 người) đi hôm đó, có 2 gia đình không có phiếu, đến nơi mua tại chỗ thì cũng được giá 1.220.000 đồng và không hề bị phụ thu 500.000 đồng.

"Gia đình sử dụng phiếu bị phụ thu thêm 500.000 đồng, bù lại được ăn bữa tối cho 2 người. Ngược lại, người không phải đóng phụ thu thì phải tự trả tiền. Vấn đề nằm ở chỗ, số tiền mấy người bạn tôi trả cho bữa tối đó chỉ hết có 600.000 ôồng/5 người ăn. Tính ra, giá trên nhommua không hề rẻ hơn. Tiếc cái công mình hồi hộp canh chừng để đặt mua, rồi mất công gọi điện tới lui, đặt chỗ tới lần thứ 3 mới được”, chị Sương bức xúc.

Cũng liên quan đến phòng nghỉ tại khách sạn, chị Phương (nhà tại quận Tân Phú, TPHCM) lại gặp trường hợp “mua hớ”. Chị Phương cho hay, sau khi mua phiếu sử dụng của một khách sạn tại Đà Lạt trong 2 ngày 3 đêm với giá 1,5 triệu đồng/2 người lớn tại một trang mua chung, được quảng cáo là giá thấp nhất thì chị phát hiện cũng khách sạn đó, cũng chương trình đó bán tại trang khác chỉ với giá 1,35 triệu đồng.

Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng

Nhiều khách hàng của các trang mua hàng theo nhóm rút kinh nghiệm khi mua hàng hóa, dịch vụ theo hình thức này là phải “đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng”.

Theo đó, có nhiều mặt hàng khi giao bán mới coi có vẻ rất hấp dẫn, đặc biệt là giá rẻ nhưng khi đọc kỹ các điều kiện mới thấy vấn đề. Ví dụ, vị trí quá xa trung tâm, giá tour chưa bao gồm giá vé máy bay, vé tàu hỏa hoặc chưa có thuế VAT, chỉ áp dụng phiếu với một hoặc một số mặt hàng, không được cộng dồn các phiếu…

Chị Ngọc Nga, nhân viên kế toán tại một công ty tại quận 3 lại rước bực vào mình với phiếu ăn tại một nhà hàng ở quận 3 mua trên nhommua.com. Theo chị Nga, thông tin trên trang web nơi ăn là nhà hàng nhưng trưa đó, chị và mấy người bạn đến thì tá hỏa vì nhân viên nữ mặc váy ngắn không thể ngắn hơn. Điều chị Nga bực mình hơn cả là dù giữa trưa nhưng gọi nhiều món thì được trả lời không có vì bếp chưa đi chợ về, món có thì đợi lâu lắc mới được bưng ra…

Chị Nga cũng từng được mời đi ăn pizza với nhóm bạn từ phiếu mua hàng trên mạng, giá 80.000 đồng/phiếu (giảm 50% so với giá gốc). Trên phiếu có ghi điều kiện chỉ được áp dụng với một món ăn nhưng chỉ ghi mã số, không mô tả. Đến khi đi ăn, mấy chị em mới biết món có mã số trên phiếu không hấp dẫn, đành phải bỏ tiền thêm để ăn theo sở thích.

Trong khi đó, anh Thụ, làm việc tại một tòa soạn báo ở TPHCM lại phải bỏ phiếu nha khoa mua theo nhóm vì hết hạn sử dụng. “Thời hạn sử dụng phiếu của tôi là 2 tháng, tính từ thời điểm bấm nút đặt mua. Mất gần 1 tháng phiếu mới đến tay tôi. Rồi quanh đi quẩn lại, khi tôi thu xếp được thời gian, nhìn lại phiếu thì hết hạn sử dụng”, anh Thụ kể.

Nhà cung cấp trung gian bó tay?

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, bà Võ Gia Giao, Giám đốc chi nhánh nhommua.com khu vực Hà Nội (trước đó phụ trách khu vực TPHCM) không lý giải trực tiếp vào trường hợp phàn nàn của khách hàng kể trên nhưng thừa nhận, hiện có không ít nhà cung cấp dịch vụ phục vụ không tốt như quảng cáo trên website. Nguyên nhân là do các đơn vị này chưa đánh giá đúng nhu cầu của khách hàng, không chuẩn bị trước tâm lý và nhân lực nên khi có một lượng khách đông đột biến thì tỏ ra lúng túng.

Cũng theo bà Giao, những nhà cung cấp dịch vụ này khi làm việc với nhommua thường ký kết hợp đồng chặt chẽ về thời gian áp dụng, về số lượng phiếu bán ra, về chương trình khuyến mãi… nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn “quên đối tác”, tự ý bán cho khách hàng ngoài, khách hàng mua tại chỗ hoặc hợp tác với trang bán hàng khác. Đó là lý do nhiều khách hàng không đặt được phòng vì luôn ở tình trạng kín chỗ hoặc khi sử dụng dịch vụ bị phân biệt đối xử.

“Chúng tôi luôn luôn nói chuyện với các đối tác này về việc tuân thủ hợp đồng nhưng nhiều trường hợp vẫn không được. Trong một vài trường hợp, khi chứng minh được đối tác làm sai, chúng tôi đã phải dùng đến biện pháp mạnh là phạt trực tiếp, hủy hợp đồng và yêu cầu trả lại tiền cho khách đã mua phiếu”, bà Giao nói.

Bà Giao thừa nhận, hiện nhommua tại khu vực TPHCM đã có bộ phận thanh tra làm nhiệm vụ kiểm tra tính xác thực của các thông tin do đối tác cung cấp, về món ăn, về dịch vụ, mặt hàng… cũng như xác minh các phàn nàn của khách hàng. Tuy nhiên, vẫn không kiểm soát hết được. “Trong 100% thì cũng còn 2-3% sơ sẩy. Tuy nhiên cũng phải nói rằng, không ít trường hợp phàn nàn của khách hàng là thiếu cơ sở do không đọc kỹ các điều kiện ghi trên phiếu bán hàng”, bà Giao cho hay.

Bà Giao cũng cho biết, khách hàng khi đã mua phiếu chỉ có thể được hoàn tiền trong trường hợp nhà cung cấp trung gian xác minh được điều phản ánh là đúng thực tế và nhà cung cấp dịch vụ không chịu thừa nhận, không chịu xin lỗi khách hàng và thực hiện khắc phục.

Theo đại diện một trang web không muốn nêu tên, mô hình mua hàng theo nhóm vừa trải qua thời gian tăng trưởng chóng mặt. Đáng kể nhất là nhóm hàng du lịch với các tour tuyến, khách sạn, khu nghỉ dưỡng khi đem lại doanh thu chính cho các trang web. Chính sự tăng trưởng và lợi nhuận đó mà các website áp dụng mô hình bán hàng này mọc lên như nấm, chạy đua về giá để thu hút khách hàng. “Nhiều trang bán hàng chỉ biết áp dụng mô hình bán hàng, không hề có đội ngũ chăm sóc người mua, kiểm tra đối tác. Thực tế này đang làm khách hàng mua theo nhóm dần mất lòng tin, ảnh hưởng đến cả mô hình kinh doanh vốn rất phát triển tại nhiều nước trên thế giới này”, vị này nói.

Chị Phương ở câu chuyện mua khách sạn ở trên cho hay, hiện nhiều trang web bán hàng đang “phủi” tay sau khi bán hàng hóa. Chị dẫn chứng, khi hỏi nhân viên giao phiếu của trang web về việc muốn lấy hóa đơn thì được trả lời không biết. Có nhân viên thì thẳng thừng: "Từ đây về sau là chuyện của nhà cung cấp dịch vụ, trang web không có trách nhiệm gì".

 

Minh Tâm
Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online
12/07/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Sôi động “bán - mua” doanh nghiệp
      Nhận diện những thách thức mới
      Khi ngành bất động sản tiếp thị trực tuyến
      Cách phối màu trong thiết kế.
      Chương trình bình ổn giá nếu mở ra cho cả doanh nghiệp nước ngoài thì sẽ gắn kết họ với người tiêu dùng.
      Kodak – Lưu giữ những kỷ niệm quý giá của bạn
      Khi nhà mạng cho khách hàng làm tỉ phú