Welcome
Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh: "Bảo vệ người tiêu dùng cần quản chặt đầu vào"
Ngày 01/7/2011, Luật Bảo vệ người tiêu dùng có hiệu lực, trao đổi với Báo Diễn đàn Doanh Nghiệp, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh cho rằng để Luật có thể đi vào cuộc sống trong thời gian tới cần tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh trên thị trường đặc biệt là ở các cửa khẩu, những chợ đầu mối, các trung tâm thương mại...

- Vừa qua, hàng loạt sản phẩm có chất DEHP vừa được phát hiện, vụ việc này đang bộc lộ những lỗ hổng trong việc quản lý hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người. Luật Bảo vệ người tiêu dùng liệu có khắc phục được những lỗ hổng trong quản lý thời gian sắp tới không, thưa ông?

Trước tiên cần phải thấy rằng, khác với những lĩnh vực khác, pháp luật bảo vệ người tiêu dùng là một trong những lĩnh vực có nội hàm rộng nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật đều có mục đích trực tiếp hoặc gián tiếp bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không thể điều chỉnh hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, đối với hoạt động quản lý ngành cụ thể thì có những văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh đối với ngành đó. Trong vụ việc sản phẩm có chất DEHP, chúng ta cũng đã có những văn bản để điều chỉnh các vấn đề liên quan như: Luật an toàn thực phẩm, Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa,…

Đối với Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong trường hợp này, Luật đã quy định rõ về việc thu hồi sản phẩm, bồi thường thiệt hại đối với người tiêu dùng (ngay cả trong trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh không có lỗi) đồng thời Luật cũng quy định những phương thức giải quyết tranh chấp để người tiêu dùng có thể tự bảo vệ mình.

Như vậy, tôi cho rằng vấn đề không phải là thiếu các quy định của pháp luật trong trường hợp này mà vấn đề là ý thức của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với bảo vệ người tiêu dùng cũng như hoạt động quản lý, giám sát của cơ quan chức năng chưa tốt.

- Vậy còn trách nhiệm của cơ quan quản lý, tại sao đến thời điểm này vẫn chưa có cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ việc liên quan đến sản phẩm có chứa chất DEHP, phải chăng các quy định pháp luật của chúng ta chưa rõ ràng ?

Ngay sau khi các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh vụ việc, các cơ quan liên quan đã vào cuộc một cách tích cực. Ngày 17 tháng 6 năm 2011 Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế  đã có công văn số 1000/ATTP-ĐKCN gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc giám sát thu hồi các sản phẩm nhiễm DEHP. Hiện nay, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trong cả nước đang vào cuộc, đặc biệt Sở Y tế Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang phối hợp với các cơ quan liên quan thanh tra kiểm tra và thu hồi sản phẩm trên.

- Sức khỏe và quyền lợi của rất nhiều người tiêu dùng Việt Nam rõ ràng đã bị xâm phạm bởi các sản phẩm có chất DEHP. Theo ông, người tiêu dùng Việt Nam có được yêu cầu phía đơn vị nhập khẩu và cung ứng sản phẩm có chất DEHP bồi thường không?

Theo quy định tại Điều 23 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa ở đây bao gồm: Tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa; Tổ chức cá nhân nhập khẩu hàng hóa; Tổ chức cá nhân gắn thương hiệu lên hàng hóa hoặc sử dụng nhãn hiệu, chỉ dẫn thương mại cho phép nhận biết đó là tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa.

Như vậy, trong trường hợp này, người tiêu dùng hoàn toàn có quyền thực hiện việc yêu cầu đòi bồi thường.

- Trong thời gian tới, chắc chắn sẽ có thêm rất nhiều sản phẩm thực phẩm nhập ngoại vào Việt Nam, việc kiểm soát sẽ rất phức tạp và khó khăn. Vậy ngoài hành lang pháp lý mà cụ thể là Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực, theo ông cần những yếu tố, điều kiện gì để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng được thực thi hiệu quả ?

Tôi cho rằng, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì cần phải thực hiện một số hoạt động sau đây:

Thứ nhất, tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh trên thị trường đặc biệt là ở các cửa khẩu, những chợ đầu mối, các trung tâm thương mại. Trong trường hợp phát hiện ra hành vi vi phạm, cần có biện pháp xử lý nghiêm khắc để răn đe những đối tượng khác.

Thứ hai, tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người tiêu dùng và các tổ chức cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Cần nâng cao ý thức của các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ trong hoạt động bảo vệ người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, cần hợp tác chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền của các nước láng giềng trong việc quản lý hoạt động giao lưu thương mại, mua bán hàng hóa để kiểm soát nguồn hàng nhập khẩu; đồng thời có cơ chế chia sẻ thông tin đối với các nước này để xử lý những tổ chức, cá nhân vi phạm.

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình Bộ Công Thương cũng đang tích cực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để đối phó hữu hiệu với tình hình này.

Xin cảm ơn ông!

Phan Nam
01/07/2011
  CÁC TIN KHÁC
      Giải bài toán vốn : Doanh nghiệp phải tự cứu mình
      Volvo gắn liền hình ảnh với phần mới nhất của loạt phim “Chạng Vạng”
      Google rời Trung Quốc, Dell có thể
      Chiến lược nhân sự trong bối cảnh mới
      Doanh nghiệp canh cánh nỗi lo hóa đơn giả
      Ký kết triển khai dịch vụ thanh toán tiền bán vé tàu qua tin nhắn
      Phao cứu sinh trong khủng hoảng: Dựa lưng các thương hiệu bảo đảm